Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư): Tính tới hết tháng 6, GDP chung toàn ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đã sụt giảm 0,18%. Trong đó, nông nghiệp giảm 0,78%, lâm nghiệp tăng 5,75% và thủy sản tăng 1,25%.
Bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT) đánh giá: Nửa đầu năm, sản xuất chăn nuôi, lâm nghiệp đã duy trì tăng trưởng khá nhưng vẫn không đủ bù đắp sự giảm sút trong lĩnh vực nông nghiệp. Bởi vậy, tốc độ tăng trưởng ngành chưa đạt mức kế hoạch đề ra. Đây là lần đầu tiên từ trước đến nay, toàn ngành không có tăng trưởng trong 6 tháng.
Bên cạnh đó, một số hạn chế điển hình trong của ngành NN&PTNT trong 6 tháng đầu năm như: triển khai thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành chưa được đồng bộ; Nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm, triển khai chậm, chưa tạo chuyển biến rõ rệt; Tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới phát sinh tại nhiều địa phương, chưa có giải pháp xử lý dứt điểm. Tổng số nợ đọng của 48/57 tỉnh, thành phố khoảng 13.293 tỷ đồng.
Ngoài ra, tình trạng lưu thông, sử dụng các loại vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y và sử dụng chất cấm trong sản xuất thức ăn chăn nuôi tuy đã có những chuyển biến tích cực song vẫn còn những vụ việc gây bức xúc trong xã hội.
Từ nay tới hết năm, để phục hồi tốc độ trăng trưởng, toàn ngành NN&PTNT xác định sẽ tập trung triển khai quyết liệt tái cơ cấu ngành. Cụ thể, đối với lĩnh vực trồng trọt, tập trung hướng dẫn khắc phục hậu quả của hạn hán và khôi phục sản xuất đối với các loại cây trồng tại các địa phương chịu ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn; tiếp tục tăng sử dụng các giống lúa có chất lượng nhằm nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng...
Đồng thời, đa dạng hóa các cây rau mầu, hoa, nấm ăn và nấm dược liệu theo yêu cầu thị trường; tập trung sản xuất các sản phẩm đang nhập khẩu lớn, như ngô, đậu tương làm thức ăn chăn nuôi trên cơ sở diện tích hiện có và mở rộng diện tích trên đất trồng lúa kém hiệu quả, không chủ động tưới…
Ở lĩnh vực chăn nuôi, tiếp tục chỉ đạo các địa phương tập trung tăng cường các biện pháp quản lý chất lượng giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, trong đó có các loại thức ăn bổ sung và chất cấm sử dụng trong chăn nuôi; phối hợp kiểm tra, giám sát tình hình nhập lậu gia súc, gia cầm nhằm ổn định thị trường, bảo vệ sản xuất trong nước.
Còn với thủy sản, Bộ NN&PTNT xác định kiểm soát chất lượng vật tư đầu vào (thức ăn và con giống, chất lượng hóa chất, chế phẩm sinh học, chất xử lý cải tạo môi trường sử dụng trong nuôi trồng thủy sản); chỉ đạo điều chỉnh cơ cấu đối tượng nuôi, ưu tiên các đối tượng chủ lực như tôm nước lợ, cá tra, rô phi, nhuyễn thể; đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ, ngao…