“Tổng cục Hải quan đang khẩn trương “bắt tay’ vào cuộc xây dựng kế hoạch hành động triển khai đề án “Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng,ẩntrươngvàocuộccảicáchtoàndiệnkiểmtrachuyênngànhhàngnhậpkhẩtỷ số bóng kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu” vừa được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 38/QĐ-TTg ngay trong tháng 1/2021, trình Bộ Tài chính sớm ban hành” - ông Âu Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan, chia sẻ với phóng viên TBTCVN. * PV: Xin ông cho biết những nội dung, công việc quan trọng liên quan đến Đề án Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu (Đề án KTCN) sẽ được cơ quan hải quan triển khai theo chỉ đạo của Chính phủ, tại Quyết định 38/QĐ-TTg (Quyết định 38)? - Ông Âu Anh Tuấn:Tại Quyết định 38, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan có nhiệm vụ chủ trì triển khai đề án. Lộ trình thực hiện Đề án KTCN, chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1, từ năm 2020 đến năm 2023; giai đoạn 2, từ năm 2023 đến năm 2026.
Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ quản lý ngành, lĩnh vực, địa phương tổng hợp, đánh giá hiệu quả công tác kiểm tra chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu theo mô hình mới từ năm 2021 đến năm 2023; phối hợp với các bộ quản lý ngành, lĩnh vực đề xuất sửa đổi các luật về chất lượng, về an toàn thực phẩm trên cơ sở thông lệ quốc tế tốt nhất; đầu tư trang thiết bị, máy móc và nhân lực cho đơn vị, tổ chức của cơ quan hải quan đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế đối với tổ chức chứng nhận sự phù hợp, được công nhận hoạt động theo quy định của Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để thực hiện hoạt động giám định/chứng nhận hàng hóa nhập khẩu theo quy định. Để triển khai các nội dung công việc, Chính phủ cũng chỉ đạo thành lập Tổ triển khai thực hiện Đề án KTCN, giao Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan (Tổ trưởng); thành viên là đại diện lãnh đạo cấp tổng cục, vụ, cục thuộc các bộ quản lý ngành, lĩnh vực; đại diện các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan. Tổng cục Hải quan có nhiệm vụ tổ chức, triển khai theo đúng các mục tiêu đề án, đảm bảo hiệu quả và tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa. * PV: Thưa ông, Đề án KTCN đưa ra cải cách quan trọng và mang tính đột phá là cơ quan hải quan làm đầu mối trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu. Vậy nội dung này được cơ quan hải quan tiến hành ra sao? - Ông Âu Anh Tuấn:Việc cơ quan hải quan làm đầu mối trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu chính là việc cắt giảm đầu mối doanh nghiệp (DN) phải thực hiện thủ tục hành chính rất nhiều so với trước đây. Cụ thể, cơ quan hải quan sẽ tiếp nhận hồ sơ đăng ký kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm hàng hóa nhập khẩu; quyết định phương thức kiểm tra (kiểm tra chặt, kiểm tra thông thường, kiểm tra giảm); thực hiện kiểm tra hồ sơ. Trường hợp hàng hóa phải lấy mẫu để chứng nhận hợp quy/giám định thì thực hiện chứng nhận hợp quy/giám định tại tổ chức chứng nhận/giám định hoặc các đơn vị, tổ chức của cơ quan hải quan được bộ quản lý ngành, lĩnh vực chỉ định theo lựa chọn của người khai hải quan. Các đơn vị, tổ chức của cơ quan hải quan được thực hiện chứng nhận hợp quy/giám định khi có bộ máy tổ chức và năng lực đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế đối với tổ chức chứng nhận sự phù hợp, được công nhận hoạt động theo quy định của Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và được các bộ quản lý ngành, lĩnh vực chỉ định. Cải cách đáng kể nữa là việc cơ quan hải quan thực hiện đồng thời thủ tục nhập khẩu hàng hóa và thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm. DN chỉ thực hiện với một đầu mối là cơ quan hải quan. Phương thức này cho phép hệ thống tự động quyết định đối tượng được miễn, giảm kiểm tra. DN không phải thực hiện thủ tục đề nghị miễn, giảm kiểm tra, nhờ đó, cắt giảm trình tự, thủ tục và thời gian thông quan hàng hóa (cắt giảm 3 bước thủ tục trong 10 bước đối với quy trình kiểm tra chất lượng, cắt giảm 2 bước thủ tục trong 5 bước đối với quy trình kiểm tra an toàn thực phẩm). * PV: Đề án KTCN sẽ tác động sâu rộng đối với các bên tham gia như DN, bộ quản lý chuyên ngành. Để việc triển khai đề án đạt hiệu quả, cơ quan hải quan đã triển khai thế nào cho việc này, thưa ông? - Ông Âu Anh Tuấn:Để triển khai đề án có tính chất cải cách đột phá, nhiệm vụ của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan cũng như các bộ, ngành cơ quan liên quan sẽ rất lớn, cần sự đồng bộ. Trước mắt, Tổng cục Hải quan đang khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động chi tiết để tổ chức thực hiện nhiệm vụ trình Bộ Tài chính phê duyệt; bố trí nguồn lực để thực hiện việc kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm tại cửa khẩu; hoàn thiện cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, phương tiện kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm hiện đại, điều kiện làm việc và nguồn lực tương xứng với nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với hàng hóa nhập khẩu tại các cửa khẩu. Để đảm bảo việc vận hành cải cách được thống nhất, Tổng cục Hải quan sẽ phối hợp với các cơ quan, bộ, ngành trong việc xây dựng văn bản pháp luật và triển khai các giải pháp về hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin; giải pháp về nguồn lực thực hiện kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu; hoàn thiện hệ thống quản lý rủi ro; cũng như giải pháp về tăng cường phối hợp, kết nối, chia sẻ thông tin giữa khâu kiểm tra trước thông quan và khâu kiểm tra sau thông quan... * PV: Xin cảm ơn ông!
