Nhiều doanh nghiệp thích ứng chuyển đổi "xanh" Chiều 18/11,ệpViệtchuyểnmìnhquotxanhhoáquottừtưduyđếnhànhđộbog da so Báo Công Thương tổ chức tọa đàm "Xu hướng 'xanh hoá' trong xây dựng thương hiệu: Cơ hội và thách thức" tại Hà Nội. Theo Bộ Công Thương, xu hướng xanh hoá trong xây dựng thương hiệu ngày càng phổ biến. Rất nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực đầu tư sản xuất nhằm cho ra đời những sản phẩm yếu tố “xanh”, “sạch”, thân thiện với môi trường và đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của người tiêu dùng. Xu hướng tiêu dùng sản phẩm xanh không chỉ ở châu Âu, mà đang ngày càng nở rộ tại nhiều quốc gia. Xu hướng sống xanh, tiêu dùng xanh đặt ra bài toán mới cho các thương hiệu Việt để phù hợp với xu thế phát triển chung và nâng cao vị thế, tăng sức cạnh tranh ở cả thị trường trong và ngoài nước. Đánh giá cao sự nỗ lực xanh hoá của các doanh nghiệp Việt nói chung, doanh nghiệp thương hiệu quốc gia nói riêng tại tọa đàm, ông Tạ Mạnh Cường -Trưởng Phòng Phát triển Năng lực Xúc tiến thương mại - Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương cho biết, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số cũng là chủ đề trong Chương trình Thương hiệu quốc gia năm 2024. Tại kỳ bình chọn lần 9 năm nay, các doanh nghiệp thương hiệu quốc gia đã thể hiện được tính tiên phong, dẫn đầu ngành, đầu lĩnh vực, đáp ứng nhiều tiêu chí "xanh".
"Để lựa chọn là thương hiệu quốc gia, các doanh nghiệp đã phải trải qua, đáp ứng hệ thống tiêu chí rất khắt khe về chất lượng và được luật hóa bởi các thông tư hướng dẫn của Bộ Công Thương, rồi quyết định của Thủ tướng. Các sản phẩm thương hiệu quốc gia không chỉ đáp ứng về chất lượng, đổi mới sáng tạo mà còn có năng lực tiên phong trên thị trường. Ngoài ra, doanh nghiệp còn phải thực hiện các trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng"- ông Cường nói. Đáng lưu ý, theo ông Cường, một điểm đáng ghi nhận là năm nay, có rất nhiều những doanh nghiệp, kể cả trong lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, thực phẩm, dịch vụ cũng đã đáp ứng được các tiêu chuẩn chuyển đổi xanh, chuyển đổi số. "Đơn cử như Vingroup, doanh nghiệp đã đạt thương hiệu quốc gia với các sản phẩm Vinfast như xe ô tô điện, xe máy điện - đây là một sự chuyển đổi hợp xu hướng xanh toàn cầu. Hay như trong lĩnh vực thực phẩm, đồ uống thì có TH Truemilk hay là Vinamilk. Đấy là những doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nhưng đã chú trọng tiêu chuẩn từ vùng nguyên liệu đến chế biến, sản xuất xanh đáp ứng các tiêu chí bảo vệ môi trường"- ông Cường dẫn chứng.
