Góp ý dự thảo thông tư về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan | |
Công khai danh mục thủ tục hành chính mới, sửa đổi, bãi bỏ lĩnh vực hải quan | |
Triển khai kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính | |
Chủ động gỡ vướng về xử phạt vi phạm hành chính | |
Kiểm tra việc xử lý vi phạm hành chính ở một số đơn vị thuế, kho bạc, hải quan |
Công chức Hải quan Lạng Sơn kiểm tra hàng hóa là tang vật vi phạm. Ảnh: H.Nụ |
Dự thảo Thông tư đã bỏ các nội dung tại Thông tư 155/2016/TT-BTC đã được các văn bản quy phạm pháp luật khác quy định như: áp dụng văn bản quy phạm pháp luật và nguyên tắc xử phạt, hướng dẫn xác định vi phạm lần đầu, một số trường hợp không xử phạt, về xác định trị giá tang vật, xử lý hàng hóa bị tạm giữ nhưng không bị tịch thu.
Bên cạnh đó theo Ban soạn thảo, Dự thảo thông tư đã cụ thể hóa những trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan. Cụ thể, việc thông báo nhầm lẫn quy định tại Khoản 2, Điều 6 Nghị định phải được người gửi hàng, người vận tải, người nhận hàng hoặc người đại diện hợp pháp của người gửi hàng, người nhận hàng thực hiện bằng văn bản, nêu rõ lý do gửi chi cục trưởng chi cục hải quan nơi lưu giữ hàng hóa kèm theo các chứng từ liên quan đến việc nhầm lẫn khi chưa đăng ký tờ khai hải quan…
Ban soạn thảo đã tách mục 2 của chương 1 Thông tư 155/2016/TT-BTC quy định về áp dụng các hình thức xử phạt và mức phạt thành chương 2 dự thảo thông tư mới quy định các điều về áp dụng các hình thức xử phạt và mức phạt. Trong đó, quy định nội hàm của hành vi khai sai về số lượng tại Điều 8, 9, 11, 14 Nghị định theo hướng: khai sai về số lượng kiện, thùng, hộp, trọng lượng, khối lượng hàng hóa hoặc đơn vị tính khác căn cứ vào hóa đơn thương mại, phiếu đóng gói, vận đơn. Quy định việc áp dụng chế tài để xử phạt đối với hành vi khai sai về tên hàng, số lượng hàng hóa XNK quy định tại Điều 8, Điều 9, Điều 14 Nghị định theo hướng: chỉ xử phạt về hành vi khai sai khi người khai hải quan có chứng từ để khai bổ sung theo quy định; trường hợp khai sai về tên hàng, số lượng nhưng không có chứng từ để khai bổ sung theo quy định thì xử phạt theo quy định tại Khoản 7 Điều 11 Nghị định.
Đồng thời, quy định áp dụng Khoản 5 Điều 8 Nghị định theo hướng: “Không XK hoặc XK thiếu” áp dụng cho các trường hợp đã hoàn thành thủ tục hải quan, đã xác nhận đi qua khu vực giám sát nhưng thực tế không XK hoặc XK thiếu so với lượng hàng đã khai báo trừ trường hợp hủy tờ khai theo quy định.
Dự thảo thông tư cũng quy định áp dụng đối với Điểm e Khoản 1 Điều 9 Nghị định theo hướng không áp dụng hành vi quy định tại điểm này để xử phạt cho trường hợp tồn kho thừa mà chưa rõ nguyên nhân.
Tại Điều 5, 8, 9, 10 dự thảo thông tư về cơ bản, ban soạn thảo kế thừa quy định của Thông tư 155/2016/TT-BTC gồm hướng dẫn liên quan đến vi phạm quy định về thời hạn làm thủ tục hải quan, nộp hồ sơ thuế; vi phạm quy định về khai thuế; vi phạm quy định về khai hải quan của người xuất cảnh, nhập cảnh đối với ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt nam tiền mặt, công cụ chuyển nhượng, vàng, kim loại quý, đá quý; vi phạm quy định về kiểm tra hải quan, thanh tra, giám sát, kiểm soát hải quan.
Cũng tại chương này, tại Điều 10 liên quan đến xử phạt đối với hành vi trốn thuế quy định tại Điều 14 Nghị định theo hướng: vi phạm liên quan đến hàng hóa XK là sản phẩm gia công, sản phẩm sản xuất XK, sản phẩm XK ra nước ngoài của DN chế xuất. Trường hợp đã hoàn thành thủ tục hải quan, đã xác nhận đi qua khu vực giám sát nhưng thực tế không XK thì xử phạt theo quy định tại Điểm d, Khoản 1, Điều 14 Nghị định… Cơ sở để xác định số tiền thuế chênh lệch đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều 9 và Điều 14…
Dự thảo Thông tư quy định việc thực hiện các biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính, đảm bảo việc xử phạt vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt và thủ tục xử phạt vi phạm hành chính và thực hiện quyết định xử phạt hành chính. Theo đó, hướng dẫn việc phân định thẩm quyền xử phạt đối với xử phạt vi phạm pháp luật về quản lý thuế; xử phạt vi phạm hành chính mà hồ sơ liên quan đến nhiều đơn vị (hàng hóa đưa về bảo quản ở đơn vị khác với đơn vị làm thủ tục; hàng hóa vận chuyển độc lập quá thời hạn quy định); các vụ vi phạm vượt thẩm quyền của Cục trưởng cục hải quan, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan; giao quyền xử phạt; hướng dẫn việc chuyển hồ sơ, gia hạn thời hạn ra quyết định xử phạt đối với các vụ việc vượt thẩm quyền xử phạt của Cục trưởng cục hải quan tỉnh, thành phố, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu và Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan.
Dự thảo thông tư lần này không quy định phần liên quan đến cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan. Ngoài ra, ở phần phụ lục danh mục biểu mẫu sử dụng trong xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan.
Sau khi dự thảo thông tư được ban hành và có hiệu lực sẽ bãi bỏ Thông tư 155/2016/TT-BTC. Theo đó, việc xử phạt đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực hải quan đã xảy ra trước thời điểm thông tư có hiệu lực thì áp dụng theo quy định của pháp luật tại thời điểm thực hiện hành vi vi phạm. Đối với các hành vi vi phạm xảy ra trước ngày thông tư có hiệu lực mà sau đó mới bị phát hiện hoặc đang xem xét, giải quyết thì áp dụng các quy định của thông tư mới để xem xét, giải quyết nếu quy định của thông tư theo hướng có lợi cho cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính.