Một câu hỏi lớn trong sự kiện này là quan điểm của các bên về phi hạt nhân hóa. Đối với Mỹ, điều này đồng nghĩa việc Triều Tiên giao nộp toàn bộ vũ khí hạt nhân, phá hủy các cơ sở nghiên cứu và phát triển, chuyển giao các nguyên liệu phân hạch cho Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), cho phép IAEA thanh sát thường xuyên và Bình Nhưỡng quay trở lại Hiệp ước Chống phổ biến vũ khí (NPT), hiệp ước mà họ từng rút khỏi vào năm 2003.
Đối với Triều Tiên, phi hạt nhân lại đồng nghĩa với việc Mỹ từ bỏ chính sách duy trì “chiếc ô hạt nhân” cho Hàn Quốc và Nhật Bản. Các tài sản hạt nhân của Mỹ có thể được chuyển đổi mục đích và chĩa lại vào Triều Tiên bất kỳ lúc nào, bởi vậy, phi hạt nhân hóa đồng nghĩa với một sự thay đổi đáng kể trong chính sách an ninh của Mỹ, chứ không chỉ riêng việc dỡ bỏ hay phá hủy các loại vũ khí này. Rõ ràng, đây là điều mà Mỹ không bao giờ chấp nhận.
Ngày 22/4, Tổng thống Trump thông báo Triều Tiên “đã chấp nhận phi hạt nhân hóa”, song trên thực tế, ông Kim Jong-un chỉ tuyên bố đình chỉ các cuộc thử nghiệm vũ khí. Sau 6 vụ thử hạt nhân, rất có thể nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã tiến hành đủ số lượng mà Triều Tiên cần. Ấn Độ và Pakistan cũng từng tiến hành 6 vụ thử và chấm dứt các hoạt động này vào năm 1998.
Một câu hỏi khác cũng quan trọng ở thời điểm này là liệu Triều Tiên có sẵn lòng từ bỏ vũ khí hạt nhân của mình hay không? Không may là lợi thế về an ninh mà các loại vũ khí này mang lại khiến việc từ bỏ chúng gần như là không tưởng, nhất là bởi năng lực hạt nhân còn đảm bảo cho sự tồn tại của chế độ nhà họ Kim.
Ví dụ duy nhất về việc một cường quốc hạt nhân tự nguyện chấp nhận từ bỏ loại vũ khí này là Nam Phi, quốc gia từng chấm dứt chương trình hạt nhân vào năm 1989, dỡ bỏ kho vũ khí với 6 đầu đạn hạt nhân. Chính quyền Frederik de Klerk quyết định xóa sổ các loại vũ khí này trong những ngày cuối cùng của chế độ phân biệt chủng tộc, trước khi quyền lực được chuyển giao cho Đại hội Dân tộc Phi (ANC). Song, Nam Phi không thể là hình mẫu cho Triều Tiên bởi quyết định từ bỏ hạt nhân của họ là từ những áp lực ở trong nước chứ không phải là do bên ngoài.
Bên cạnh đó là những hoài nghi về sự khả tín của Mỹ. Cùng lúc đưa ra những phát biểu về mong muốn thúc đẩy một bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân và hòa bình, Tổng thống Trump lại tìm cách phá hủy thỏa thuận hạt nhân với Iran, giải pháp ngoại giao đa phương mà các bên phải mất tới 12 năm để đàm phán, bất chấp thực tế là các cuộc thanh sát của IAEA đều chứng minh Iran tuân thủ các cam kết của mình.
Khả năng dễ xảy ra nhất là mọi chuyện sẽ vẫn “dậm chân tại chỗ”. Triều Tiên sẽ duy trì, hoăc thậm chí là mở rộng kho vũ khí, dù vẫn tuân thủ cam kết đình chỉ các cuộc thử nghiệm và có thể là cả cam kết “không sử dụng (vũ khí hạt nhân) trước”. Tổng thống Trump có thể sẽ vẫn tiếp tục đưa ra các đe dọa nóng nảy và bốc đồng của mình, trong khi một số lệnh trừng phạt với Triều Tiên được nới lỏng và quốc gia này tiếp tục nhận viện trợ.
Triển vọng lạc quan nhất là quan hệ ngoại giao giữa Hàn Quốc và Triều Tiên, hoặc là giữa cả Mỹ và Triều Tiên được bình thường hóa, và cuối cùng là sự hình thành của một hiệp ước hòa bình giữa hai miền Nam-Bắc Triều Tiên. Cộng đồng quốc tế sẽ từng bước, dù miễn cưỡng, chấp nhận một Triều Tiên có trang bị hạt nhân, tương tự Ấn Độ và Pakistan. Tuy nhiên, trong bối cảnh này, Mỹ có vẻ như sẽ bị qua mặt và ảnh hưởng về mặt ngoại giao bị thu hẹp. Triều Tiên khó có khả năng kích động một cuộc chạy đua hạt nhân tại Thái Bình Dương bởi mục tiêu cơ bản khi phát triển loại vũ khí này của Bình Nhưỡng chỉ là phòng vệ và đảm bảo sự tồn tại của chế độ.