UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, giai đoạn 2008 - 2016 tỉnh có 5 dự án đầu tư vào lĩnh vực khuyến khích xã hội hóa đã đi vào hoạt động. Trong đó, 2 dự án thuộc lĩnh vực giáo dục - đào tạo, loại dự án ngoài công lập, quy mô hoạt động 859 trẻ, số vốn đăng ký thực hiện 106 tỷ đồng; 3 dự án thuộc lĩnh vực y tế, loại dự án ngoài công lập, quy mô hoạt động 320 giường bệnh, số vốn đăng ký thực hiện 609 tỷ đồng.
Năm 2017, tỉnh có 4 dự án đầu tư vào lĩnh vực khuyến khích xã hội hóa đã đi vào hoạt động. Trong đó, 3 dự án thuộc lĩnh vực giáo dục - đào tạo, loại dự án ngoài công lập, quy mô hoạt động 1.375 trẻ, số vốn đăng ký thực hiện 161 tỷ đồng và 1 dựa án thuộc lĩnh vực môi trường, loại dự án ngoài công lập, quy mô hoạt động 240 tấn/ngày, số vốn đăng ký thực hiện 270 tỷ đồng.
UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, tỉnh gặp khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dẫn đến tiến độ thực hiện một số dự án còn chậm.
Bên cạnh đó, thu nhập của người dân trong tỉnh còn thấp nên khả năng chi trả cho các dịch vụ y tế, giáo dục chất lượng cao còn hạn chế. Giá dịch vụ chưa tính đúng, tính đủ các yếu tố chi phí nên chưa khuyến khích được nhiều doanh nghiệp đầu tư theo hình thức xã hội hóa.
Ngoài ra, số lượng dự án đầu tư xã hội hóa trên địa bàn tỉnh còn ít và một số lĩnh vực chưa có nhà đầu tư đăng ký đầu tư như văn hóa, thể thao, dạy nghề, giám định tư pháp.
UBND tỉnh Đồng Tháp đưa ra một số giải pháp để khắc phục những khó khăn trên. Cụ thể, tỉnh sẽ tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung danh mục dự án kêu gọi đầu tư xã hội hóa trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tỉnh sẽ tiếp tục hoàn thiện các chính sách về ưu đãi, khuyến khích xã hội hóa; tiếp tục rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính về đầu tư nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư thực hiện các dự án xã hội hóa./.
Bùi Tư