Kinh tế Việt Nam đã đi được một nửa chặng đường, bà có đánh giá gì về kết quả đã đạt được trong 6 tháng đầu năm?
Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương:Kinh tế - xã hội nước ta 6 tháng đầu năm 2021 tiếp đà những kết quả quan trọng, ấn tượng đã đạt được của năm 2020, kinh tế vĩ mô nước ta tiếp tục ổn định, sản xuất kinh doanh những tháng đầu năm đạt được những kết quả khá. 6 tháng đầu năm 2021, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2021 tăng 5,64%, cao hơn tốc độ tăng 1,82% của 6 tháng đầu năm 2020 nhưng thấp hơn tốc độ tăng 7,05% và 6,77% của cùng kỳ năm 2018 và 2019. Lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2021 tăng 0,19% so với tháng trước, tăng 1,62% so với tháng 12/2020 và tăng 2,41% so với tháng 6/2020. Bình quân 6 tháng đầu năm 2021, CPI tăng 1,47% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016; lạm phát cơ bản 6 tháng tăng 0,87%. Trước những kết quả đạt được 6 tháng đầu năm, xin bà cho biết liệu mục tiêu kiềm chế lạm phát có khả thi và đâu là những yếu tố ảnh hưởng đến lạm phát 6 tháng cuối năm? Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương: Qua diễn biến giá cả thị trường 6 tháng đầu năm 2021, chúng tôi nhận định một số yếu tố ảnh hưởng đến lạm phát 6 tháng cuối năm. Theo đó, kinh tế thế giới bước vào giai đoạn phục hồi khi các quốc gia đẩy mạnh chương trình tiêm chủng vắc xin phòng chống dịch Covid-19. Khi kinh tế phục hồi, nhu cầu về hàng hóa, dịch vụ tăng, từ đó sẽ đẩy mặt bằng giá lên cao và tạo áp lực lên lạm phát của cả năm 2021. Giá nguyên nhiên vật liệu thế giới nhiều lĩnh vực tăng mạnh, việc nhập khẩu nguyên liệu với mức giá cao sẽ ảnh hưởng đến giá thành, chi phí sản xuất, từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước lên cao. Theo dự báo của các tổ chức quốc tế, giá dầu Brent bình quân năm 2021 đạt khoảng 65 USD/thùng, tăng khoảng 55% so với năm 2020, tương ứng giá xăng dầu bình quân trong nước năm nay có thể tăng khoảng 35%, sẽ tác động làm CPI chung của cả năm tăng 1,3% so với năm 2020. Các nước tiếp tục chính sách tiền tệ nới lỏng phục vụ việc phục hồi kinh tế tạo thành yếu tố cầu kéo sẽ đẩy giá cả hàng hóa cơ bản đều đi lên. Ngoài ra, điều hành giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý thực hiện theo lộ trình như dịch vụ y tế, giáo dục cũng sẽ tác động tới chỉ số giá tiêu dùng năm nay. Theo tôi, nếu không có những yếu tố quá đột biến xảy ra thì việc kiểm soát lạm phát dưới 4% là hoàn toàn khả thi. Với thực tế bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm 2021, mục tiêu tăng trưởng kinh tế của cả năm 2021 có đạt được không? Xin bà cho biết, kịch bản tăng trưởng kinh tế của 2 quý tới? Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương:Bước sang quý 3, kinh tế - xã hội nước ta còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi tình hình kinh tế quốc tế ngày càng phức tạp, khó lường. Mặc dù, tiêm chủng vắc xin Covid-19 được nhiều nước trên thế giới triển khai mạnh mẽ nhưng sự khác biệt giữa tỷ lệ tiêm chủng của các quốc gia và khu vực dẫn đến nguy cơ phục hồi không đồng đều và mong manh của kinh tế thế giới, làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng tới các ngành thương mại, du lịch, vận tải, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm gia tăng sẽ ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Do đó, kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm 2021 tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, việc thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” là thách thức lớn, cần sự chung sức, đồng lòng của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân, nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021. Để phục vụ sự điều hành, lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, Tổng cục Thống kê liên tục cập nhật tình hình kinh tế - xã hội trên cả nước, cập nhật các kịch bản tăng trưởng theo diễn biến tình hình thực tế và chỉ gửi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để làm căn cứ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương có những giải pháp phù hợp theo từng ngành, lĩnh vực, địa phương cụ thể để phấn đấu đạt kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 ở mức cao nhất. Xin cảm ơn bà! |