Hai học sinh Trường THPT Vị Thanh,ạovsựantoncủahọkqbd kazakhstan thành phố Vị Thanh, đã thực hiện dự án “Máy điểm danh và báo động”, hứa hẹn sẽ tạo ra sản phẩm đảm bảo an toàn tính mạng khi sử dụng xe đưa rước học sinh đến trường.
Hai em học sinh và giáo viên hướng dẫn nghiên cứu chuẩn bị nâng cấp dự án.
La Quốc Thịnh, học sinh lớp 11A3, thành viên nhóm thực hiện dự án, chia sẻ: “Nhờ nghiên cứu khoa học mà kỳ thi học kỳ vừa qua em thi kết quả khá tốt. Em đã tự tìm ra phương pháp học tốt cho mình. Thi xong rồi, chúng em đang chuẩn bị nâng cấp dự án thay thiết bị cảm ứng hồng ngoại của “Máy điểm danh và báo động” bằng camera đếm người”.
Hào hứng chia sẻ về tính hiệu quả của dự án, em Quách Nhật Tân, học sinh lớp 11A3, bộc bạch: “Em xem trên thời sự thấy tình trạng học sinh bị bỏ rơi trên xe đưa rước học sinh được nói đến quá nhiều, nguyên nhân là do sự bất cẩn của người lớn. Hậu quả của sự bất cẩn là tính mạng của học sinh bị đe dọa, ảnh hưởng tâm lý của nhiều học sinh khác và tinh thần của gia đình học sinh... Vì thế nhóm đã thực hiện dự án này, quy trình hoạt động của dự án này rất đơn giản, dễ lắp đặt nên thuận tiện cho việc sử dụng. Chi phí cho sản phẩm này khá thấp chỉ khoảng 380.000 đồng”.
Máy sẽ được lắp đặt ngay chỗ cửa lên xuống của xe, 2 cảm ứng hồng ngoại sẽ đếm số lượng học sinh lên xuống xe để tránh tình trạng lộn xộn, khi xe tới trường. Trước khi xe rời trường, trường hợp nếu còn học sinh ngồi trên xe còi báo động sẽ vang lên ngay cho tài xế kiểm tra lại, thêm một tính năng nữa là thiết bị được cài đặt sẵn số điện thoại của tài xế xe, thiết bị tự động gọi lại nhằm bảo đảm thêm 1 lần không còn sót học sinh nào trên xe”.
Do dự án này, chưa có ai nghiên cứu thực nghiệm nên nhóm hai học sinh cùng giáo viên hướng dẫn là cô Phạm Thị Dân Ái, giáo viên dạy tin học Trường THPT Vị Thanh nghiên cứu khá vất vả. Các em đã tiến hành khảo sát thực tế tình trạng lên xuống của học sinh tại 2 trường: Tiểu học Kim Đồng và Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (thành phố Vị Thanh) để đưa ra ý tưởng thiết kế sản phẩm, lựa chọn linh kiện phù hợp, lắp ráp, lập trình, nạp code, cuối cùng là hoàn thiện sản phẩm bằng việc thực nghiệm thực tế quá trình đưa rước học sinh. Cô Ái cho biết: “Nghe qua thì dự án này có vẻ dễ. Nhưng khi bắt tay vào thực hiện thì không dễ chút nào, do đây là lập trình phần cứng, thuộc hệ thống nhúng. Hai em học sinh đã phải giải quyết rất nhiều khó khăn. Nhất là khâu lập trình viết đoạn code và kết nối các mao mạch. Tuy nhiên, bằng niềm đam mê và sáng tạo, hai em đã tự khắc phục những khó khăn và tạo ra được sản phẩm có lợi cho mọi người”.
Điểm khó của nhóm là cả hai em đều là học sinh mê các môn xã hội, lợi thế các môn học tự nhiên không nhiều nhưng bằng sự đam mê và chịu khó học hỏi, cộng với giáo viên hướng dẫn nhiệt tình, có chuyên môn, tâm huyết nên sản phẩm cơ bản hoàn thiện sau 6 tháng nghiên cứu. Nhờ trong dịp hè, cô Ái đã được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh tạo điều kiện tham gia lớp bồi dưỡng lập trình hệ thống nhúng nên đã hỗ trợ hướng dẫn học sinh viết code khá tốt.
Với những hiệu quả thiết thực mang lại, dự án “Máy điểm danh và báo động” đã xuất sắc đạt giải nhì Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học năm học 2019-2020. Ông Trịnh Anh Việt, Hiệu trưởng Trường THPT Vị Thanh, cho biết: “Em Thịnh, em Tân và giáo viên hướng dẫn đang ấp ủ trong lòng ý tưởng biến sản phẩm thí nghiệm thành thương phẩm. Tôi mong đây sẽ là nền tảng truyền động lực đam mê nghiên cứu khoa học trong toàn trường”.
Bài, ảnh: CAO OANH