Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng người dân và DN hoàn toàn tự tin về những giải pháp phòng,ủđộngkhocirciphụcsảnxuấcup úc chống dịch hiện nay của cấp ủy, chính quyền để từ đó yên tâm mở rộng sản xuất, kinh doanh trong trạng thái bình thường mới.
Người dân, doanh nghiệp tăng tốc sản xuất
Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá dưa lưới và các loại rau quả liên tục giảm, gây không ít khó khăn cho nông dân. Chị Nguyễn Thị Vinh ở khu phố 2, thị trấn Tân Khai cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, được chính quyền địa phương quan tâm, được ngân hàng giảm lãi suất, chị đã có thêm niềm tin để tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô sản xuất. “Là một trong những loại cây có giá trị kinh tế cao nên gia đình dự định mở rộng thêm khoảng 500m2nhà màng để trồng dưa lưới và rau theo hướng hữu cơ. Ngân hàng cũng đã cam kết cho vay với lãi suất ưu đãi để tái đầu tư nên gia đình rất yên tâm” - chị Vinh cho biết.
Lãnh đạo UBND thị trấn Tân Khai thăm cơ sở sản xuất gạch Phước Hải
Cùng với người dân, cộng đồng DN trên địa bàn huyện Hớn Quản cũng dần khôi phục lại sản xuất sau gần 2 tháng phải tạm đóng cửa do tác động của đại dịch. Anh Nguyễn Văn Minh, chủ cơ sở sản xuất gạch Phước Hải, ở ấp 3, thị trấn Tân Khai yên tâm sản xuất trở lại do địa phương đã kiểm soát tốt dịch bệnh. 45 công nhân lao động của cơ sở đều được tiêm vắc xin phòng Covid-19 và mới đây DN được ngân hàng cơ cấu lại nợ vay. Sự hỗ trợ kịp thời của các ngành chức năng đã giúp DN phục hồi sản xuất, giúp người lao động có việc làm và thu nhập ổn định để chào đón mùa xuân mới.
DN được quay trở lại sản xuất nhưng phải đảm bảo quy định phòng, chống dịch theo phương án “3 tại chỗ”, hoặc “1 cung đường, 2 điểm đến”. Các cửa hàng kinh doanh vẫn thực hiện nghiêm quy định 5K của Bộ Y tế. Người dân lao động, sản xuất trên vườn cây vẫn tuân thủ nghiêm các quy định phòng, chống dịch, quyết không chủ quan, lơ là. |
Ông Bùi Đình Lợi, Bí thư Đảng ủy thị trấn Tân Khai, huyện Hớn Quản |
DN phục hồi sản xuất, tiểu thương được quay trở lại buôn bán là tín hiệu tích cực. “Tuy sức mua của người dân giảm so với trước đây nhưng bà con ai nấy đều rất vui khi cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới. Tiểu thương yên tâm buôn bán, chuẩn bị hàng hóa phục vụ người dân trong dịp tết Nguyên đán sắp tới” - anh Huỳnh Công Vinh, tiểu thương chợ Tân Khai bày tỏ.
Nhiều chính sách hỗ trợ được triển khai
Để sớm khôi phục sản xuất, đảm bảo các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội, các ngành chức năng của huyện Hớn Quản đã triển khai thực hiện hàng loạt các biện pháp như: miễn, giảm thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân, tiền thuê đất theo Nghị định số 52/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Các tổ chức tín dụng trên địa bàn huyện cũng đã triển khai nhiều chính sách ưu đãi như giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ vay...
“Với phương châm đồng hành với người dân và DN vượt qua đại dịch, từ đầu năm đến nay, ngân hàng đã giải quyết cho hơn 3.700 lượt hộ vay vốn phát triển sản xuất, với số tiền 1.246 tỷ đồng, tăng 68 tỷ đồng so cùng kỳ năm 2020. Không chỉ đơn giản khâu tiếp nhận hồ sơ vay vốn của khách hàng, ngân hàng còn triển khai nhiều chính sách giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ vay cho người dân và DN bị ảnh hưởng trực tiếp từ đại dịch” - ông Nguyễn Minh Mẫn, Phó giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh huyện Hớn Quản chia sẻ.
Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch vừa phục hồi nền kinh tế, được sự hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền, các ngành chức năng trong công tác giải phóng mặt bằng, bố trí nguồn vốn, hàng loạt các công trình xây dựng trên địa bàn huyện Hớn Quản vẫn triển khai thực hiện theo đúng tiến độ, góp phần tăng trưởng kinh tế - xã hội tại địa phương.
Mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Hớn Quản vẫn tập trung triển khai dự án mở rộng kênh mương nội đồng để phục vụ cho sản xuất. Trong ảnh: Lãnh đạo xã An Khương kiểm tra dự án kênh mương nội đồng trên địa bàn xã
Dự án nâng cấp mở rộng kênh mương nội đồng xã An Khương đến nay đã hoàn thành 45% khối lượng công việc. Dự án được kỳ vọng sẽ tạo ra cú hích thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói riêng và Hớn Quản nói chung.
“Dự án có vai trò hết sức quan trọng. Nếu như trước đây, 260 ha lúa của xã chỉ sản xuất được 1 vụ do thiếu nước thì nay có thể sản xuất được 3 vụ/năm, góp phần nâng cao giá trị kinh tế cho người trồng lúa. Đây cũng là cơ sở để địa phương xây dựng thương hiệu “Gạo An Khương” theo tinh thần nghị quyết Đảng bộ huyện, xã đề ra” - ông Dương Kim Đương, Chủ tịch UBND xã An Khương phấn khởi nói.
Năm 2021, huyện Hớn Quản có 20 công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn ngân sách huyện với trên 117 tỷ đồng; nguồn vốn tỉnh phân bổ cho giai đoạn 2021-2025 khoảng 965 tỷ đồng, cho 8 công trình giao thông trọng điểm. Mặc dù chịu tác động không nhỏ từ dịch Covid-19 nhưng với sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền và các phòng, ban chức năng tỉnh, huyện trong công tác lập, thẩm định hồ sơ, bố trí nguồn vốn và giải phóng mặt bằng, đến nay tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vốn của huyện đạt trên 50%, vốn của tỉnh đạt trên 47%. “Từ nay đến cuối năm, huyện Hớn Quản tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các dự án, ưu tiên bố trí nguồn vốn đối với các công trình đang triển khai xây dựng, phấn đấu đưa tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 95%” - bà Phan Thị Kim Oanh, Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Hớn Quản khẳng định.
Nhiệm vụ từ nay đến cuối năm được Hớn Quản xác định là tiếp tục hỗ trợ người dân, DN khôi phục sản xuất bằng những giải pháp hiện có; tiếp tục triển khai các giải pháp để tăng thu ngân sách, đảm bảo chỉ tiêu thu ngân sách cả năm theo nghị quyết HĐND huyện thông qua. |
Bà Phan Thị Kim Oanh, Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Hớn Quản |
Nhờ sự chủ động xây dựng kịch bản điều hành phát triển kinh tế - xã hội linh hoạt cho từng giai đoạn, nên 9 tháng năm 2021, mặc dù tăng trưởng kinh tế của huyện không cao như mong muốn, nhưng Hớn Quản vẫn cơ bản đạt được các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đề ra. Đây là nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, người dân và cộng đồng DN trong điều kiện khó khăn chung, tạo đà để Hớn Quản vượt qua năm 2021 với những kết quả khả quan.