TheộtrưởngBộTàichínhĐinhTiếnDũngCầnsựvàocuộccủacáccấpcácngànhtrongquảnlýthuếket qua cup phapo Bộ trưởng, rất cần sự “vào cuộc” đồng bộ của các cấp, các ngành để quản lý thuế hiệu quả.
Chế tài mạnh để ngăn chặn trốn thuế
Cho ý kiến vào dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi), đa số ĐBQH tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Quản lý thuế hiện hành, để hoàn thiện thể chế quản lý thuế; thực hiện cải cách hành chính, tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, tạo điều kiện phát triển các thành phần kinh tế. Bên cạnh đó, sửa luật là nhằm tiếp cận tới các chuẩn mực và thông lệ quốc tế, tạo cơ sở để xây dựng hệ thống quản lý thuế hiện đại trong điều kiện hội nhập.
Theo ĐB Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh), việc sửa Luật Quản lý thuế lần này đã tương đối minh bạch, công khai, bình đẳng, phù hợp với pháp luật quốc tế, song cần có sự đối chiếu, nghiên cứu để thiết kế các điều khoản đảm bảo không “vênh” với môi trường pháp lý chung, đồng thời nâng cao hiệu quả chống thất thu, gian lận thuế. Bởi theo phân tích của ĐB, chỉ riêng hệ thống pháp luật về thuế có đến hàng chục đạo luật, chưa kể còn liên quan đến các luật về ngân sách nhà nước, kế toán, kiểm toán…
Dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đã quy định về quản lý thuế đối với giao dịch liên kết, đồng thời, bổ sung quy định liên quan đến quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử. ĐB Lê Thu Hà (Lào Cai) lo ngại quy định như dự thảo luật vẫn chưa ngăn nổi việc chuyển giá, trốn thuế, nhất là đối với các giao dịch liên kết. Do vậy, ĐB đề nghị cần phải đưa vào dự thảo luật quy định mạnh mẽ hơn nữa về chống chuyển lợi nhuận, chống xói mòn nguồn thu mà quốc tế đang áp dụng để đưa vào phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
ĐB Nguyễn Thị Lưu Mai (Hà Nội) cho rằng, vấn đề lợi dụng chuyển giá trốn thuế diễn ra nhiều năm nay, gây thất thu ngân sách nhà nước (NSNN). Tuy nhiên theo báo cáo của Chính phủ, vấn đề chuyển giá trốn thuế còn tồn tại, do đó, trong dự thảo luật cần có chế tài ngăn chặn kịp thời. Liên quan đến quy định về xoá nợ thuế, theo ĐB, đi đôi với xoá nợ thuế, cần có biện pháp phân cấp trách nhiệm từng cấp.
Theo ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội), hiện nay tình trạng thất thu, nợ đọng thuế vẫn xảy ra, dẫn đến việc bất bình đẳng giữa cá nhân, tập thể nộp thuế đầy đủ và những trường hợp chây ỳ, trốn thuế. Do đó, Luật Quản lý thuế (sửa đổi) phải hướng tới việc loại bỏ tình trạng trốn thuế, lậu thuế, đảm bảo quyền và nghĩa vụ bình đẳng giữa các đối tượng kinh doanh. Bên cạnh đó, cần nâng cao trách nhiệm của cán bộ thuế trong việc quản lý và hoàn thành nhiệm vụ. Liên quan đến vấn đề lợi dụng chuyển giá để trốn thuế, ĐB Hoàng Văn Cường cho rằng, đây là vấn đề lớn nhất hiện nay. Việc chuyển giá không chỉ xuất hiện ở các công ty nước ngoài mà ngay cả các doanh nghiệp trong nước. Do đó, Luật Quản lý thuế (sửa đổi) phải hạn chế tối đa tình trạng này.
Sửa đổi luật để phù hợp thực tiễn phát triển
ĐB Đỗ Thị Thu Hằng (Đồng Nai) đề nghị cơ quan soạn thảo đánh giá kỹ tác động chính sách, những yếu tố nền tảng để thực thi luật sửa đổi. Theo ĐB, về vấn đề nhân lực, hiện nay biên chế trong ngành Thuế đang có xu hướng giảm mạnh. Do đó, cơ quan soạn thảo cần xem xét, đánh giá nguồn lực thực hiện, không tạo áp lực cho người nộp thuế cũng như cán bộ công chức thuế.
Ở cách tiếp cận khác, theo ĐB Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng), cần bổ sung quy định nghĩa vụ người nộp thuế như sau: “Cung cấp chính xác đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu liên quan đến các việc xác định nghĩa vụ thuế, số liệu và nội dung giao dịch của tài khoản mở tại ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng, giải thích việc tính kê khai, nộp thuế theo yêu cầu của cơ quan thuế và theo yêu cầu của Thanh tra Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước theo quy định của pháp luật”.
Phát biểu tại phiên họp tổ thảo luận về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, dự án luật theo trình tự thủ tục trình qua 2 kỳ họp Quốc hội (kỳ họp thứ 6 và thứ 7) nên rất cần sự tham gia, đóng góp ý kiến của các ĐBQH để cơ quan soạn thảo (Bộ Tài chính) hoàn thiện.
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, đây là một dự án luật chuyên ngành, “nhưng rất tổng hợp”, do đó cần được quan tâm, đặc biệt trong điều kiện nước ta đang đổi mới thể chế. “Luật đã được sửa 3 lần trong 10 năm để phù hợp với phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế, nhưng đến nay nhìn lại vẫn còn bất cập, nhất là trong điều kiện hiện nay, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, thời đại kinh tế số và thương mại điện tử phát triển”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.
Người đứng đầu ngành Tài chính cũng chia sẻ kinh nghiệm, cách làm của Bộ Tài chính và cơ quan quản lý thuế trong việc kiên quyết thực hiện thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thu về ngân sách nhà nước thời gian qua. Trong quá trình thực hiện, Bộ Tài chính đã phối hợp tốt với các cấp ủy, chính quyền địa phương trong tổ chức thu ngân sách, đặc biệt, tăng cường thanh, kiểm tra, thu hồi nhiều khoản thu về ngân sách.
“Trong điều kiện kinh tế phát triển, nếu không mềm dẻo, không có đối sách trong quản lý, đặc biệt là hành lang pháp lý thì khó thực hiện”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho hay. Do đó, Bộ trưởng cho rằng, cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành trong quản lý thuế và đặc biệt mong muốn các ĐBQH hiến kế, tham gia đóng góp ý kiến để xây dựng Luật Quản lý thuế (sửa đổi).
Minh Anh