| Vùng nuôi tôm của Công ty Thực phẩm Sao Ta cung cấp nguôn nguyên liệu phục vụ XK. Ảnh: PAN Group |
Xuất khẩu bật tăng tại thị trường Trung Quốc Trong 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 1,9 tỷ USD, tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái. Tháng 5 năm nay, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ chững lại trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc bật tăng. Theo phân tích của bà Kim Thu, chuyên gia thị trường tôm Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, kể từ tháng 3/2022, XK tôm Việt Nam sang Trung Quốc đã bật tăng so với 2 tháng đầu năm, liên tục ghi nhận mốc tăng trưởng 3 con số. XK tôm Việt Nam sang thị trường này từ tháng 3 đến tháng 5 tăng trưởng dao động từ 126%-140%. Đáng chú ý, trong tháng 5/2022, XK tôm Việt Nam sang Trung Quốc đạt 88 triệu USD, tăng 126% so với tháng 5/2021. Lũy kế 5 tháng đầu năm, XK tôm sang thị trường này đạt 275 triệu USD, tăng 101% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện chính sách phòng chống dịch bệnh Covid-19 nghiêm ngặt của Trung Quốc đã bắt đầu được nới lỏng. Điều này giúp việc nhập khẩu tôm của Trung Quốc tăng mạnh trở lại. Nhập khẩu tôm của Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm nay tăng 26% về lượng và tăng 51% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái lên lần lượt 224.000 tấn và 1,45 tỷ USD. Hai nguồn cung tôm lớn nhất cho Trung Quốc làl Ecuador và Ấn Độ đều có những lô hàng bị giới chức Trung Quốc từ chối trong tháng 4 do có dấu vết của virus Sar-CoV-2 trên bao bì sản phẩm. Do đó, nhập khẩu tôm từ Ecuador và Ấn Độ vào Trung Quốc giảm lần lượt 28% và 30%. Trung Quốc có thể sẽ tăng nhập khẩu tôm từ các nguồn cung khác trong đó có Việt Nam. Trái ngược với thị trường Trung Quốc, sau khi tăng trưởng 52% trong tháng 4, XK tôm sang Mỹ tăng trưởng chậm lại, với mức tăng 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 99 triệu USD. Lý giải nguyên nhân, bà Kim Thu cho rằng, trong vài tháng qua, Mỹ nhập khẩu tôm với số lượng lớn từ các nước như Việt Nam, Indonesia, Ấn Độ và Ecuador, dẫn đến tồn kho hiện ở mức cao. Điều này có thể làm giảm nhu cầu mua của các công ty nhập khẩu. Dự kiến XK tôm Việt Nam sang Mỹ trong các tháng tới sẽ không tăng mạnh như các tháng đầu năm. Chỉ đến tháng 9, nhu cầu nhập khẩu tôm của Mỹ mới phục hồi tăng mạnh trở lại để phục vụ dịp Lễ Tạ ơn và mùa lễ hội cuối năm. Chủ động nguồn nguyên liệu Theo bà Kim Thu, XK tôm trong tháng 6 năm nay sang các thị trường chính dự kiến sẽ không biến động nhiều so với xu hướng của tháng 5 và phụ thuộc nhiều vào diễn biến nguồn cung tôm nguyên liệu. Từ đầu tháng 5, thời tiết có chiều hướng bất lợi cho tôm nuôi, mưa đầu mùa sớm hơn mọi năm, ảnh hưởng đến sản lượng tôm, do vậy nguồn nguyên liệu tôm không được khả quan như 4 tháng đầu năm. Do vậy, vài tháng tới có khả năng nguyên liệu tôm sẽ thiếu hụt hơn. XK tôm quý II cũng dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại so với quý 1. Với đà tăng trong việc XK tôm sang các thị trường chính, trong đó có Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc đang thảo luận để đưa ra các chính sách kinh doanh thuận lợi và cung cấp các gói kích cầu để khuyến khích chi tiêu của người tiêu dùng. Điều này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng tiêu thụ tôm tại thị trường Trung Quốc. XK tôm Việt Nam sang Trung Quốc dự kiến vẫn tăng trưởng mạnh trong các tháng tới. Để thực hiện các đơn hàng XK, các doanh nghiệp XK tôm Việt Nam đang chủ động nguồn nguyên liệu trong nước. Đứng ở góc độ doanh nghiệp XK tôm quy mô lớn, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP thực phẩm Sao Ta chia sẻ, nguồn nguyên liệu tôm cho doanh nghiệp chế biến trong tương lai ngoài việc linh hoạt, chủ động từ người nuôi và các thành viên tích cực tham gia chuỗi nuôi còn phụ thuộc vào sự chỉ đạo của Chính phủ và cơ quan chức năng. Cụ thể, đó là tạo sự thông thoáng trong cơ chế hình thành các trang trại nuôi quy mô lớn, có tác dụng dẫn dắt toàn ngành trong việc nâng cao sức cạnh tranh với các cường quốc tôm thế giới; đó là sự quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng các vùng nuôi trọng điểm để nâng cao hiệu suất nuôi tốt hơn. Có như vậy, tôm Việt mới đạt các mục tiêu chiến lược đến năm 2030 đã đề ra và nâng cao khả năng vươn tầm hàng đầu thế giới. |