(CMO) Khi nhắc đến những chuyến hành trình xuyên Việt, nhiều người sẽ nghĩ đến các bạn trẻ với đam mê chinh phục và khám phá những vùng đất mới trên đất nước. Còn đối với cựu chiến binh Cung Vinh (63 tuổi, quê phường Kim Mã, quận Ba Đình, Hà Nội), trong chuyến hành trình xuyên Việt của mình, ông tìm về những nơi đồng đội đã ngã xuống, thăm chiến trường xưa và tri ân những liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Từng tham gia chiến đấu tại Sư đoàn 5 - Quân khu 7, Quân giải phóng miền Đông Nam Bộ, nay ông Cung Vinh vừa là cựu chiến binh của phường, vừa là Trưởng Ban Hội Nghĩa tình đồng đội tại Hà Nội. Nhiều năm nay, ông luôn ấp ủ giấc mơ được thực hiện chuyến hành trình xuyên Việt để tận hưởng vẻ đẹp, những đổi thay của đất nước và thăm lại những đồng đội cũ sau ngày giải phóng.
Ông mặc quân phục chạy xe treo băng rôn đỏ dòng chữ “Hành trình xuyên Việt, tri ân liệt sĩ, thăm chiến trường xưa, nhớ về đồng đội” và “Kỷ niệm 43 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975-30/4/2018”.
Xuất phát từ Hà Nội, theo Quốc lộ 1, ông dừng chân tham quan và viếng nghĩa trang liệt sĩ các tỉnh từ: Vinh, Huế, Quy Nhơn, Nha Trang, Phan Thiết, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Cà Mau và Phú Quốc (Kiên Giang). Chuyến hành trình xuyên Việt của ông kéo dài khoảng 1 tháng.
Đến Cà Mau, cựu chiến binh Cung Vinh viếng Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh và tham quan Đất Mũi. |
Ông Vinh chia sẻ: “Đây là chuyến hành trình xuyên Việt đầu tiên trong đời tôi. Thời chiến tranh bom đạn, tôi và các đồng đội phải càn rừng, rẽ nước để hành quân và chiến đấu. Sau ngày giải phóng, nhiều đồng đội nằm lại chiến trường, người thì trở về quê hương. Bây giờ đất nước phát triển, đường lộ thông thoáng, được xây nên từ chính xương máu của đồng đội, mình có điều kiện thì liên hệ về gặp mặt, thăm lại những đồng đội cũ và viếng những đồng đội đã hy sinh”.
Ngoài “con chiến mã”, chiếc ba lô đựng vài bộ quần áo, máy ảnh và máy tính xách tay để ghi lại những chặng đường đi qua, ông còn đem theo hơn chục bó nhang để thắp cho các đồng đội tại nghĩa trang. Đặc biệt, suốt chuyến hành trình, ông luôn mặc trên người bộ quân phục. Ông cười: “Mặc như vậy vào viếng các anh em họ mới nhận ra mình. Hơn 40 năm rồi còn gì”.
Dù đã ngoài 60 tuổi, ông còn ấp ủ giấc mơ thực hiện chuyến xuyên Việt về thăm đồng đội tham gia chiến trường xưa tại các tỉnh Tây Bắc. Cựu chiến binh Cũng Vĩnh không chỉ là tấm gương sáng về nghị lực sống và cống hiến mà hành động của ông còn nhắc nhở thế hệ sau ghi nhớ công ơn to lớn của các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, khắc ghi đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc./.
Mơ Thảo