Bốc xếp hàng hóa tại cảng Cát Lái TPHCM . Ảnh: T.H |
Quay vòng container chậm, chi phí vận tải tăng cao
Phân tích về nguyên thiếu container rỗng trong thời gian qua, ông Trương Tấn Lộc, Giám đốc Marketing, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn cho rằng, đây là vấn đề kéo dài từ cuối năm 2020 đến nay, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp (DN).
Theo ông Trương Tấn Lộc, vòng quay trung bình của container đã tăng lên đến 40 ngày (từ 60 ngày lên 100 ngày), khiến cho số lượng container rỗng quay vòng rất chậm.
Bên cạnh đó, việc tắc nghẽn hàng hóa tại các cảng trên thế giới, nhất là các cảng châu Âu, Mỹ và Trung Quốc cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến thiếu container rỗng; một số nhà máy ngưng sản xuất, container tắc tại kho hàng, các ICD... cản trở hoạt động XNK.
Tình trạng hàng tồn đọng vô chủ tại các cảng biển, ICD rất lớn, chiếm dụng container, chiếm dụng mặt bằng của các đơn vị khai thác cảng, các hãng tàu... Hiện có khoảng 5.000 container phế liệu vô chủ trên 90 ngày đang nằm tại các cảng.
Cùng với đó, việc thiếu chỗ trên tàu xuất trong 6 tháng đầu năm 2021 ở mức cao, riêng tại cảng Cát Lái, việc thiếu chỗ khoảng 20%; tỷ lệ cắt hủy bỏ chuyến khoảng 5-7% cũng ảnh hưởng đến việc xuất hàng hóa của doanh nghiệp.
Một trong những điểm nóng được DN quan tâm hiện nay là giá cước vận tải liên tục tăng cao. Theo các diễn giả, giá cước vận tải biển đã tăng từ 7-10 lần so với thời điểm đầu năm 2020. Chẳng hạn như tuyến Á Âu tăng từ 1.500 USD lên 10.000 USD/container; tuyến Shanghai - Rotterdam tăng gần 600%...
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục XNK Bộ Công Thương cho rằng, tình trạng tăng giá cước, thiếu vỏ rỗng trở thành cơn sốt suốt từ cuối năm 2020 đến nay trên toàn cầu và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Các DN Việt Nam bị ảnh hưởng khá nghiêm trọng trong cơ sốt này.
Hỗ trợ doanh nghiệp
Tại hội thảo, giải đáp bức xúc của DN về tình trạng thiếu container rỗng, giá cước vận tải tăng, đại diện các DN kinh doanh cảng, đại diện cơ quan quản lý nhà nước đã đưa ra một số hướng dẫn, giải pháp cụ thể.
Đại diện nhiều DN cho rằng, mỗi tháng xuất khẩu hàng trăm container hàng hóa qua các cảng. Việc khó tiếp cận container rỗng, cước phí tăng, khiến DN rất lo lắng.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục XNK Bộ Công Thương cho biết, trước thực trạng thiếu container rỗng, cước phí vận tải tăng, Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu các hãng tàu thực hiện nghiêm Nghị định số 146/2016/NĐ-CP quy định việc niêm yết giá, phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển, giá dịch vụ tại cảng biển, đồng thời lập đoàn kiểm tra làm việc với hãng tàu...
Theo ông Trần Thanh Hải, đại dịch Covid-19 tác động lớn đến ngành logistics, trong đó có cả tác động tiêu cực và tích cực. Trong đó, tỷ lệ mua hàng trực tuyến đã tăng lên rất lớn, DN kho bãi tận dụng lợi thế này để thúc đẩy hoạt động vận tải. Tuy nhiên, việc ảnh hưởng từ đại dịch cũng tác động tiêu cực rất lớn đến DN vận tải. Hiện nay, việc các địa phương quy định phiếu xét nghiệm Covid-19 đối với tài xế cũng đang là vấn đề lớn đè nặng lên các DN vận tải.
“Chính phủ đang tập trung giải pháp hỗ trợ người dân, DN phục hồi, nhanh chóng nắm bắt cơ hội để tiếp tục vươn lên, đây cũng là cơ hội để DN phục hội sau dịch”- ông Hải thông tin.
Đứng ở góc độ DN kinh doanh cảng, đại diện Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn cho biết, trong thời gian qua Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn đã đưa ra nhiều giải pháp dịch vụ nhằm giảm chi phí cho DN, nhất là vấn đề tiếp cận container rỗng.
Ông Lê Văn Cường, Giám đốc Tân cảng Logistics- TCL cho biết, để tạo thuận lợi cho DN lấy container rỗng, đơn vị đã mở cho 14 hãng tàu cung cấp container rỗng cho DN sử dụng dịch vụ tại ICD Nhơn Trạch.
Tỷ lệ giao nhận container rỗng tại cảng Cát Mép tăng nhanh trong 6 tháng đầu năm 2021 với 148%. Kết quả này cho thấy sự dịch chuyển, thay đổi trong việc giao nhận hàng hóa. Trước đây khách hàng chủ yếu tại cảng Cái Lái, hiện nay đã có dịch chuyển sang các cảng khác, như Tân cảng- Hiệp Phước, Cái Mép...
Theo các diễn giả, để hạn chế ảnh hưởng đến việc XNK hàng hóa, các DN cam kết sản lượng ổn định, cung cấp kế hoạch sản lượng dự kiến trước với các hãng tàu đồng thời tuân thủ đúng theo các thỏa thuận đặt trước.
Thông qua các hiệp hội ngành nghề, các tổ chức quản lý để ngồi lại với hãng tàu; chủ động tăng kho chứa hàng để chủ động trong sản xuất; chủ động kiểm tra thông tin tàu, tránh trường hợp hàng ra đến cảng không hạ container được do tàu bị chậm...