Sẵn nghề cắt tóc,ườicắttcmiễnphởniTrBồatalanta juventus anh Lê Minh Tân (40 tuổi, thị trấn Trà Xuân, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi) suốt 10 năm qua đã cắt tóc miễn phí cho người già, người neo đơn trong thị trấn. Anh còn là người kết nối những tấm lòng mong muốn giúp đỡ các em nhỏ và trường học gặp khó khăn. Anh Lê Minh Tân đang cắt tóc miễn phí cho một cụ già neo đơn. Giúp người là niềm vui lâu dài “Không cần phải là người giàu mới có thể cho đi, dùng nghề của mình để giúp người sẽ là niềm vui lâu dài”, anh Lê Minh Tân tâm niệm. Định kỳ mỗi tháng, anh dành thời gian đi khắp ngả đường để cắt tóc tận nhà cho các cụ già, người neo đơn trong thị trấn Trà Xuân. Chúng tôi đến căn nhà cấp 4 nằm trong con hẻm nhỏ, cụ Trần Rệ (86 tuổi) nằm liệt giường đã gần 5 năm. Thấy anh Tân đến thăm, cụ Rệ hồ hởi nói chuyện. Hỏi thăm sức khỏe, cụ bảo: “Đau ốm miết thôi nhưng có người đến thăm, nói chuyện, tôi vui lắm”. Anh Tân cắt tóc cho cụ Rệ đã 4 năm nay, mỗi lần đến, cụ đều nắm tay anh vui sướng. “Cắt tóc rồi thì đỡ nóng hơn, mà lại không tốn tiền nên rất mừng”, cụ Rệ cười nói. Ngay cạnh nhà cụ Rệ là cụ Lâm Tích Oanh (80 tuổi), cũng có hoàn cảnh neo đơn. Cụ Oanh không có con cháu, họ hàng. Hơn 1 năm nay, cụ ngã bệnh, đi lại khó khăn nên không đến nhà anh Tân được, anh Tân mang đồ nghề qua nhà cụ để cắc tóc. Cô Nguyễn Thị Cúc, gần nhà cụ Oanh, cho biết: “Sẵn nấu cơm nhà, tôi nấu luôn cho cụ ăn hàng ngày. Gần đây cụ đau ốm nhiều nên đi bệnh viện thường xuyên hơn”. Từ việc cắt tóc cho các cụ, anh Tân nhận thấy, cha anh đã chọn cho anh đúng nghề. Một nghề đơn giản mà thiết thực. Anh Tân chia sẻ: “Mỗi nghề đến với mình đều là duyên, tôi cảm thấy vui vì mình là thợ cắt tóc”. Cuộc sống của anh Tân vất vả, mẹ mất sớm khi anh đang học lớp 9, sau anh còn 5 đứa em nhỏ. Anh Tân phải nghỉ học để phụ cha nuôi các em ăn học. “Tôi muốn làm thợ chạm điêu khắc, nhưng cha tôi không có tiền cho tôi đi học, ông đã dẫn tôi đến tiệm cắt tóc và tôi bắt đầu học nghề. Tôi nhớ cha cũng chật vật lắm mới lo được tiền học cho tôi, vì ngày kiếm bữa cá đã khó rồi, nhất là vùng núi Trà Bồng, địa hình khó khăn vất vả để xuống đồng bằng”, Anh Tân kể lại. Khi có nghề cắt tóc làm vốn lận lưng, anh Tân lại càng đau đáu về những đứa trẻ sống ở vùng núi Trà Bồng. “Có lần, tôi có việc lên miền núi, khi đang ngồi trong quán ăn thì thấy mấy em nhỏ mua kẹo ăn, trong đó có em chỉ đứng nhìn, quần áo lấm lem. Tôi mua cho em ít kẹo và ánh mắt em ấy vẫn dõi theo tôi khi ra khỏi quán”, anh nhớ lại. Những chuyện bình thường, hiển nhiên ở những vùng núi vẫn ám ảnh anh sâu sắc. Anh kể mình chứng kiến người cha chở con từ trên núi xuống thị trấn mà quần áo mỏng manh, cái lạnh “cắt da thịt” xuyên qua những vết rách ướt sũng của các bé vì thời tiết mùa đông. Anh Tân nói: “Đó là năm 2013, tôi thấy người cha chở những đứa con đứng gần ngay chỗ tiệm hớt tóc của tôi. Tôi vội vào nhà tìm 3 cái áo ấm của mấy đứa con tôi để cho các em mặc, tôi nhớ khuôn mặt chúng rạng ngời “săm soi” những chiếc áo xinh đẹp. Sẵn nghề, tôi đưa các em vào tiệm hớt tóc luôn”. Bắt đầu từ đó, anh trở thành thợ hớt tóc miễn phí cho các em nhỏ, cụ già ở Trà Bồng. Năm 2014, anh thành lập nhóm Nhịp cầu yêu thương với công việc chủ yếu là hớt tóc miễn