Hà Nội: Đời sống nông dân không ngừng được cải thiện và nâng cao. Ảnh: TL |
Theo đó, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2023 đạt 66,01 triệu đồng/người/năm. Tính đến tháng 6/2024, toàn thành phố giải quyết việc làm cho 100.335/165.000 lao động. Trong đó, tạo việc làm cho 31.448 lao động từ xét duyệt hộ gia đình vay vốn từ nguồn vốn ngân sách thành phố ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội ước cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn thành phố với số tiền là 3.011 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho 8.735 lao động thông qua hệ thống sàn giao dịch việc làm; số lao động được cung ứng giới thiệu việc làm của các doanh nghiệp và qua các hình thức khác là 60.152 lao động, đạt 60,8% kế hoạch giao trong năm. Ước 6 tháng đầu năm, thành phố tạo việc làm mới cho 120.000 lao động, đạt 73% kế hoạch năm, tương đương cùng kỳ năm 2023.
Thành phố quyết định hưởng trợ cấp bảo hiểm tự nghiệm (BHTN) cho 24.963 trường hợp với số tiền hỗ trợ 793,7 tỷ đồng, số lao động hưởng BHTN đã giảm 17,8% so với cùng kỳ năm 2023; 100% trường hợp đề nghị hưởng BHTN được tư vấn tìm việc làm mới, trong đó hỗ trợ đào tạo nghề cho 307 người với số tiền 1,25 tỷ đồng.
Công tác bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội được thành phố và các cấp, các ngành quan tâm thực hiện. Hoạt động hỗ trợ, thăm hỏi, tặng quà được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng thụ hưởng. Đến tháng 6/2024, thành phố còn 676 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,03%; trong đó khu vực nông thôn còn 676 hộ nghèo chiếm tỷ lệ 0,05% so với dân cư khu vực nông thôn (07/18 huyện, thị xã không có hộ nghèo: thị xã Sơn Tây, huyện: Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Trì ).
Thu nhập của nông dân khu vực nông thôn Thủ đô đạt 75 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt 95%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 74,5%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt từ 53,5%. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế ở các huyện, thị xã đạt 94% trở lên. Tỷ lệ thôn, làng được công nhận và giữ vững danh hiệu thôn, làng văn hóa đạt 64,5%. Gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu Gia đình văn hóa đạt 88%. Tỷ lệ trường công lập (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) đạt chuẩn quốc gia 83%. Duy trì 100% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. 100% số thôn có nhà văn hóa, khu thể thao thôn.
Tỷ lệ xã có điểm phục vụ bưu chính có người phục vụ đạt 99%; tỷ lệ hộ gia đình có sử dụng ít nhất 01 điện thoại thông minh (Smartphone) đạt 90% trở lên; tỷ lệ các thôn được phủ sóng di động 3G/4G/5G hoặc internet băng rộng đạt 95%. Tỷ lệ hộ dân được cung cấp nước sạch đạt 95%. Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn theo quy chuẩn đạt 99%; tỷ lệ chất thải nguy hại được xử lý đạt 100%; tỷ lệ chất thải y tế được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 100%; tỷ lệ cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề (đang hoạt động và xây dựng mới) có trạm xử lý nước thải đạt 92%.
Tuy nhiên, đời sống nông dân một bộ phận nhỏ còn gặp nhiều khó khăn, việc đào tạo nghề cho nông dân, đặc biệt là nghề phi nông nghiệp ở những nơi bị thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp còn chưa đáp ứng yêu cầu...
Thời gian tới, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững; thực hiện đồng bộ các chính sách, giải pháp giảm nghèo hiệu quả và Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững của thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025. Xây dựng kế hoạch và đề xuất các giải pháp giảm nghèo thiết thực, hiệu quả, tác động trực tiếp đến nguyên nhân nghèo của các hộ gia đình và sát với thực tế của từng địa phương. Tăng cường các chính sách, giải pháp hỗ trợ khuyến khích các hộ tự vươn lên thoát nghèo bền vững, giảm các hình thức hỗ trợ trực tiếp. Ưu tiên nguồn lực hỗ trợ các hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số, miền núi, các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao.
Thành phố sẽ thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách, chương trình, đề án giải quyết việc làm, hỗ trợ tạo việc làm trong nước, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Chú trọng hỗ trợ tạo việc làm cho nhóm lao động yếu thế, nhất là lao động thuộc hộ nghèo, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, thanh niên nông thôn. Đồng thời, tiếp tục quan tâm, bố trí bổ sung nguồn ngân sách thành phố ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội thành phố Hà Nội để cho vay giải quyết việc làm đáp ứng nhu cầu của nhân dân trên địa bàn thành phố.../.