Qua 2 năm thực hiện Nghị quyết 21/2013/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ kinh phí đào tạo và thu hút nguồn nhân lực, toàn tỉnh đào tạo 1.368 người, trong đó có 14 tiến sĩ, 373 thạc sĩ, 39 chuyên khoa II, 270 chuyên khoa I, cử nhân 534… Khuyến khích đào tạo được 25 người, thu hút được 4 người: gồm 3 thạc sĩ và 1 cử nhân.
(CMO-PQR) Qua 2 năm thực hiện Nghị quyết 21/2013/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ kinh phí đào tạo và thu hút nguồn nhân lực, toàn tỉnh đào tạo 1.368 người, trong đó có 14 tiến sĩ, 373 thạc sĩ, 39 chuyên khoa II, 270 chuyên khoa I, cử nhân 534… Khuyến khích đào tạo được 25 người, thu hút được 4 người: gồm 3 thạc sĩ và 1 cử nhân.
Về Đề án Mekong 120, từ năm 2007-2015, đã xét tuyển 12 đợt, có 159 ứng viên đủ điều kiện tham gia, xúc tiến hồ sơ đi học cho 116 ứng viên, gồm 16 tiến sĩ và 100 thạc sĩ. Kinh phí đào tạo của đề án trên 90 tỷ đồng. Đến nay, có 56 ứng viên về nước, gồm 4 tiến sĩ và 52 thạc sĩ. Trong đó, có 47 ứng viên được bố trí việc làm, số còn lại tiếp tục học hoặc chờ bố trí công việc. Qua quá trình công tác, 4 ứng viên vì nhiều lý do đã không còn đảm nhận nhiệm vụ được phân công ở cơ quan, đơn vị.
Đối với chế độ cử tuyển, từ năm 2007-2015, toàn tỉnh đưa đào tạo 276 người, tốt nghiệp 119 người, bố trí công tác 71, số còn lại chưa bố trí được. Về chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đào tạo sau đại học 774 người (3,19%); đại học là 14.267 (61,1%); cao đẳng – trung cấp 7.648 người (32,75%), còn lại là sơ cấp hoặc chưa qua đào tạo. Thực tế cho thấy, cán bộ, công chức, viên chức giỏi, có trình độ chuyên sâu, cán bộ đầu ngành của tỉnh còn thiếu. Vẫn còn tình trạng công chức, viên chức chưa qua đào tạo, công tác đào tạo chưa gắn với vị trí việc làm, quy hoạch cán bộ.
Những khó khăn trong việc thực hiện Nghị quyết 21, Đề án Mekong 120 và chương trình cử tuyển là chỉ tiêu, kế hoạch không sát với thực tế, không gắn với quy hoạch cán bộ, đào tạo xong không gắn với nhu cầu sử dụng nhân lực tại địa phương. Một bộ phận được đào tạo nhưng chất lượng chưa đảm bảo, không đáp ứng công việc. Cơ chế, chính sách so với thực tiễn phát triển và nhu cầu nhân lực của Cà Mau còn bị vênh, tạo ra nhiều bất cập trong quá trình nâng chất, đồng bộ nguồn nhân lực có chất lượng...
Tại Hội nghị đánh giá kết quả công tác đào tạo, thu hút nguồn nhân lực ngày 25/3, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Trần Hồng Quân chỉ đạo sớm xây dựng một tầm nhìn chiến lược, đưa ra các giải pháp khả thi để Cà Mau thực sự có nguồn nhân lực tại chỗ chất lượng./.