Sau gần 2 năm triển khai,ỗilinkếtnuictrađổbểkhiếnnngdnAnGiangđiuđứkết quả bóng đá u20 brazil mô hình thí điểm Chuỗi liên kết nuôi cá tra ở tỉnh An Giang đổ bể do doanh nghiệp ôm tiền bỏ trốn, hàng chục hộ dân lâm nợ.
Chuỗi liên kết nuôi cá tra được thực hiện theo hợp đồng nguyên tắc giữa 3 bên là, Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Thuận An - người nuôi - Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh An Giang.
Cụ thể, nông dân tham gia chuỗi được vay vốn từ Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh An Giang, nhưng không được nhận tiền mặt, mà chỉ nhận thức ăn nuôi cá thông qua Công ty. Đến thời điểm thu hoạch, người nuôi bán cho Công ty Thuận An, sau khi Công ty trừ số tiền mua thức ăn, phần dư ra sẽ trả cho người nuôi. Chuỗi liên kết nuôi cá tra này được kỳ vọng là bước đột phá trong ngành nuôi và chế biến cá tra của An Giang nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung.
Tuy nhiên, sau 2 năm triển khai, chuỗi bắt đầu đi vào hoạt động ổn định thì phía ngân hàng đột ngột dừng cung cấp. Điều này đã khiến các hộ dân tham gia chuỗi điêu đứng vì không có nguồn thức ăn cho cá.
Trụ sở Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Thuận An còn đó nhưng bà Nguyễn Thị Huệ Trinh, Tổng giám đốc Công ty đã cao chạy xa bay, đổ nợ ngân hàng cho người dân.
Ông Nguyễn Văn Nghiệp, phường Bình Đức, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang, một trong những hộ tham gia chuỗi bức xúc: “Khi bắt cá xong, năm đó tôi thả ao khoảng 500 tấn, nuôi được 3 tháng thì chuỗi liên kết Thuận An vỡ, nguồn cung cấp thức ăn không còn. Phải nuôi trong hầm với mật độ dày, không cho ăn kéo dài tới mấy tháng dẫn đến con cá không khỏe, chất lượng kém”.
Theo các hộ dân tham gia chuỗi liên kết, nguyên nhân của việc Ngân hàng bất ngờ dừng cung cấp là khoảng tháng 11/2016, bà Nguyễn Thị Huệ Trinh, Tổng giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Thuận An, đi công tác nước ngoài đến nay chưa về và mang theo số tiền hơn 80 tỷ đồng bán cá của nông dân tham gia chuỗi liên kết. Đây chính là nguyên nhân phá vỡ chuỗi liên kết, đẩy hàng chục hộ dân vào cảnh nợ nần, có những hộ phải nợ vài chục tỷ đồng, tài sản và toàn bộ quyền sử dụng đất bị ngân hàng niêm phong...
Ông Lê Quang Vinh, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang người tham gia chuỗi ngay từ những đầu chia sẻ: “Hộ nông dân tham gia chuỗi này được lựa chọn kỹ càng và phải có quyết định của Ủy ban tỉnh. Tôi là một trong 5 hộ đầu tiên tham gia chuỗi với diện tích nuôi khoảng 10 mẫu. Hiện giờ chúng tôi phải lãnh chịu hậu quả của việc đổ bể chuỗi. Gần 2 năm nay, chúng tôi chết dở, sống dở. Toàn bộ hồ sơ đang ở ngân hàng và bị đưa lên nợ xấu nhóm 5. Chúng tôi không có vốn để nuôi tiếp nên ao phải bỏ không”.
Sự việc Giám đốc Công ty Thuận An, đơn vị tham gia Chuỗi liên kết cá tra ôm tiền cá của nông dân bỏ trốn kéo dài gần hai năm nay. Các hộ dân đã gửi đơn cầu cứu khắp nơi, tuy nhiên đến nay vẫn chưa được giải quyết thấu đáo. Mặc dù UBND tỉnh An Giang đã thành lập Tổ công tác có tên 441 để xử lý khoản cho vay thí điểm chuỗi liên kết cá tra này nhưng xem ra vụ việc vẫn chưa thể giải quyết được.
