Vắng bóng chính sách
Theịchcảnhngànhsắbxh bd nhat 2o số liệu của Bộ Công Thương, năm 2014, kim ngạch XK sắn của Việt Nam đạt trên 1,14 tỷ USD, tăng 4,2% so với năm trước. Quý I năm 2015, XK sắn tiếp tục ghi nhận tín hiệu tích cực khi giá trị XK đạt 420 triệu USD, tăng tới gần 23% so với cùng kỳ năm 2014… Hiện nay, Việt Nam là nước XK sắn thứ hai trên thế giới, chỉ sau Thái Lan. Dự báo, thời gian tới, tình hình tiêu thụ sắn còn tiếp tục tăng, đặc biệt là tại thị trường Trung Quốc sử dụng sắn để sản xuất ehthanol.
Có triển vọng , tuy nhiên điều đáng lưu ý là ngành sắn Việt Nam lại đang phát triển... rất chậm. Tại hội nghị “Phát triển ngành sắn bền vững” do Bộ NN&PTNT tổ chức mới đây, đại diện Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, diện tích sắn phát triển không theo quy hoạch, kế hoạch dẫn đến tình trạng làm vỡ quy hoạch chung cả nước và từng địa phương. Bên cạnh đó, liên kết sản xuất và tiêu thụ sắn còn lỏng lẻo, sản phẩm thu hoạch không kết hợp với kế hoạch thu mua, chế biến làm tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch cao, chất lượng sản phẩm bị giảm thấp, thị trường giá cả không ổn định… Liên quan tới vấn đề này, ông Lưu Quang Thái, Chủ tịch Hiệp hội Nhiên liệu Sinh học Việt Nam bổ sung, đại bộ phận người dân Tây Nguyên, miền Trung và Trung du miền núi phía Bắc hiện nay trồng sắn ra theo kiểu “phủ xanh đất trống”, được chăng hay chớ.
Nhiều ý kiến cho rằng, xét ở tầm vĩ mô, điều khiến ngành sắn lại lẹt đẹt, yếu kém là bởi thời gian qua, ngành này gần như bị “bỏ rơi” khi chưa có bất kỳ chính sách riêng nào tập trung phát triển. Theo ông Hồ Văn Hòa, Chủ tịch HĐTV kiêm Giám đốc Công ty TNHH Qúi Quân Tây Nguyên, đến nay cây sắn vẫn chưa được xác định chỗ đứng đúng mức, từ đó thiếu chính sách hỗ trợ phát triển cụ thể, trực tiếp nhằm tăng năng suất, chất lượng cũng như tìm kiếm các thị trường XK hiệu quả. Điều này khiến cả DN cũng như người nông dân trồng sắn phải chịu cảnh thiệt thòi, bấp bênh.
Cùng chung quan điểm, theo đại diện lãnh đạo một DN chuyên chế biến, XK sắn tại tỉnh Đắk Nông, có kim ngạch XK cao nhưng đến nay sắn chưa được xác định là loại cây trồng chiến lược và chưa có một chính sách mang tầm quốc gia nào dành riêng. Do đó, DN đầu tư ngành sắn khó khăn tứ bề. “Điển hình trong những khó khăn mà DN gặp phải là tiếp cận tín dụng ngân hàng để đầu tư, kể cả nguồn vốn ngắn hạn. DN chủ yếu tự bỏ tiền túi nên nhiều khi đầu tư không đến nơi đến chốn theo kiểu từng phần như thiết bị chế biến sản phẩm chứ chưa tính đến chuyện đầu tư bài bản theo chuỗi để nâng cao giá trị gia tăng”, vị lãnh đạo này nhấn mạnh.
