【kqbd online】Thiêng liêng tiếng gọi Trường Sa

时间:2025-01-10 07:43:54 来源:88Point
Cán bộ chiến sĩ đảo Trường Sa chăm sóc cây xanh 

Mỗi cây gắn một phần đời

Sau 36 giờ đồng hồ với hải trình sóng gió từ cảng Cam Ranh (Khánh Hòa), tàu 561, Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân cập cảng đảo Trường Sa. Cảm xúc dâng trào khi hiện ra trước mắt hòn đảo với tên gọi là nỗi yêu thương trong trái tim triệu triệu người dân Việt, biết bao người mơ ước được một lần đặt chân đến. Mệt nhọc vật vã của những cơn say sóng như tan biến, bởi trên hòn đảo vững chãi uy nghi giữa trùng khơi bốn bề sóng vỗ, là màu xanh mướt mắt của những triền cây bàng vuông, phong ba, cây tra, phi lao, mù u, dừa... bao phủ ngút ngàn, làm dịu đi cái khắc nghiệt của gió muối và nắng rát. Màu xanh khiến hòn đảo giữa trùng khơi thật gần với những làng quê yên bình, gần với đất liền.

Thật cảm xúc khi có thể chạm vào lá hoặc tựa lưng vào cây, để cảm nhận sức sống mãnh liệt của những loài cây chắn gió, ngăn bão; sức sống của Trường Sa. Cảm xúc càng sâu lắng khi Trung tá Phạm Tiến Điệp, Chính trị viên và Trung tá Trần Quang Phú, Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa nói rằng, trồng để cây bén rễ, sống được đã khó; chăm sóc để cây lớn lên là cả một công trình tâm huyết, vô vàn công sức mồ hôi. Mỗi cây trên đảo gắn với một phần đời cán bộ chiến sĩ (CBCS), lớn lên bằng trách nhiệm và yêu thương của những người lính.

Che chắn để tránh gió muối, tránh cây bị nhiễm nước biển 

Tại vườn tra mà chiều cao của cây đã tầm ngang mặt người, nhưng mỗi cây vẫn được bảo vệ bằng chiếc khung chắc chắn bên ngoài bọc kín lưới, để che chắn gió muối và sóng biển. Dừng chân bên gốc cây tra thấp nhỏ hơn so với nhiều “bạn cùng trang lứa”, cẩn thận kiểm tra lưới bọc, nâng niu từng chiếc lá, Trung tá Trần Quang Phú nở nụ cười yên tâm. Đây là một trong những “đứa con” do anh trồng, chăm sóc. Ban Chỉ huy đảo phát động phong trào, mỗi CBCS ra Trường Sa công tác, trong thời gian thực hiện nhiệm vụ tại đảo, có trách nhiệm trồng, chăm sóc, nuôi dưỡng 10 cây xanh. Trên cương vị là người đứng đầu đơn vị, anh càng phải nêu gương. 

Cây này đã từng bị “nhiễm” gió muối nặng, sức yếu hẳn, nguy cơ sẽ chết. Trước tình hình đó, dù bận “trăm công nghìn việc”, nhưng hôm nào người Chỉ huy trưởng cũng dành thời gian chăm sóc, nhẫn nại từng chút từng chút một, cuối cùng cũng “cứu” được cây. “Nếu nhiễm gió muối, nhiễm nước mặn (sóng biển tạt lên), bị gió xô bong gốc, thì cây sẽ chết. Mỗi một cây chết, chúng tôi xót xa vô cùng”- Trung tá Trần Quang Phú bộc bạch.

Hơn ai hết, CBCS hiểu, các anh là người trực tiếp trồng, chăm sóc, nhưng “đằng sau” mỗi cái cây “nhỏ bé”, là tấm lòng, tình cảm, gửi gắm, mong đợi, hi vọng của đất liền, hậu phương, của đồng chí đồng đội trong toàn lực lượng. Những bãi san hô phải bồi thêm một lớp đất, cây mới có thể bén rễ. Vậy nên, đất được mang từ đất liền, vượt sóng vượt gió ra đảo để tăng gia sản xuất; khi thay đất cũ của vườn tăng gia, CBCS sử dụng triệt để, trồng cây. Nhiều tấm lòng từ đất liền gom góp lại, để có lưới bao bọc, chắn gió muối, giữ ấm và giữ cây không bị bong lóc rễ. “Nếu không đủ lưới, chúng tôi dùng bao xác rắn (đựng gạo) che chắn, nhưng tầm 1 tháng đến tháng rưỡi sẽ bị gió đánh rách tan. Lại tìm cách che chắn. Mỗi CBCS dù vất vả đến đâu cũng luôn tận tâm chăm sóc, bảo vệ, để những “đứa con” của mình lớn lên và mạnh khỏe, hiên ngang trên đảo. Mỗi cây lớn lên gắn với một phần đời của người chiến sĩ”- nụ cười lại sáng trên gương mặt sạm nắng gió của người lính đầy tâm huyết và trách nhiệm.

Những vòng xe đạp thong dong giữa màu xanh trên đảo Đá Tây A 

Trong buổi chiều đã muộn, gió sàn sạt không dứt trên đảo Trường Sa. Gió mạnh đến nỗi có thể xô bước chân người nghiêng lệch. Cần mẫn, thận trọng chằng buộc, che chắn từng gốc cây, Trung tá Nguyễn Thành Vũ, Chính trị viên cụm chiến đấu 1, cùng sát cánh bên đồng chí đồng đội. Người lính hải quân này từng có 22 năm công tác trong quân đội, trong đó 6 năm thực hiện nhiệm vụ ở quần đảo Trường Sa (đảo  Nam Yết, Cô Lin, Đá Tây C, Trường Sa Đông và nay là đảo Trường Sa). Trong thời gian cùng đồng đội giữ đảo, ở quê nhà lần lượt ông nội mất, rồi bố mất, Trung tá Vũ không thể về quê nhà, đành nén lại nỗi đau mất mát riêng tư, vì nhiệm vụ của người lính, trách nhiệm với biển đảo, Nhân dân, Tổ quốc, trong đó có nhiệm vụ, trách nhiệm phát triển màu xanh - niềm tin của Trường Sa.

