Tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội theo chương trình họp Quốc hội vào ngày 29/5, đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy (đoàn Bình Định) nhận xét, những tháng đầu năm, giá cả một số mặt hàng dịch vụ tăng cao, nhất là giá vàng, tỷ giá USD, giá dịch vụ hàng không dẫn đến những tác động tiêu cực.
Trong đó, vàng, USD trở thành ưu tiên lựa chọn dự trữ của nhiều hộ gia đình, cá nhân, nên theo đại biểu, nếu không có giải pháp tốt, không sớm kiềm chế sẽ dẫn đến hiện tượng vàng hóa, USD hóa trong các giao dịch mua, bán trong xã hội. Cũng về thị trường vàng, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) nhìn nhận, việc quản lý thị trường vàng có nhiều bất cập. Hiện giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch lớn, dẫn đến buôn lậu vàng diễn biến phức tạp, làm chảy máu ngoại tệ, có khả năng tác động tiêu cực tới việc bình ổn kinh tế vĩ mô, cho nên việc cần phải có giải pháp dài hạn để quản lý, ổn định thị trường vàng. Nên đại biểu cho rằng, đã đến lúc bỏ độc quyền vàng miếng nhập khẩu vàng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN); đồng thời sửa đổi, bổ sung Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, cho phép doanh nghiệp nhập khẩu vàng nguyên liệu và in vàng miếng dưới sự quản lý chặt chẽ của NHNN. Giải trình, làm rõ ý kiến đại biểu Quốc hội nêu tại phiên họp, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nêu rõ, giá vàng tăng cao và biến động là biến động chung của các nước trên thế giới, không chỉ riêng ở Việt Nam. Trong nước, giá vàng diễn biến phức tạp và diễn biến cùng chiều với giá vàng thế giới. Tuy nhiên, chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế nới rộng, đặc biệt là giá vàng SJC. Trước bối cảnh đó, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm và có nhiều chỉ đạo quyết liệt từ NHNN đến các bộ, ngành phải thực hiện chức năng theo quy định tại Nghị định 24 để có thể thu hẹp về chênh lệch giá vàng. Tuy nhiên, theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, việc thu hẹp chênh lệch giá vàng là một nhiệm vụ thách thức trong điều kiện giá vàng quốc tế vẫn liên tục tăng cao và phức tạp. Trước tình hình đó, NHNN đã thực hiện tăng cung vàng ra thị trường, bằng giải pháp đấu thầu vàng miếng. Tuy nhiên qua 9 phiên đấu thầu, chênh lệch giá giảm không được như kỳ vọng. Do đó, NHNN đã dừng đấu thầu để đánh giá tình hình và tìm ra các nguyên nhân cũng như xây dựng phương án mới để triển khai trong tuần tới nhằm giảm được chênh lệch giá vàng, nhưng cũng đi đôi với giải pháp minh bạch hóa các giao dịch của thị trường vàng. Thống đốc cho hay, Chính phủ cũng chỉ đạo quyết liệt ở các bộ, ngành phải phối hợp từ tất cả các khâu để tăng cường minh bạch các giao dịch thị trường vàng và NHNN cũng đã quyết định lập đoàn thanh tra liên ngành để thanh tra toàn diện về mọi mặt, từ hóa đơn, chứng từ, các giao dịch về phòng, chống rửa tiền liên quan đến các giao dịch về vàng, để thấy rằng thời gian qua, những biến động trên thị trường vàng không loại trừ những hành vi vi phạm pháp luật để đầu cơ, găm giữ, đẩy giá. Chia sẻ thêm về những chỉ đạo, điều hành của Chính phủ liên quan đến thị trường vàng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cũng nêu, từ tháng 6/2022, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất sát sao, với 25 văn bản, trong đó có những công cụ can thiệp vào thị trường vàng để bình ổn thị trường vàng và đồng thời thanh tra, kiểm tra, kiểm soát. Theo Phó Thủ tướng, NHNN đã tích cực có một số giải pháp, tuy nhiên khi can thiệp thì thấy hiệu quả chưa cao. Nên hiện NHNN đang đánh giá lại và sẽ có những phương án mới để bình ổn thị trường vàng về mặt ngắn hạn, còn về mặt lâu dài sẽ nghiên cứu sửa đổi Nghị định 24. Trước mắt sẽ dùng công cụ thuộc quản lý nhà nước là thanh tra, kiểm tra để đánh giá một cách thực chất về hoạt động của thị trường vàng. Trong ngày 29/5, NHNN cũng đã thông tin cho biết sẽ thực hiện bán vàng trực tiếp cho 4 ngân hàng thương mại Nhà nước theo mức giá do NHNN xác định căn cứ theo giá thế giới, để các ngân hàng này bán vàng trực tiếp tới người dân vào ngày 3/6 tới đây. |