Bên cạnh sự nỗ lực với nhiều kết quả tích cực từ cộng đồng doanh nghiệp hiện nay, một thực tế cho thấy, xây dựng thương hiệu theo hướng xanh hóa song hành với cơ hội cũng đặt ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp, đặc biệt trong xu thế hội nhập. Chia sẻ về vấn đề này tại toạ đàm, chuyên gia truyền thông Nguyễn Đình Thành - người đã có nhiều kinh nghiệm hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, cho biết, nhiều doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp đạt thương hiệu quốc gia Việt Nam hiện đã quan tâm nhiều đến lĩnh vực môi trường, phát triển bền vững và cho thấy đây không chỉ là sự thay đổi trong nhận thức mà đã thay đổi đến hành động của các doanh nghiệp. "Từ những năm 1960 thế giới đã có tư duy về phát triển bền vững. Theo đó, đến những năm 1980, rồi 1990, từ nhu cầu của người tiêu dùng đã minh chứng “đồng tiền tôi bỏ ra không phải chỉ mang lại hạnh phúc cho tôi mà còn phải đảm bảo được không tổn hại đến môi trường và cao hơn là không tổn hại đến cả xã hội”. Theo đó, phải hiểu yếu tố xanh là sự bền vững không phải chỉ là thiên nhiên, môi trường mà còn cả các mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên và con người với con người" - ông Thành nói. Khi phát triển bền vững trở thành yếu tố bắt buộc Thực tế, từ nghiên cứu của Công ty Nielsen cho thấy, tại Việt Nam, thời gian qua, các thương hiệu có cam kết xanh và sạch có mức tăng trưởng khá cao, khoảng 4%/năm và có tới khoảng 80% người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi trả nhiều hơn để mua các sản phẩm có nguyên liệu đảm bảo thân thiện với môi trường, có thương hiệu xanh và sạch. Điều này có nghĩa, xu hướng tiêu dùng của người dân với các sản phẩm sản xuất từ những nguyên liệu thân thiện với môi trường cũng có xu hướng tăng lên. Nhấn mạnh về vai trò của phát triển bền vững trong xu thế toàn cầu, chuyên gia Nguyễn Đình Thành chỉ ra, trước đó, tháng 9/2015, Chương trình Nghị sự 2030 với 17 mục tiêu phát triển bền vững SDGs đã được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua nhằm hướng tới xóa đói giảm nghèo, bảo vệ hành tinh và đảm bảo mọi người dân được hưởng hòa bình và thịnh vượng vào năm 2030. "Theo đó, một trong những tiêu chí các doanh nghiệp phải tôn trọng là yếu tố môi trường, tôn trọng sự cân bằng xã hội và được quản trị theo những tiêu chuẩn tốt nhất. Thực tế, khi mà kinh tế Việt Nam đã tiệm cận với thế giới thì yêu cầu bắt buộc là chúng ta phải đáp ứng được các tiêu chuẩn toàn cầu, không chỉ để xuất khẩu, mà ở trong nước, nhiều doanh nghiệp cũng sẽ bị “tẩy chay” hoặc hạn chế sử dụng nếu vi phạm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng" -chuyên gia Thành nói.
Dẫn chứng về lợi ích từ việc thích ứng chuyển đổi xanh, chuyên gia Thành cho hay, có thể ví dụ trong những lĩnh vực sản xuất như bao bì, nhiều doanh nghiệp cho ra đời các sản phẩm từ mo cau, lá chuối đã được người tiêu dùng ưu tiên sử dụng nhiều hơn. Như vậy, tức là người tiêu dùng Việt Nam đã có ý thức tốt hơn, yêu cầu cao hơn với những sản phẩm bền vững, thân thiện với môi trường. Và trên thế giới, nhu cầu khách hàng quốc tế hiện nay cũng yêu cầu rất lớn về mặt tư duy thiết kế, sản xuất, cho đến khâu đóng gói và vận chuyển. Do đó, có thể thấy, đây vừa là cơ hội nếu doanh nghiệp của chúng ta có thể tiệm cận với tiêu chuẩn của thế giới, song, bên cạnh đó, thách thức cũng rất lớn. Bởi để đáp ứng, doanh nghiệp phải vượt qua hàng rào các quy định rất khắt khe, và bắt buộc phải thay đổi đến tận gốc rễ trong quy trình sản xuất và đảm bảo không xâm hại đến môi trường, thân thiện với người sử dụng. Theo đó, đòi hỏi doanh nghiệp phải cố gắng và có sự phối hợp liên ngành trong toàn bộ quy trình sản xuất nếu thực sự doanh nghiệp muốn đạt được mục tiêu phát triển bền vững và tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu. |