Biết bao thế hệ người lính đã hi sinh hạnh phúc riêng như thế, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, để bây giờ trên đảo Trường Sa, những vành đai xanh đã vươn lên vững chãi tràn trề sức sống, phủ xanh hơn 70% diện tích. Trong năm 2023, đảo Trường Sa trồng mới 5 nghìn cây. Dự kiến năm 2024 trồng 7 nghìn cây. Những “thế hệ” cây nối tiếp đang tiếp tục vươn lên, như một lời khẳng định về niềm tin ngày càng vững chãi.

Phút nghỉ ngơi của chiến sĩ  đảo Trường Sa dưới bóng mát cây bàng vuông 

“Xanh hóa Trường Sa”- xanh mãi niềm tin   

Với tầm quan trọng của việc trồng, phát triển cây xanh trên quần đảo Trường Sa, những năm gần đây, Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân có chương trình “Xanh hóa Trường Sa”.

Theo Đại tá Lê Đình Hải, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146, Trưởng đoàn công tác: Chương trình “Xanh hóa Trường Sa” có tác dụng, ý nghĩa rất lớn, đó là thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ, che chắn đảo trước điều kiện khắc nghiệt của thời tiết, tạo "nang phổi" cung cấp ô xy, bảo vệ sức khỏe cho CBCS, trong quá trình phục vụ công tác huấn luyện sẵn sàng chiến đấu.. Đây là một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng để phát triển màu xanh trên quần đảo.

“Có màu xanh là có tất cả, có niềm tin, hi vọng, tạo không gian sức sống mãnh liệt ở nơi đầu sóng ngọn gió”. Đại tá Lê Đình Hải nói rằng, cả nước đang tập trung cho “Xanh hóa Trường Sa”. Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP. Hồ Chí Minh; các tỉnh thành khác và nhiều doanh nghiệp, cá nhân đã có những tài trợ, hỗ trợ quý giá về cây giống, đất, phân bón, kỹ thuật để trồng, phát triển cây xanh trên các đảo.

Hiện, sự chung tay này đang có sự lan tỏa rất lớn, để ở giữa trùng khơi, màu xanh vẫn vươn lên mãnh liệt. Tại các đảo, ngoài tiếp nhận nhiều cây xanh được cấp ủy, chính quyền các địa phương, tổ chức, Nhân dân ở khắp mọi miền đất nước trao tặng, CBCS tự ươm giống, để nhân các giống cây phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng. Mồ hôi, công sức, tâm huyết của CBCS tiếp tục đổ xuống, để mỗi hòn đảo đổi thay, mạnh mẽ, đầy sức sống “thông qua” màu xanh tràn đầy niềm tin, hi vọng.

Tôi nhớ, hôm lên đảo Đá Tây A, trong ánh mắt Thượng tá Dương Chí Nguyện, Phó Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 146; Phó Trưởng đoàn công tác, là niềm vui xen lẫn bồi hồi. Đảo Đá Tây là “ngôi nhà” thứ hai, khi anh đến đây thực hiện nhiệm vụ (với cương vị là Chính trị viên phó; sau đó là Chính trị viên đảo) vào năm 2018. Lúc đó, đảo hầu như một màu trắng san hô. CBCS trên đảo bắt đầu “xắn tay” trồng phi lao. Hồi đó nước rất hiếm, CBCS phải rất dè sẻn khi sử dụng nước trong sinh hoạt. Tiết kiệm nước đã qua sử dụng, cứ mỗi 2-3 ngày, CBCS nâng niu tưới tắm cho cây, dõi theo mỗi ngày. Mấy tháng sau là mùa mưa, nhìn cây lớn nhanh, xanh tốt, mạnh khỏe, CBCS ai cũng vui mừng. Mỗi cây vươn lên xanh tốt, đối với người lính đảo, là niềm hạnh phúc.

Trồng mới cây xanh trên đảo Đá Tây A 

Thượng tá Dương Chí Nguyện vẫn chưa bao giờ quên, năm 2021, khi anh rời Đá Tây, anh mang theo về hình ảnh những hàng phi lao, có cây tầm 3 mét. Màu xanh  vươn lên mỗi ngày nơi đầu sóng ngọn gió trở thành nỗi nhớ, niềm tự hào của  người lính, bởi đó là công sức, tâm huyết, trách nhiệm mà họ đã gieo trồng, vun xới.

Bây giờ trên Đá Tây A, CBCS và người dân, đặc biệt là lớp mầm non trên đảo, mỗi buổi chiều quay những vòng xe thong dong dưới bóng của những hàng phi lao, bàng vuông...đã vút cao vững chãi, trong tiếng cười trong trẻo. Bây giờ trên Đá Tây A, phi lao, và nhiều loài cây khác đã phát triển thành rừng, tỏa màu xanh bên triền sóng, là những vòng tay xanh, ôm nhà đại đoàn kết, trường học, chùa chiền... Đó là tình yêu và trách nhiệm của người lính hải quân, là sự chung lòng của cả nước, để Trường Sa xanh mãi niềm tin.         

推荐内容