Sẽ xây dựng cánh đồng lớn
Để từng bước tháo gỡ khó khăn và tiến tới sự phát triển bền vững hơn cho ngành sắn, ông Hồ Văn Hòa kiến nghị cây sắn phải được xác định là loại cây công nghiệp và có những chính sách phát triển riêng. Đặc biệt, cần nhanh chóng xây dựng và triển khai quy hoạch chi tiết nhằm xác định rõ địa phương nào trồng diện tích bao nhiêu, từ đó có kế hoạch đầu tư hiệu quả, phù hợp với đầu ra. Xung quanh vấn đề này, đại diện một số DN đề nghị Bộ NN&PTNT cho Hiệp hội Sắn Việt Nam một vai trò nhất định trong phản biện quy hoạch ngành sắn, đặc biệt là trong vấn đề đầu tư các dự án chế biến quy mô rộng mở và vùng nguyên liệu kể cả hiện tại và trong tương lai. Ngoài ra hiện nay, sắn XK tới 85% sang Trung Quốc, trong đó phần nhiều là XK theo đường biên mậu, giá cả bấp bênh, dễ bị ép giá. Do vậy, các DN cũng đề nghị trong quá trình xúc tiến thương mại, cơ quan chức năng đề cập rõ hơn tới vấn đề này để tăng cường XK sắn theo đường chính ngạch, giảm thiểu rủi ro về giá cả cho DN.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát khẳng định: Sắn không chỉ là cây xóa đói giảm nghèo mà còn là cây trồng có thể tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp Việt Nam. Trên cơ sở đánh giá hiện nay phát triển cây sắn còn manh mún, rời rạc, Bộ trưởng giao cho các cơ quan chức năng liên quan nghiên cứu, đề xuất chính sách liên kết xây dựng mô hình cánh đồng lớn đối với cây sắn. Liên quan tới việc nâng cao giá trị gia tăng cho cây sắn, Bộ trưởng đề nghị Hiệp hội Sắn Việt Nam và Hiệp hội Nhiên liệu Sinh học Việt Nam cùng Cục Chế biến Nông, lâm, thủy sản và Nghề muối phối hợp nghiên cứu, đề xuất chính sách để phát triển chế biến sâu đối với cây sắn, đồng thời nghiên cứu đề xuất các chính sách liên quan tới vấn đề hỗ trợ tín dụng, thương mại… nhằm phát triển ngành sắn.
Ngoài ra, đánh giá một số những tồn tại lớn nhất hiện tại của ngành sắn là năng suất thấp, tư duy trồng sắn quảng canh, thiếu bền vững, Bộ trưởng khẳng định bên cạnh việc thúc đẩy cơ giới hóa, đẩy mạnh thâm canh, tăng tưới cho sắn, ngành nông nghiệp xác định sẽ đẩy mạnh nghiên cứu, chọn tạo giống sắn có năng suất và tính chống chịu cao hơn. Bộ trưởng yêu cầu Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam nhanh chóng liên hệ NK nguồn giống tốt, đưa vào trồng khảo nghiệm và hướng dẫn nông dân trồng đại trà.
Ông Vương Quốc Thới, Giám đốc Sở NN&PTNT Tây Ninh: Năng suất sắn có thể đạt 100 tấn/ha Hiện nay, cả nước có hàng chục tỉnh sản xuất sắn với diện tích lớn, nhưng gần như chỉ có Tây Ninh là địa phương dành nhiều chính sách quan tâm cho cây sắn. Tây Ninh cũng là địa bàn có diện tích tăng đều liên tục, đến nay đã chiếm trên 15% tổng diện tích sắn cả nước. Đặc biệt, đây cũng là địa bàn có năng suất sắn cao nhất nước với mức bình quân trên 35 tấn/ha, trong đó các diện tích sắn có tưới, có đầu tư chăm bón có thể đạt 50 -70 tấn/ha là bình thường. Thực tế trồng sắn tại Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu cho thấy, các diện tích sắn có tưới, có áp dụng quy trình chăm bón năng suất có thể đạt tới 80, thậm chí 100 tấn/ha, nông dân trừ tất cả chi phí có thể đạt mức lãi lãi 40-60 triệu đồng. |