phí cho các em nhỏ ở thôn làng vùng núi. Anh nói: “Hàng tháng, nhóm đi từng xã giúp đỡ bà con. Vì không có nguồn quỹ nên hoạt động của nhóm là đến tận nhà người dân ở thị trấn xin lại đồ cũ để phát cho các em nhỏ trên núi”. Sau này, anh có cơ hội để tham gia các nhóm thiện nguyện khác và học hỏi được kinh nghiệm, nhờ thế kêu gọi được nhiều mạnh thường quân. Anh chia sẻ: “Trong suốt 10 năm làm công việc thiện nguyện, vợ tôi là người hy sinh nhiều nhất. Cuộc sống gia đình tôi không khá giả lại còn lo toan con cái ăn học, nhưng vợ tôi đồng cảm chia sẻ với các hoạt động thiện nguyện của tôi”. Kết nối những tấm lòng Nhiều lần đi về miền núi xa xôi, anh Tân biết rằng, ở nơi núi cao, nguồn nước sạch chưa kéo tới, đa phần người dân dùng nước suối để sinh hoạt hàng ngày. Khi miền Trung khô hạn khốc liệt, nước suối đầu nguồn cũng cạn kiệt, người dân xách xô đi cả chục cây số để tìm nước. Anh nói: “Trên vùng núi bây giờ trồng toàn cây keo mà rễ keo bám chặt đất, làm đất bạc màu, khô cằn. Lá keo rụng xuống khiến cây cỏ chết sạch, dẫn đến nguồn nước ngầm trong lòng đất, suối rừng cạn kiệt”. Thiết thực nhất là đầu tư giếng khoan. Anh Tân vận động các mạnh thường quân qua mạng xã hội. Trong năm 2019, anh Tân đã kết nối những tấm lòng để hỗ trợ 3 giếng khoan cho 3 trường gồm: Trường Mầm non Trà Bùi, Trường PTDT bán trú TH-THCS Trà Bùi và Trường Mầm non Trà Thanh (huyện Trà Bồng), mỗi giếng đầu tư hơn 30 triệu đồng. Rồi anh đi xin cả máy lọc nước để giúp các em có nước sạch dùng tại trường. Anh nói: “Tôi chỉ có công đi đến các điểm trường nơi các em cần sự giúp đỡ và bằng các mối quan hệ để kêu gọi mạnh thường quân. Tôi cảm ơn những người thầm lặng giúp các em có được giếng nước, nhất là khi thời tiết ngày càng khắc khiệt, nắng nóng kéo dài hơn”. Thầy Trương Quang Kỳ, Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú TH-THCS Trà Bùi, cho biết: “Anh Tân đã kêu gọi hỗ trợ cho trường một giếng khoan, không chỉ phục vụ cho 147 em tiểu học mà còn 155 em THCS và cán bộ giáo viên nhà trường bám trụ tại đây”. Khi nghe thầy Kỳ chia sẻ về hoàn cảnh khó khăn, mồ côi cha mẹ từ nhỏ của em Hồ Văn Thời (7 tuổi, thôn Quế, xã Trà Bùi), anh Tân đã lên tận thôn Quế tìm gặp em. Anh nói: “Mỗi lần lên là rớt nước mắt, em Thời mồ côi nên sống với cậu, mà nhà cậu thì nuôi 6 người con, cậu còn không có ăn thì lấy đâu đến cháu”. Nhờ anh Tân kêu gọi lòng hảo tâm, suốt 2 năm liền, mỗi tháng, em Thời được hỗ trợ 500.000 đồng. Lần nào anh Tân cũng lên tận nơi để gửi tiền, quần áo cũ và vở học cho em Thời. Gia cảnh ông Lê Văn Thông (tổ dân phố 6, thị trấn Trà Xuân) khó khăn, vợ chồng đều mù và phải gắng gượng để nuôi con trai đang học lớp 5. Ông Thông nói: “Hiếm muộn mới có được đứa con nên dù mù vẫn cố gắng làm việc để nuôi con”. Ông Thông làm chổi đót, ông vót từng cây chổi, bà gánh đi bán dạo ở chợ thị trấn Trà Xuân. “Có ngày bán được 1-2 cây chổi, có ngày không bán được cây nào. Nợ nần từ mua đót rừng cũng chưa trả hết. May nhờ có anh Tân kêu gọi hỗ trợ cho tôi mỗi tháng 500.000 đồng nên cũng đỡ”. Anh Tân chia sẻ: “Giờ chỉ còn em Thời là khiến tôi day dứt, em sống cuộc sống quá khó khăn với một đứa trẻ. Tôi mong muốn sao có thể đưa em xuống trung tâm dành cho trẻ mồ côi để em có môi trường sống và học tập tốt”. |