Còn thụ động
Còn nhớ, Diễn đàn DN Việt Nam (VBF) cuối kỳ 2014 lấy chủ đề “DN hướng tới các Hiệp định thương mại mới”, khá tương đồng với chủ đề của diễn đàn giữa kỳ năm nay “Nâng cao năng lực cạnh tranh của DN để hội nhập quốc tế”. Và cũng đã 3 lần liên tiếp Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đến dự VBF và lắng nghe các ý kiến từ đầu đến khi Diễn đàn bế mạc. Quyết tâm và hành động của Chính phủ trong năm 2014 đã được cộng đồng DN nhiệt liệt hoan nghênh. Tuy nhiên, chia sẻ của Hiệp hội DN Trẻ Hà Nội tại VBF giữa kỳ 2015 lại khiến Diễn đàn lo lắng khi ông Trần Anh Vương, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội cho biết, phần lớn DN nhỏ và vừa chưa được chuẩn bị hành trang cho công cuộc hội nhập.
Ông Vương khẳng định, các DN tư nhân, đặc biệt các DN nhỏ và vừa, đang cảm nhận những thách thức lớn hơn bao giờ hết khi mà năm 2015 được xác định là năm hội nhập với rất nhiều các Hiệp định song phương và đa phương được ký kết và có hiệu lực như Cộng đồng Kinh tế ASEAN (ACE) hay Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP)... Tuy nhiên, DN vẫn thụ động điều chỉnh mình nhiều hơn là chủ động hội nhập, lo lắng cho những công cụ bảo vệ thị trường nội địa trước hàng NK.
Phân tích tâm lý này, ông Vương cho rằng, do trong nhiều năm qua, Chính phủ duy trì một chính sách mà ở đó một nguồn tài chính lớn không phải được đầu tư cho lĩnh vực sản xuất tạo ra của cải cho xã hội mà lại đang được đổ vào đất đai, dịch vụ tài chính, dự trữ vàng và ngoại tệ. “Chính sách này cần được thay đổi. Vì vậy, chúng tôi đề nghị Chính phủ nhanh chóng đưa ra những hình thức đầu tư mới, đảm bảo các DN có thể bình đẳng tiếp cận nguồn vốn qua một thị trường mở, minh bạch và công bằng”- ông Trần Anh Vương nói.
Năng lực của các DN Việt còn yếu cũng là nhận định của Hiệp hội DN Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham). Tuy nhiên, góc nhìn của AmCham về vấn đề này là khá quan ngại bởi AmCham cho rằng, việc yếu kém trong năng lực của DN Việt làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng cho các nhà máy FDI. Bà Sherry Boger, Chủ tịch AmCham phân tích, chỉ 36% trên tổng số DN Việt Nam tham gia vào mạng lưới sản xuất theo định hướng XK, so với gần 60% ở Malaysia và Thái Lan. Chỉ có 21% các DN nhỏ và vừa Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và sự đóng góp của DN nhỏ và vừa trong kim ngạch XK của Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước khác.
Cung cấp sớm thông tin về FTA
Từ những con số trên, bà Sherry Boger cho rằng, để nâng cao năng lực của DN Việt Nam, hay nói cách khác là giải pháp giúp cải thiện tỷ lệ này là Chính phủ cần cải thiện cơ sở hạ tầng cả về phần cứng và phần mềm. Cụ thể, bà Sherry Boger kiến nghị Chính phủ ban hành pháp luật mới về DN nhỏ và vừa và lựa chọn 5 lĩnh vực công nghiệp để phát triển các cụm công nghiệp, sản phẩm trong chuỗi giá trị gồm: Điện tử; dệt may; chế biến thực phẩm; máy móc nông nghiệp và du lịch. “Các kế hoạch hành động cần bao gồm hợp tác với khu vực tư nhân, đặc biệt là DN FDI, giúp Chính phủ và các DN xác định các chính sách ưu đãi để phát triển DN thành công”- bà Sherry Boger cho biết.
Theo ông Trần Anh Vương, công nghiệp hỗ trợ, một trong những nền tảng cơ bản của một nền sản xuất công nghiệp rất phù hợp với sự tham gia của các DN nhỏ và vừa và DN tư nhân, nhưng đã không được nhìn nhận đúng vai trò và đã mất quá nhiều thời gian để ban hành cho nó một bộ luật riêng. Vì vậy, ông Vương kiến nghị sớm ban hành Nghị định riêng cho công nghiệp hỗ trợ, theo đó, xây dựng thêm các khu, cụm công nghiệp mới với quy mô nhỏ và vừa phải, khuyến khích các DN mới, năng động, đầu tư với những ưu đãi được luật hóa và một phần đầu tư rủi ro từ nguồn quỹ của Chính phủ. Ông Vương cũng cho rằng cần có chính sách ưu tiên cho các DN thành lập mới, đặc biệt là các liên doanh có sự tham gia góp vốn của các DN nước ngoài và trong nước nhằm tạo dựng điều kiện ban đầu về vốn, công nghệ đảm bảo công nghệ sản xuất, công nghệ quản trị được chuyển giao một cách tự nhiên.
