Chiều 20/11, phiên tòa xét xử bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Xuyên Việt Oil) về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí và Đưa hối lộ, bước vào phần xét hỏi.
Trong phiên làm việc buổi sáng, HĐXX dành thời gian hoàn tất phần thủ tục và đại diện VKS công bố cáo trạng.
Theo cáo trạng, Quỹ bình ổn giá xăng dầu là quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách thuộc tài chính công, tài sản công để tại doanh nghiệp là thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Theo quy định, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu phải mở tài khoản Quỹ bình ổn giá tại ngân hàng thương mại, phải trích tiền trên cơ sở số lượng doanh thu bán hàng để nhập vào Quỹ bình ổn giá theo thông báo điều hành giá xăng dầu của Bộ Công Thương.
Tuy nhiên, bị cáo Hạnh lợi dụng việc Xuyên Việt Oil được cấp giấy phép làm thương nhân đầu mối xăng dầu và được giao thu hộ, quản lý, sử dụng tiền Quỹ bình ổn giá, đã chỉ đạo Nguyễn Thị Như Phương (phó giám đốc) không chuyển tiền Quỹ bình ổn giá vào tài khoản Xuyên Việt Oil, mà chuyển tới các tài khoản của bà Hạnh, gây thất thoát 219 tỷ đồng.
Tại tòa, bà Hạnh khai đã dùng số tiền 219 tỷ đồng từ Quỹ bình ổn giá để đầu tư dàn trải từ xăng dầu đến các dự án bất động sản, nhưng quản lý còn hạn chế nên thua lỗ.
Bên cạnh đó, từ tháng 10/2021 đến tháng 7/2022, bà Hạnh không nộp 1.244 tỷ đồng tiền thuế bảo vệ môi trường mà chuyển số tiền này sang tài khoản cá nhân để sử dụng.
Bà Hạnh khai đã mở tài khoản ngân hàng thông thường để nhận số tiền trên, không phải tài khoản định danh để tránh bị giám sát, quản lý.
Bị cáo Hạnh khai tất cả hoạt động của công ty do bà chỉ đạo cấp dưới thực hiện. Các phó giám đốc, nhân viên đều là người nhà ở quê vào, trong đó có bị cáo Nguyễn Thị Như Phương là em gái họ của bà Hạnh.
Bị cáo Đỗ Thắng Hải (cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương) bị cáo nhận hối lộ 50.000 USD từ bà chủ Xuyên Việt Oil. Tại tòa, người này thừa nhận hành vi phạm tội. Ông Hải nói bản thân làm việc theo chức năng, nhiệm vụ, không tác động, không mưu cầu lợi ích vật chất cũng như quyền lợi khác từ Xuyên Việt Oil.
Cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương khai, sau khi Xuyên Việt Oil được cấp giấy phép kinh doanh xăng dầu, bà Hạnh liên hệ để cảm ơn, nhưng bị cáo Hải bận.
Tiếp đó, ông Hải khai trong một lần vào TPHCM công tác, bà Hạnh xin gặp khoảng 5 phút và sau khi cuộc gặp kết thúc, ông thấy túi quà bên trong có 50.000 USD.
"Đây là sai lầm lớn nhất cuộc đời tôi. Lúc đầu, tôi chưa nhận ra hết được lỗi lầm của mình, nhưng khi làm việc với cơ quan điều tra thì đã nhận ra được lỗi lầm và vô cùng ăn năn hối hận. Gia đình tôi đã khắc phục toàn bộ số tiền nhận hối lộ, xin HĐXX xem xét, khoan hồng, giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo", ông Hải trình bày.
HĐXX tiến hành xét hỏi bị cáo Nguyễn Lộc An (cựu Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương). Người đàn ông này bị cáo buộc đã nhận hối lộ từ bị cáo Hạnh 4 lần với tổng số tiền hơn 900 triệu đồng, trong đó có chiếc đồng hồ Patek Philippe trị giá 23.000 USD (tương đương 521 triệu đồng).
Tại tòa, bị cáo An thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng quy kết và đính chính chỉ nhận hối lộ 3 lần. Bị cáo An khai, trong một lần vào TPHCM công tác, có tới nhà bà Hạnh và được tặng chiếc đồng hồ Patek Philippe.
Nhận hối lộ để tạo điều kiện cho Xuyên Việt Oil
Bị cáo Phan Kiến Anh được bổ nhiệm làm Giám đốc Chi nhánh Phân phối sản phẩm lọc dầu Nghi Sơn từ ngày 3/8/2017. Từ tháng 1/2020 đến tháng 6/2023, ông Phan Kiến Anh đã ký 7 quyết định phân nhóm cho Xuyên Việt Oil, trong đó có 4/7 kỳ là nhóm I.
Để được tạo điều kiện thuận lợi trong việc mua hàng của Chi nhánh lọc dầu Nghi Sơn khi thị trường khan hiếm và được áp dụng chính sách mua hàng ưu đãi, từ tháng 11/2019 đến tháng 9/2022, bà Hạnh đã hối lộ cho ông Anh 6 lần, với số tiền 3,2 tỷ đồng.
Tại tòa, bà Hạnh thừa nhận đã 6 lần đưa tiền cho ông Kiến Anh. Còn bị cáo Kiến Anh thừa nhận hành vi như cáo trạng quy kết.