Hội thảo thu hút hàng trăm đại biểu đến từ các doanh nghiệp, các hiệp hội và cơ quan thông tấn báo chí.
2015 là một năm quan trọng đối với Việt Nam khi đất nước hội nhập sâu hơn, thông qua việc hoàn tất đàm phán và ký kết Hiệp định EVFTA và Đối tác xuyênThái Bình Dương (TPP). Khi EVFTA dự kiến có hiệu lực năm 2018, GDP của Việt Nam ước tính có thể tăng thêm 15% và giá trị xuất khẩu sang EU có thể tăng gần 35%. Trong năm 2014, thương mại hai chiều giữa EU và Việt Nam tăng 8,8%, khẳng định vị trí của EU là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, trong đó Việt Nam đạt thặng dư xuất khẩu 2 tỷ USD. EVFTA là hiệp định EU ký kết lần đầu tiên với một nước đang phát triển, sẽ không chỉ tạo giúp gia tăng thương mại, thúc đẩy cho hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam thâm nhập thị trường EU, mà còn cung cấp cho Việt Nam những cơ hội mới để cải thiện tính bền vững và năng lực lao động.
Phát biểu khai mạc tại hội thảo, Đại sứ Thụy Điển Camilla Mellander nhấn mạnh: "Chúng ta cần đảm bảo rằng không thể đánh đổi gia tăng thương mại bằng những hậu quả về tác động môi trường hoặc vi phạm quyền của người lao động. Các doanh nghiệp ở Việt Nam nên chú trọng và hiểu rõ tầm quan trọng của việc tuân thủ CSR, theo những cam kết của chính phủ trong EVFTA. Người tiêu dùng ngày càng có ý thức rõ hơn về việc cách các sản phẩm họ mua đã được sản xuất trong điều kiện môi trường và lao động như thế nào. Nhận thức cao của người tiêu dùng sẽ tạo ra áp lực đối các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp và Việt Nam nói riêng trong việc tăng cường những nỗ lực để triển khai hoạt động theo đúng tiêu chuẩn CSR quốc tế, nhằm tạo ra lợi thế cạnh tranh trên thị trường”.
Đại sứ Camilla Mellander khẳng định sẵn sàng hợp tác cùng với Việt Nam để chia sẻ những kinh nghiệm sáng tạo và thực hành tốt nhất trong lĩnh vực cải thiện quan hệ lao động đặc biệt trong bối cảnh của EVFTA. Được biết, trong năm 2013, Thụy Điển đứng đầu chỉ số RobecoSAM về bền vững. Đây là chỉ số toàn diện và hệ thống nhằm đánh giá và xếp hạng 59 quốc gia dựa trên 17 chỉ số về môi trường, xã hội và quản trị.
Ông Kristin Pålsson - Phó Vụ trưởng, Bộ Ngoại giao Thụy Điển - phát biểu: “Quan điểm của Chính phủ Thụy Điển là thúc đẩy xuất khẩu và thương mại tự do nên song hành với các tiêu chuẩn cao về đạo đức. Vì vậy, cần mời cộng đồng doanh nghiệp tham gia đối thoại về những thách thức để đạt được điều này. Năm ngoái Thụy Điển đã khởi động một kế hoạch hành động về kinh doanh và quyền con người. Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đang trở nên ngày càng quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế bền vững trong một thế giới toàn cầu hóa như hiện nay”.
Đối với thị trường lao động, Thụy Điển cũng có bề dày kinh nghiệm lâu đời về việc công nhân thành lập liên đoàn và thông qua thương lượng để giải quyết xung đột với giới chủ. Công đoàn Thụy Điển được thành lập sớm từ năm 1888. Cách đây 100 năm, Thụy Điển rất khác so với bây giờ, và tại thời điểm đó công nhân phải làm việc nhiều giờ đồng hồ và trong điều kiện khắc nghiệt là điều bình thường.
Ông Erik Andersson - đại diện cho Liên đoàn Lao động Thụy Điển - nói: “Một từ thường được dùng để diễn tả quan hệ lao động tại Thụy Điển là đồng thuận. Mô hình Thụy Điển nổi tiếng toàn cầu chính là một thỏa thuận đạt được giữa giới chủ và người lao động vào năm 1938. Công đoàn Lao động và các tổ chức nghiệp đoàn của người lao động theo đó mà hình thành. Hai nhóm chủ thể chính trong thị trường lao động tự thỏa thuận với nhau và đạt được đồng thuận mà không cần Nhà nước tham gia hay can thiệp. Ý tưởng cốt lõi là các bên tham gia, giới chủ và người lao động thông qua phối hợp và thương lượng đã đạt đến thỏa thuận chung”.Ông bổ sung thêm rằng, đồng thuận không có nghĩa là các chủ thể luôn luôn đồng ý với nhau, nhưng thông qua quá trình thương lượng hòa bình, họ đạt được thỏa thuận chung mà cả hai bên có thể ký kết và đồng ý.
Ở Việt Nam, Bộ Luật Lao động sửa đổi năm 2012 đã quy định quy trình giải quyết tranh chấp trong quan hệ lao động. Tuy nhiên, rất nhiều vấn đề còn tồn tại như năng lực của công đoàn và sự thực thi Bộ Luật này trong cuộc sống. Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ở đâu đó vẫn còn là khái niệm mới mẻ và các doanh nghiệp Việt vẫn đang gặp thách thức để triển khai chương trình trách nhiệm xã hội của mình.
Ông Võ Tân Thành - Phó Chủ tịch VCCI - cho biết:“Các Hiệp định thương mại thế hế mới như Việt Nam - EU FTA hay TPP tạo điều kiện rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam phát triển, mở rộng thị trường và tìm kiếm bạn hàng. Tuy nhiên các điều khoản phi thương mại như các các điều khoản về lao động, môi trường… cũng đặt ra nhiều thách thức, yêu cầu các doanh nghiệp Việt Nam cần nỗ lực chú trọng nhiều hơn trong việc thực thi việc tuân thủ, cũng như trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp nhằm thỏa mãn yêu cầu quy định trong nội dung FTA và xa hơn nữa là đảm bảo cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung”.
Hiện nay, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang EU các mặt hàng như: Điện thoại, thiết bị điện tử, da giày, dệt may, cà phê, gạo, hải sản và đồ nội thất. Trong khi đó, Việt Nam nhập khẩu từ EU các sản phẩm công nghệ cao bao gồm máy móc thiết bị điện tử, máy bay, phương tiện vận tải, và dược phẩm. Kể từ năm 2013, Việt Nam trở thành đối tác thương mại quan trọng thứ 4 đối với EU trong 10 nước thành viên ASEAN.