Xử lý trên 5.000 vụ vi phạm Được sự chỉ đạo quyết liệt và hiệu quả của Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, Bộ Công Thương, Tổng cục QLTT, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, Ban Chỉ đạo 389/TP Hà Nội, trong năm 2020, tập thể lãnh đạo Cục QLTT Hà Nội đã tập trung chỉ đạo sâu sát và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực công tác. Theo đó, công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường được tăng cường thường xuyên liên tục, đồng thời đã chấn chỉnh và xử lý nghiêm, kịp thời các doanh nghiệp vi phạm quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, hiện tượng buôn lậu, buôn bán, vận chuyển hàng nhập lậu, hàng cấm, sản xuất và kinh doanh hàng giả, gian lận thương mại và vi phạm an toàn thực phẩm trên địa bàn vẫn diễn ra, với phương thức, thủ đoạn khá tinh vi. Đại diện Cục QLTT Hà Nội cho biết, hàng lậu, hàng cấm được vận chuyển theo các đường dây, ổ nhóm, có cấu kết từ các tỉnh biên giới vào tiêu thụ trong nội địa Hà Nội. Các đối tượng buôn lậu thường chia nhỏ, vận chuyển hàng hóa thành nhiều đợt để trốn tránh việc kiểm tra, kiểm soát của lực lượng QLTT. Không chỉ hàng lậu mà ngay cả hàng giả, trước đây chỉ được sản xuất từ nước ngoài rồi đưa vào thị trường nội địa để tiêu thụ, thì hiện nay một số cơ sở trong nước đã mua các loại nguyên, phụ liệu giá rẻ, không rõ chất lượng, nguồn gốc và bao bì, nhãn mác nhái các thương hiệu, sau đó tổ chức sản xuất, đóng gói thủ công hoặc sử dụng dây chuyền, máy móc thô sơ để gia công, pha trộn, dán nhãn và cung cấp ra thị trường. Thậm chí, các đối tượng vi phạm thường thay đổi phương thức, thủ đoạn và có sự cấu kết từ khâu sản xuất đến khâu phân phối, sử dụng phương tiện kỹ thuật cao để đối phó với các cơ quan chức năng... Ngoài ra, lợi dụng chính sách “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các đối tượng kinh doanh đã đặt mua hàng kém chất lượng sản xuất từ nước ngoài và giả xuất xứ của Việt Nam để đưa về Việt Nam tiêu thụ. Đặc biệt, khi dịch Covid-19 bùng phát, các đơn vị chức năng siết chặt quản lý biên giới, cửa khẩu nên hàng lậu, hàng cấm, hàng giả đưa vào nội địa giảm dẫn đến hoạt động sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là trang thiết bị y tế và hàng hóa phục vụ công tác phòng chống dịch. Điển hình tháng 3/2020, Đội QLTT số 1 phối hợp với phòng PC03 - Công an Thành phố phát hiện Công ty Đức Anh đóng gói hàng nghìn bộ quần áo bảo hộ y tế mua trôi nổi trên thị trường, dán nhãn một số công ty có thương hiệu để bán ra thị trường. Tính đến đầu tháng 12/2020, lực lượng QLTT Hà Nội đã kiểm tra 5.431 vụ và số vụ xử lý là 5.113 vụ, với số tiền xử phạt trên 31 tỷ đồng. Riêng với Kế hoạch đấu tranh phòng ngừa, kiểm tra, xử lý vi phạm tại các địa bàn, tụ điểm nổi cộm về hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) đến hết năm 2020, Cục QLTT Hà Nội xác định nhiệm vụ phòng ngừa, đấu tranh chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, thực hiện thường xuyên, liên tục. Cục thường xuyên có các văn bản chỉ đạo, phiếu giao việc cho các đội QLTT trực thuộc triển khai, thực hiện thẩm tra, xác minh, kiểm tra các hành vi sản xuất, kinh doanh, buôn bán hàng giả mạo, xâm phạm quyền SHTT theo từng thời kỳ, lĩnh vực và cả công việc cụ thể. Kịp thời nhận diện các vấn đề nổi cộm Mặc dù đạt kết quả nhất định, song theo đại diện Cục QLTT Hà Nội, vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, như một số đội QLTT chưa coi trọng công tác nắm bắt thông tin, tình hình thị trường. Bên cạnh đó, sự phối hợp, trao đổi thông tin trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả giữa các đội QLTT với các lực lượng chức năng trên các tuyến giao thông, địa bàn giáp ranh các tỉnh còn hạn chế. Hay việc thông tin, dự báo về hàng giả, hàng vi phạm SHTT còn yếu, hay khâu xử lý các vụ việc phức tạp còn chưa quyết liệt, một số tuyến phố vẫn còn để xảy ra tình trạng bày bán, kinh doanh hàng giả... Nhận diện tình hình kinh doanh hàng cấm, hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng trên mạng internet ngày càng gia tăng, cùng với đó là dịch vụ chuyển phát nhanh phát triển rầm rộ, Cục QLTT Hà Nội thời gian tới sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm Kế hoạch 17/KH-TCQLTT của Tổng cục QLTT về cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường cuối năm 2020, dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Trong đó lưu ý các ngành hàng do Bộ Công Thương quản lý và các mặt hàng thiết yếu trong công tác phòng dịch Covid-19, đặc biệt là các hình thức kinh doanh trên mạng xã hội trong dịp mua sắm cuối năm. “Nắm vững diễn biến tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo lĩnh vực, địa bàn phụ trách để kịp thời phát hiện, nhận diện các vấn đề nổi cộm, các lĩnh vực mặt hàng vi phạm mới nổi để đấu tranh ngăn chặn. Chú trọng kiểm tra, xử lý vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ” - đại diện Cục QLTT Hà Nội cho hay. Đặc biệt, tiếp tục coi trọng công tác xây dựng lực lượng QLTT trong sạch, vững mạnh, không tham nhũng, tiêu cực. Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu, lãnh đạo, cơ quan chức năng và công chức trực tiếp quản lý địa bàn nếu để xảy ra buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm phức tạp, nghiêm trọng kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân mà không có giải pháp khắc phục kiên quyết, hiệu quả. Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, ký cam kết không buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm an toàn thực phẩm cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thương mại trên thị trường. Đặc biệt, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân đã ký cam kết mà vẫn có hành vi vi phạm. |