Đờn ca tài tử (ĐCTT) - loại hình nghệ thuật gần gũi, từ lâu đã trở thành “món ăn” tinh thần không thể thiếu của người dân Bình Dương. Để có được những sân chơi tài tử góp phần đưa nghệ thuật ĐCTT phát triển có vai trò, đóng góp rất lớn của các trung tâm văn hóa. Những người làm công tác quản lý văn hóa, làm việc không vì vật chất mà bằng tất cả tình yêu dành cho ĐCTT. CLB ĐCTT Trung tâm Văn hóa - Thể thao TX.Bến Cát trong một buổi sinh hoạt Tập hợp những người mộ điệu Theo thống kế của Bảo tàng tỉnh, trên địa bàn tỉnh hiện có 67 câu lạc bộ (CLB) và 4 nhóm ĐCTT đang hoạt động với 800 người thường xuyên tham gia sinh hoạt. Các CLB ĐCTT hoạt động theo sự phân cấp quản lý của cấp huyện, thị, thành phố và cấp xã, phường, thị trấn. Tuy nhiên, các trung tâm văn hóa huyện, thị, thành phố mỗi đơn vị hiện chỉ quản lý trực tiếp 1 CLB. Các CLB, nhóm ĐCTT chủ yếu hoạt động phân tán và thuộc quản lý của UBND các xã, phường, thị trấn hoặc sinh hoạt tự phát. Các CLB ĐCTT do trung tâm văn hóa quản lý thường sinh hoạt theo định kỳ 1 tháng 1 lần, có địa phương 1 quý 1 lần. “Sinh hoạt thường xuyên tại các CLB là những người mộ điệu. Ban đầu, họ sẽ tập tành vài bài bản, sau đó là ca vọng cổ, hát giao lưu với nhau”, nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Tấn Xuân, Chủ nhiệm CLB gia đình Tân Xuân, TX.Tân Uyên nói. Đến với các CLB, những người có tâm huyết với loại hình nghệ thuật này đã dành tất cả tình yêu, sự chân thành để hướng dẫn những ai chưa biết ca ca được, ca hay, đờn giỏi. NNƯT Thu Hồng, Chủ nhiệm CLB ĐCTT thuộc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh nói, CLB hiện có 20 thành viên. Họ là những người yêu ca hát, nhất là loại hình ca cổ. Do đó, họ rất mong có nhiều bạn trẻ tham gia sinh hoạt để đưa ĐCTT bay cao, bay xa. Ngoài tập luyện, ca hát, CLB ĐCTT các trung tâm văn hóa cũng đã phát huy vai trò của mình khi liên tục tổ chức giao lưu ĐCTT trong, ngoài tỉnh. Để tổ chức thành công, những người quản lý văn hóa tại các trung tâm văn hóa đã rất nỗ lực. Họ không chỉ lo kịch bản chương trình mà còn đích thân gặp từng nghệ nhân, nghệ sĩ vận động tham gia các CLB ĐCTT, hay thi thố tại các liên hoan. Những sân chơi do trung tâm văn hóa tổ chức vô cùng ý nghĩa và mang lại hiệu quả thiết thực cho việc duy trì và phát triển ĐCTT trong tỉnh. Từ các cuộc liên hoan này, nhiều nhân tố mới được phát hiện, từ đó không ngừng rèn luyện, trau dồi kiến thức thông qua các cuộc liên hoan ĐCTT hàng năm và trở thành những nghệ nhân giỏi đóng góp cho sự phát triển phong trào ĐCTT của tỉnh. Đồng thời, qua đó người quản lý còn thấy được mặt mạnh, điểm hạn chế của địa phương mình để có những tham mưu tích cực trong việc đưa ra giải pháp nhằm duy trì và phát triển loại hình nghệ thuật ĐCTT trong giai đoạn hiện nay. Để nơi đây mãi là điểm đến lý tưởng Hiện nay Bình Dương đang thực hiện đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT Bình Dương, giai đoạn 2016-2020” và chuẩn bị cho Festival ĐCTT Quốc gia lần thứ 2 tại Bình Dương. Để đề án và Festival là “bàn đạp” cho sự phát triển loại hình nghệ thuật ĐCTT Bình Dương vai trò trung tâm văn hóa rất quan trọng. Trung tâm văn hóa sẽ tập hợp những người mộ điệu, xây dựng các sân chơi thú vị để lan truyền niềm đam mê loại hình nghệ thuật này đến đông đảo tầng lớp nhân dân; đồng thời tham mưu lãnh đạo địa phương có những giải pháp thiết thực đưa ĐCTT Bình Dương phát triển. Tuy nhiên, để trung tâm văn hóa làm tốt công tác quản lý các CLB ĐCTT cũng cần có những hỗ trợ, giải pháp. Bà Trần Thị Hương, Trưởng phòng Nghệ thuật quần chúng, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh nói, cần phải bồi dưỡng, nâng cao kiến thức hiểu biết về ĐCTT cho đội ngũ làm công tác quản lý văn hóa. Bởi họ hiểu, yêu ĐCTT sẽ có những giải pháp phát triển, xây dựng được các sân chơi thu hút những người mộ điệu. Mặt khác, tỉnh cũng cần ban hành các chính sách đãi ngộ đặc thù đối với các nhạc sư, nghệ nhân làm công việc truyền dạy ĐCTT trong tỉnh. Đây là những nhân tố nòng cốt để gầy dựng những “chồi non” tài tử xanh tươi cho Bình Dương. Theo cô Thu Hồng, ngành văn hóa - thể thao và du lịch nên hỗ trợ để các trung tâm văn hóa tổ chức các trại sáng tác; mời gọi các nghệ nhân, soạn giả trong và ngoài tỉnh tham gia trại sáng tác. Đồng thời, biên tập phát hành các tác phẩm đạt giải, lưu truyền phục vụ cho các cuộc liên hoan ĐCTT và các cuộc giao lưu, sinh hoạt, truyền dạy. Có như vậy, ĐCTT Bình Dương sẽ xây dựng được chỗ đứng của mình trong lòng mỗi người dân; góp phần cùng các tỉnh, thành khác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. THIÊN LÝ |