* Bà Nguyễn Thị Kim Anh - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT): Cần có phần mềm kết nối giữa Bộ Tài chính và các bộ quản lý chuyên ngành
Chính phủ đã phê duyệt Đề án Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu để hướng tới mục tiêu là cải cách toàn diện công tác KTCN, tạo thuận lợi, giảm chi phí cho DN cũng như góp phần nâng cao nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Để triển khai đề án có hiệu quả, tôi cho rằng, chúng ta cần phải nghiên cứu kỹ và phải làm từng bước, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Bởi vì, khâu đầu tiên để thực hiện công việc này là phải hoàn thiện về thể chế. Việc thay đổi cơ quan đầu mối KTCN, thay đổi trình tự, thủ tục kiểm tra phải được thể hiện ở văn bản quy phạm pháp luật. Trong khi các luật chuyên ngành như: Luật Thú y, Luật Bảo vệ thực vật, Luật Trồng trọt, Luật Chăn nuôi, Luật Thủy sản, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật An toàn thực phẩm… lại chưa quy định về nội dung này. Do vậy, chúng tôi đánh giá, trong giai đoạn 1, cần thiết phải sửa các luật có liên quan thì mới thực hiện được rốt ráo các nội dung đề án đã xây dựng. Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan hải quan để nâng cao năng lực kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm cho cán bộ hải quan, khi thực hiện thí điểm một đầu mối về kiểm tra chuyên ngành hàng hóa nhập khẩu. Ngoài ra, để triển khai đề án, giải pháp về hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin rất quan trọng. Chúng tôi cũng thấy rằng, khi đưa về Bộ Tài chính (thông qua Tổng cục Hải quan) để thực hiện việc kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm thì tất cả mặt hàng khi nhập khẩu sẽ thực hiện ở cửa khẩu và qua cơ quan hải quan. Lúc đó, việc nắm bắt số liệu khi nhập khẩu cũng rất quan trọng để phục vụ cho công tác quản lý của các bộ quản lý chuyên ngành. Vì vậy chúng tôi cũng đề nghị, phải xây dựng một phần mềm kết nối giữa Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) với các cơ quan quản lý chuyên ngành để các bên có thể cập nhật, chia sẻ thông tin, số liệu nhập khẩu hàng hóa hàng ngày, hàng tuần, tháng, quý, năm, phục vụ kịp thời cho công tác chỉ đạo, điều hành sản xuất… * Ông Phạm Hoàng Hải - Giám đốc điều hành của Phòng Thương mại Ý tại Việt Nam (ICHAM): Doanh nghiệp Ý đón nhận tích cực
Việc thống nhất một đầu mối thực hiện KTCN là cơ quan hải quan sẽ giảm được rất nhiều thời gian và công sức của DN. Hiện tại, có rất nhiều sản phẩm của 1 DN chịu sự quản lý của 2 hoặc nhiều hơn 2 bộ. Điều này sẽ gây ra rất nhiều lãng phí về mặt thời gian và tiền bạc của DN cũng như cơ quan chức năng. Trong bối cảnh hội nhập hóa toàn cầu và thực thi các hiệp định thương mại tự do thì việc có quá nhiều cơ quan quản lý trong 1 đầu mục sản phẩm sẽ gây ra sự trì trệ trong công việc. Hải quan là cơ quan đầu tiên kiểm tra một số những mặt hàng nhất định thì cũng nên là cơ quan thực hiện chức năng KTCN, trừ những hạng mục liên quan đến an ninh quốc phòng và những mặt hàng nhạy cảm cần quy trình kiểm tra kỹ hơn. Các doanh nghiệp hội viên của ICHAM cũng nhập khẩu rất nhiều (cả về mục đích thương mại và sản xuất), do đó các DN Ý tại Việt Nam sẽ đón nhận rất tích cực việc đổi mới KTCN này. Tuy nhiên, để các quy định được thực hiện hiệu quả, rất cần sự đồng bộ hóa giữa các cơ quan ban, ngành với nhau trong một quy trình kiểm tra nhất định với 1 bộ hồ sơ giấy tờ nhất định, để làm sao giúp cho Tổng cục Hải quan có thể là đơn vị đầu mối duy nhất thực hiện chức năng KTCN, đồng thời cũng là đầu mối duy nhất để DN có thể làm việc cũng như đơn giản hóa quy trình. Tất nhiên, sẽ mất một thời gian để Tổng cục Hải quan và các bộ liên quan có thể thống nhất và chuẩn hóa thông tin, dữ liệu, nhưng việc này là rất cần thiết, bởi khi chúng ta có sự đồng bộ hóa về quy trình, giấy tờ, hồ sơ cũng như tất cả các yêu cầu kỹ thuật thì đó là bước tiến quan trọng và rất hiệu quả trong việc thúc đẩy thương mại hóa, toàn cầu hóa, cũng như đẩy mạnh chính phủ điện tử. * Ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội: Cộng đồng doanh nghiệp Hà Nội rất vui mừng, phấn khởi