Trong khi đó, theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), để giúp DN vừa và nhỏ cải thiện năng lực cạnh tranh, chuẩn bị cho hội nhập, điều quan trọng là phải cung cấp thông tin kịp thời và cụ thể về các cam kết, các cơ hội, thách thức cụ thể từ các FTA đối với DN. “Chính phủ đang đàm phán cấp tập nhiều FTA, trong đó có những FTA thế hệ mới đặc biệt quan trọng như TPP, EVFTA nhưng đến nay, không nhiều DN biết về các FTA này, càng ít hơn nữa những DN có sự chuẩn bị cho các FTA”. Để khắc phục tình trạng này, người đứng đầu VCCI đề nghị Chính phủ xem xét thiết lập một cơ chế để cơ quan có thẩm quyền phối hợp với các đầu mối của cộng đồng DN như VCCI kịp thời cung cấp tất cả những thông tin có thể về các đàm phán, cam kết dưới các hình thức khác nhau cho DN. “Chính phủ cũng cần chỉ định một cơ quan có thẩm quyền để hướng dẫn, giải thích chính thức các cam kết khi DN có vướng mắc hoặc khi có cách hiểu khác nhau giữa cơ quan thực thi và DN”- ông Vũ Tiến Lộc đề xuất.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng: Kinh tế - xã hội của Việt Nam 5 tháng đầu năm 2015 đã phát triển tốt hơn, vững chắc hơn và hiệu quả hơn so với năm 2014. Đây là nỗ lực chung của Việt Nam nhưng chúng tôi cũng thấy rằng, kết quả này vẫn chưa bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Việt Nam. Tôi cho rằng Việt Nam còn làm tốt hơn, vững chắc hơn. Chúng tôi không hề thỏa mãn mà thời gian tới Chính phủ Việt Nam sẽ nỗ lực phát huy kết quả đạt được, thực hiện quyết liệt hơn nữa, đồng bộ hơn nữa để làm tốt hơn, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Việt Nam sẽ tiếp tục tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng nâng cao sức cạnh tranh. Trong tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế sẽ tiếp tục tái cơ cấu đầu tư công, DNNN để DNNN hiệu quả hơn, sẽ thực hiện cổ phần hóa theo đúng lộ trình, đi liền giảm phần vốn Nhà nước ở DN không cần chi phối và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. (Lược ghi phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại VBF giữa kỳ 2015) |
Ông Fred Burke, Nhóm Công tác Đầu tư và Thương mại, VBF: Dường như phần lớn các phán quyết trọng tài, cho dù là từ các tổ chức trọng tài nước ngoài hoặc trong nước, không được các tòa án của Việt Nam tôn trọng. Những phán quyết đó không được thừa nhận, thường là với những lý do về kỹ thuật không chính xác mà nguyên nhân chính có vẻ do các quan điểm bất lợi, các cách hiểu chưa chính xác về khái niệm trọng tài hoặc trong một số trường hợp là do những tác động không đúng đắn. Đây là vấn đề cấp bách và cần phải được giải quyết ngay, trước khi làm ảnh hưởng nghiêm trọng thậm chí phá hủy danh tiếng của Việt Nam, một đất nước coi trọng khái niệm về thượng tôn pháp luật. Ông Robert Hambleton, Tiểu nhóm Hạ tầng cảng và Vận tải biển, VBF: Để phát huy tối đa tiềm năng mà cả TPP và FTA với châu Âu đem đến cho Việt Nam, sự tồn tại của một cảng biển container nước sâu là vô cùng cần thiết để phục vụ nhu cầu luân chuyển hàng hóa đang ngày càng gia tăng. Sự phụ thuộc hiện thời vào cảng biển của TP.HCM là không bền vững đứng trên cả hai góc nhìn thương mại và tổ chức vận hành. Do đó, chúng tôi kiến nghị Chính phủ thành lập một trung tâm trung chuyển ở phía Nam. Điều này đòi hỏi các thủ tục hải quan phải được thực hiện hiệu quả hơn, các quy định hàng hải được nới lỏng và phí cảng phải giảm. |