Như vậy, tiền trợ cấp sẽ là mức lương hiện hưởng bao gồm cả tiền lương và các loại loại phụ cấp nhân với số tháng hưởng trợ cấp. Các khoản trợ cấp sẽ đều cao hơn vì được tính theo mức lương hiện hưởng. Ông Nguyễn Quang Dũng, Chánh Văn phòng Ban Cán sự đảng Bộ Nội vụ cho biết số tiền trợ cấp sẽ rất cao so với trước đây. Nghị định quy định nếu có tuổi đời còn từ đủ 5 năm trở xuống đến tuổi nghỉ hưu, được hưởng trợ cấp bằng 1 tháng tiền lương hiện hưởng nhân với số tháng nghỉ sớm. Còn nếu có tuổi đời còn từ đủ 5 năm đến đủ 10 năm đến tuổi nghỉ hưu thì được hưởng trợ cấp bằng 0,9 tháng tiền lương hiện hưởng nhân với 60 tháng. Hệ số và số tháng để tính tiền trợ cấp của nhóm còn từ 5 năm đến đủ 10 năm đến tuổi nghỉ hưu sẽ không vượt trội như từ 5 năm trở xuống đến tuổi nghỉ hưu. Đối với trường hợp có tuổi đời còn từ đủ 5 năm trở xuống đến tuổi nghỉ hưu nếu nghỉ hưu trước tuổi sẽ được hưởng toàn bộ như lương hiện hưởng của 60 tháng và còn được hưởng thêm chính sách nghỉ hưu trước tuổi không bị trừ tỷ lệ hưởng, trợ cấp số năm nghỉ sớm và trợ cấp thời gian công tác. Lý giải sự khác biệt chính sách này, đại diện Bộ Nội vụ cho biết chính sách ưu tiên cho các cán bộ, công chức, viên chức có tuổi đời còn từ đủ 5 năm trở xuống đến tuổi nghỉ hưu vì nhóm đối tượng này có kinh nghiệm nhưng tuổi cao sẽ khó tìm việc trong thị trường lao động khi nghỉ việc. Chính sách được thiết kế đối với trường hợp còn từ 5 năm đến đủ 10 năm đến tuổi nghỉ hưu chỉ được hưởng tối đa 60 tháng trợ cấp chứ không phải là tất cả số tháng sẽ nghỉ sớm, thêm vào đó, nếu thời gian công tác còn 10 năm mà nghỉ hưu sớm thì số năm bảo hiểm xã hội sẽ không đủ để hưởng lương hưu với tỷ lệ đối đa là 75%. Quy định này đưa ra để cán bộ, công chức, viên chức cân nhắc khi quyết định nghỉ hưu sớm khi thời gian công tác còn dài./. |