Trong thời gian qua, khi biết đến dự thảo đề án, nhiều DN đã có ý kiến ủng hộ với những nội dung cải cách rất tiến bộ trong đề án. Thực tế cho thấy, DN gặp khá nhiều bất cập trong việc thực hiện các thủ tục xuất nhập khẩu, nhất là việc thời gian thông qua bị kéo dài do khâu KTCN quá rườm rà. Cũng chính bởi thực tế đó mà giảm thời gian thông quan hàng hóa luôn là yếu tố DN mong chờ nhất trong tiến trình cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Bên cạnh đó, mặc dù các ban, ngành chức năng đã nỗ lực rất nhiều, song đến nay, số lượng các mặt hàng phải KTCN vẫn nhiều, tỷ lệ lô hàng bị KTCN trên tổng số lô hàng nhập khẩu vẫn lớn. Trong bối cảnh đó, DN thực sự rất vui mừng khi Chính phủ quyết giao cơ quan hải quan làm đầu mối thực hiện kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm. Bởi khi thực hiện cải cách này, DN sẽ được giảm tối đa chi phí, thời gian, cũng như công sức, nhất là trong bối cảnh DN đang phải đối mặt với nhiều khó khăn như hiện nay. Thông qua đề án sẽ giảm thủ tục KTCN đối với hàng nhập khẩu, đẩy nhanh việc thông quan giải phóng hàng hóa và giảm các chi phí cho DN. Cộng đồng DN vững tin, nếu thực hiện tốt việc cải cách mô hình KTCN theo đề án sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng thông thoáng hơn, minh bạch hơn, tạo thuận lợi và tạo dư địa cho DN tăng trưởng trong thời gian tới. * Ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS): Một đầu mối kiểm tra chuyên ngành sẽ tạo động lực cho doanh nghiệp hội nhập, phát triển
Dưới góc độ của DN, tôi đánh giá Đề án Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu có ý nghĩa rất lớn đối với hoạt động cũng như sự phát triển của cộng đồng DN. Điểm đáng chú ý nhất trong đề án là việc quy về một đầu mối KTCN đối với hàng hóa nhập khẩu tại cửa khẩu. Điều đó có nghĩa là, khi thông quan hàng hóa, các DN có hàng hóa thuộc diện phải kiểm tra chỉ cần làm việc với một cơ quan duy nhất, qua đó tiết kiệm thời gian, nhân lực, chi phí cho DN. Bởi thực tế cho thấy, từ trước đến nay, thủ tục KTCN rất rườm rà, nhiều các cơ quan cùng tham gia kiểm tra gây chồng chéo không cần thiết, vừa “mệt” DN vừa khiến cho quy trình thông quan bị chậm lại rất nhiều. Vì vậy, tập trung đầu mối cho cơ quan hải quan là phương án tối ưu nhất. Bên cạnh đó theo đề án, việc xác định hàng hóa nhập khẩu thuộc diện KTCN sẽ dựa vào lịch sử nhập khẩu hàng hóa và chất lượng hàng hóa, mà không xét trên cơ sở mức độ tuân thủ của DN như trước đây nữa. Việc này vừa giúp giảm thiểu KTCN nhiều lần, giảm số lô hàng phải KTCN, qua đó giảm áp lực và tạo thuận lợi, thông thoáng hơn cho DN xuất nhập khẩu. Nhìn chung, việc thực thi đề án góp phần hỗ trợ các DN vượt qua khó khăn, nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo động lực cho DN hội nhập thành công trong bối cảnh toàn cầu hóa, tận dụng hiệu quả các FTA. Để triển khai hiệu quả đề án này, với vai trò của hiệp hội, trong thời gian tới chúng tôi sẽ tích cực tuyên truyền tới các DN ngành dệt may về nội dung đề án, đảm bảo mỗi DN thực hiện công tác xuất nhập khẩu đều am hiểu về những thay đổi, điểm mới trong đề án để trên cơ sở đó, phối hợp với cơ quan hải quan cũng như các ban, ngành liên quan thực hiện tốt đề án này. Nhóm PV (thực hiện) |