Đơn cử, mới đây vào ngày 26/6, tổ xử lý khoản cho vay thí điểm chuỗi liên kết cá tra đã có buổi đối thoại với đại diện ba bên là Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh An Giang, đại diện Công ty Thuận An và các hộ nông dân tham gia trong chuỗi liên kết.
Kết thúc buổi đối thoại này, đại diện tổ xử lý 441, ông Võ Nguyên Nam- Giám đốc Sở Công thương tỉnh An Giang khẳng định, trong vụ việc này, các hộ dân nuôi cá tra trong chuỗi liên kết không có lỗi và đã tuân thủ đúng nguyên tắc hợp đồng. Tuy nhiên, về phương án thấu tình đạt lý cho vấn đề này thì cần phải chờ. Tổ xử lý 441 sẽ có văn bản trình UBND tỉnh An Giang về nội dung buổi đối thoại, nêu rõ bản chất vấn đề. Từ đó, để UBND tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các hộ dân trong chuỗi liên kết.
Ông Võ Nguyên Nam cho biết thêm: “Thời gian qua không phải UBND tỉnh và Tổ 441 chậm mà do toàn bộ các quá trình xử lý, sau khi trình bày các cơ quan trung ương nhưng lại triển khai rất chậm, các kiến nghị vẫn chưa được giải đáp. Thậm chí, khi họp với Ngân hàng Nhà nước để trình bày phương án xử lý nợ mà Ngân hàng Nhà nước cũng không có kết luận. Trong phương án của 441 chỉ đề nghị phương án kết nợ, còn phương án khác thì chưa có”.
Phía hộ dân tham gia chuỗi liên kết cho rằng, các cơ quan chức năng của tỉnh An Giang đã chọn nhầm doanh nghiệp làm đầu mối. Cùng với đó là việc quản lý yếu kém của ngân hàng dẫn đến chuỗi liên kết bị đổ bể. Điều đáng nói, các hộ dân tham gia chuỗi liên kết đều được sự đồng ý, chấp thuận của UBND tỉnh, nhưng khi vụ việc xảy ra, chính quyền chưa thực sự quyết liệt vào cuộc để giải quyết thấu đáo vấn đề, nên chẳng khác gì “đem con bỏ chợ”.
Ông Lê Quang Vinh, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang người tham gia chuỗi ngay từ những đầu, hiện nay các ao nuôi của ông đã bỏ không đã 2 năm.
Ông Nguyễn Danh Cởn, ở huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang đại diện cho các hộ tham gia chuỗi yêu cầu: “Trong danh sách 12 hộ trong chuỗi liên kết, có 2 hộ không nuôi cá mà vay 51 tỷ, việc vay đó là vay khống. Thứ hai là, trong ngày 15/9, chưa đầy 2 tháng trước khi doanh nghiệp bỏ trốn, ngân hàng đã ký 2 hợp đồng giải ngân 496 tỷ, việc giải ngân đó có hợp lý không? Nguyên nhân nào làm cho đổ bể? Đổ bể từ khâu nào? Ai là người phải chịu trách nhiệm? Chúng tôi đề nghị các cơ quan ban ngành xem xét thấu tình đạt lý, giải quyết đúng bản chất sự việc. Trong một chuỗi mắt xích có 3 thành phần, ai làm sai thì phải chịu, nông dân không làm sai tại sao bắt người ta trả nợ.”
Ngành nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu cá tra là một trong hai mặt hàng sản xuất chủ lực của tỉnh An Giang. Thời gian qua, do tác động bởi nhiều yếu tố, nên nghề nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu cá tra phát triển thiếu bền vững. Mô hình thí điểm liên kết chuỗi giá trị này kỳ vọng, tạo hướng đi mới, bền vững cho nghề nuôi và xuất khẩu cá tra ở An Giang nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung.
Tuy nhiên, mô hình thí điểm đầu tiên được triển khai tại tỉnh An Giang đã bộc lộ nhiều vấn đề. Do đó, để chuỗi liên kết được thiết thực và phát triển bền vững thì không chỉ có sự tham gia và phối hợp chặt chẽ của người nuôi, doanh nghiệp chế biến, ngân hàng, mà còn có sự theo dõi giám sát chặt chẽ của chính quyền địa phương và các bộ ngành liên quan./.
Theo Phan Ánh/VOV-ĐBSCL