【ca atlanta vs】Bất cập xã hội hóa chợ nông thôn
Kêu gọi xã hội hóa đầu tư chợ nông thôn là chủ trương đúng đắn,ấtcậpxhộihachợca atlanta vs nhằm làm thay đổi bộ mặt thương mại nông thôn theo hướng hiện đại. Thế nhưng, chuyện xã hội hóa đang phát sinh không ít bất cập.
Bài 1: Nhiều bức xúc
Từ khu chợ xập xệ, nhà đầu tư đã xây nên những khu thương mại khang trang. Tuy nhiên, bên trong những khu chợ “tiền tỉ” đó vẫn còn nhiều vấn đề gây bức xúc cho tiểu thương.
Dù vào chợ Trà Lồng chưa lâu, nhưng tiểu thương phải đối mặt với nhiều khó khăn.
Những tưởng có chỗ bán cố định sẽ khỏi đau đáu nỗi lo “buôn gánh bán bưng”, nhưng từ khi vào chợ Trà Lồng, phường Trà Lồng, thị xã Long Mỹ chưa lâu, không ít tiểu thương phải đối mặt với nhiều khó khăn. Bởi toàn bộ nhà lồng A chợ này hiện có chưa đầy 50% số ki-ốt có người buôn bán, phần còn lại thì đóng cửa im ỉm. Tiểu thương không trụ nổi, người thì bỏ chợ ra ngoài thuê mặt bằng, người tìm nghề khác mưu sinh. Tầm 9 giờ sáng hàng ngày, cả khu chợ chỉ còn tiểu thương trò chuyện với nhau. Nhưng đó chưa phải là bất cập duy nhất tại khu chợ “tiền tỉ” này.
Có o ép tiểu thương ?
Sau những phản ánh diện tích hẹp mà giá thuê ki-ốt cao, bố trí sắp xếp chỗ buôn bán bất hợp lý còn chưa ghi nhận phản hồi giảm giá từ phía Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Huỳnh Trân (nhà đầu tư chợ - PV) thì đến nay, nhiều tiểu thương chợ Trà Lồng tiếp tục bức xúc vì những yêu cầu mà Ban quản lý chợ (BQL) đưa ra. Theo phản ánh của nhiều tiểu thương trong khu chợ cá, thời gian gần đây, BQL yêu cầu thu thêm tiền lô tháng 11-2016 vì lý do còn sót lại một tháng chưa đóng. Ông Nguyễn Giang Tân, tiểu thương chợ cá, cho biết: “Tôi đăng ký lô tại chợ từ tháng 6-2016 và thực hiện đóng tiền lô, sạp đầy đủ đến tháng 4-2017. Trong hợp đồng đã có ghi rõ ràng nhưng gần cuối tháng rồi, BQL thông báo rằng, tiểu thương trong chợ phải đóng lại tiền thuê lô của tháng 11-2016”.
Do đó bà con tiểu thương nơi đây, trong đó có ông Tân đều không đồng ý vì đã đóng tiền xong đến tháng 4 năm nay rồi. “Khi chúng tôi yêu cầu BQL đưa hợp đồng ra đối chứng thì trên hợp đồng cũng thể hiện rõ ràng là chúng tôi đã đóng tiền đầy đủ. Chưa hết, không thu được phần này, BQL lại chuyển sang lý do chúng tôi chưa đóng tiền của tháng 2-2017. Tiền thì thu vào đầu tháng, người thuê lô trả đều đều theo quy định. Bởi trễ một ngày thì họ đòi phạt, đòi đuổi khỏi chợ mà giờ lật kèo nói tiểu thương chưa đóng. Bây giờ nếu chúng tôi không đóng thì sẽ bị đuổi khỏi chợ, không cho bán nữa. Hiện còn rất nhiều hộ bán cá cùng chung cảnh ngộ như vậy”, ông Tân than phiền.
Chưa kể, theo nội quy của chợ Trà Lồng, mỗi tiểu thương phải đóng tiền nước hàng tháng là 30.000 đồng, tiền rác là 20.000 đồng. Khi đóng xong, hộ kinh doanh có quyền dùng nước phục vụ cho việc bán buôn hàng ngày. Thế nhưng theo ông Tân, kể từ khi BQL yêu cầu đóng tiền tháng 2 đến giờ, tiểu thương đang chờ Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Huỳnh Trân vào cuộc giải quyết nhưng chưa thấy người nào xuống mà chỉ thấy BQL ra nhiều thông báo thu hồi lô. Trong vòng 1 tháng, mỗi hộ bán cá nhận được 4 thông báo kèm theo “tối hậu thư” sẽ cắt nước khu chợ cá vì xài nhiều quá, công ty lỗ tiền. Cho nên, nhiều tiểu thương thắc mắc rằng, nước phục vụ cả chợ được bơm từ giếng khoan lên thì làm sao có chuyện lỗ?
