Đối với đề nghị được khoanh nợ, xóa nợ thuế và tiền phạt chậm nộp thuế, Tổng cục Hải quan cho biết, theo quy định tại Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11; Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Quản lý thuế số 21/2012/QH13; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế số 71/2014/QH13 và các văn bản hướng dẫn luật thì không có quy định về khoanh nợ, xóa nợ tiền thuế, tiền phạt chậm nộp phát sinh do truy thu từ nội địa hóa xe máy. Vì vậy, Công ty vẫn phải nộp đủ tiền thuế, tiền phạt chậm nộp còn nợ vào ngân sách Nhà nước (NSNN). Việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế được quy định tại Điều 92, Điều 93 Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11, được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 25, Khoản 26 Điều 1 Luật Quản lý thuế số 21/2012/QH13. Theo đó, người nộp thuế nợ tiền thuế, tiền phạt vi phạm pháp luật về thuế đã quá 90 ngày, kể từ ngày hết hạn nộp thuế, nộp tiền phạt vi phạm pháp luật về thuế sẽ bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành các quyết định hành chính thuế theo thứ tự quy định. Các biện pháp cưỡng chế chỉ chấm dứt hiệu lực kể từ khi tiền thuế, tiền phạt đã được nộp đủ vào NSNN. Cơ quan Hải quan chưa thực hiện biện pháp cưỡng chế với trường hợp người nộp thuế được cơ quan quản lý thuế cho phép nộp dần tiền nợ thuế trong thời hạn không quá 12 tháng kể từ ngày bắt đầu của thời hạn cưỡng chế. Được biết, để được nộp dần tiền nợ thuế, DN cần thực hiện theo quy định tại Điều 39 Nghị định 83/2013/NĐ-CP và Điều 134 Thông tư 38/2015/TT-BTC và lập hồ sơ gửi cơ quan Hải quan nơi DN đang có nợ thuế để được xem xét, giải quyết. |