Đáng nói là, hiện các hợp đồng thuê ki-ốt và các giấy tờ quan trọng khác của tiểu thương đều bị BQL giữ lại hết. “Lúc Ban quản lý thu lại, thấy nhiều người đồng ý đưa nên tôi cũng đưa luôn. Chúng tôi không còn tờ giấy nào chứng minh, lỡ như có tình huống gì tranh chấp xảy ra thì chúng tôi chẳng biết xoay sở ra sao? Có chợ mới ai cũng mừng, nhưng vào chợ mà khổ hơn lúc chưa vào thì thà không xây chợ còn hơn”, chị N.T.P.T (nhân vật xin giấu tên - PV), tiểu thương bán thịt heo trong chợ Trà Lồng, chia sẻ.
Khổ vì quy định mới
Cách đây chưa lâu, những hộ kinh doanh trong khu vực chợ tự tiêu tự sản Vị Thanh, ở phường III, thành phố Vị Thanh bức xúc vì cách phân chia lô ngày càng teo tóp, khiến hàng chục hộ bán cá tràn ra phần đường gần khu chợ này để có chỗ bán. Sự việc được giải quyết ổn thỏa khi chính quyền địa phương vào cuộc xử lý. Thế mà những ngày gần đây, chúng tôi lại tiếp tục ghi nhận thêm những phản ánh của tiểu thương liên quan đến quy định mới.
Cụ thể là từ đầu tháng 5 đến nay, nhiều tiểu thương bày bán dọc theo hàng rào nhà lồng chợ rau, củ, trái cây cảm thấy bức xúc trước yêu cầu mà BQL chợ đưa ra là không được buôn bán trái cây, bánh mì, thức uống… quá 11 giờ hàng ngày. Nghĩa là các tiểu thương chỉ được buôn bán khoảng chừng 5 giờ sáng đến 11 giờ trưa. Nếu không thực hiện theo quy định thì bảo vệ sẽ xuống dẹp chỗ. Theo các tiểu thương chợ Vị Thanh, cứ tầm 11 giờ là bảo vệ đến từng chỗ yêu cầu sập dù che nắng xuống. Ai có xe bánh mì, xe đẩy hàng phải mang xuống cuối chợ gửi với phí 30.000 đồng/tháng, ai không thực hiện đúng yêu cầu sẽ thu hồi lô. Những hộ có ki-ốt bên trong muốn để hàng tạm ở khu này cũng phải đóng phí 7.000 đồng/lô/ngày.
Bà Ba, người bán bánh mì ở phía đầu nhà lồng chợ, bức xúc: “Tôi buôn bán tại chợ này đã hơn 8 năm nay nhưng chưa thấy quy định nào vô lý như thế này. Tiền lô thu không thiếu đồng nào, dù nghỉ vẫn phải đóng mà sao cấm chúng tôi bán cả ngày, song họ không thể đưa ra được lý do gì thuyết phục hết”. Trong khi đó, hầu hết các tiểu thương đều là hộ buôn bán nhỏ lẻ, từ giá thuê mỗi lô với diện tích khoảng 1m2 phải đóng 7.000 đồng/ngày nên hộ nào nhiều hàng hóa phải thuê 2-3 lô mới đủ chỗ để.
“Từ khi có thông báo kỳ quăc này, nhiều người thấy bán buôn khó khăn quá nên dọn đi. Bán ế ẩm rồi mà còn làm vậy chắc tiểu thương không còn đường sống. Tôi bán các loại thức uống, tiền lời chỉ nhờ vào buổi trưa. Khi đó thời tiết nắng nóng, người dân có nhu cầu mua nhưng giờ cấm bán thì tôi kiếm cơm bằng cách nào?”, bà Cúc, bán thức uống bày tỏ. Còn bà Chín, bán bánh ngọt ở chợ Vị Thanh, tâm sự: “Tôi xin nán lại chừng 1 giờ mà BQL chợ cũng không đồng ý. Phần bán không hết đành phải mang về nhà hoặc mang đến các trường học bán tiếp. Tiền lời mỗi ngày chưa tới 100.000 đồng, trong khi thực phẩm này bỏ qua đêm thì hư, nếu không tìm cách bán sẽ bị lỗ vốn”.
Bài, ảnh: KIM ĐIỀU
Bài 2: Chưa hài hòa lợi ích