| Cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. |
Mỗi bài viết là sự tổng hợp thực tiễn, đúc rút lý luận định hướng một số lĩnh vực trọng yếu của cách mạng Việt Nam; có giá trị đặc biệt phục vụ nghiên cứu và vận dụng vào công cuộc đổi mới; trở thành nguồn sáng soi tỏ, tạo niềm tin vững chắc trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Bài 1: Tư duy mới về nhiệm vụ then chốt Nghiên cứu các bài viết trong cuốn sách của Tổng Bí thư cho thấy những tư duy lý luận được Đại hội XIII của Đảng tiếp thu, đưa vào văn kiện, khẳng định bước phát triển về nhận thức và tư duy đối với nhiệm vụ then chốt của sự nghiệp cách mạng. Nếu như từ Đại hội XII của Đảng trở về trước, Trung ương xác định: Xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, thì quan điểm của Tổng Bí thư và Trung ương Đảng từ Đại hội XIII đến nay thể hiện rất rõ tinh thần: Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị (HTCT) là then chốt. 1. Trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII (ngày 7-10-2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Cái mới của lần này là Trung ương đã mở rộng phạm vi, không chỉ trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà còn bao gồm cả trong xây dựng HTCT đúng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”. Đây là một yêu cầu khách quan, hợp quy luật phát triển, bởi lẽ Đảng Cộng sản Việt Nam tuy giữ vai trò lãnh đạo HTCT và toàn xã hội, nhưng Đảng không đứng ngoài HTCT, không phải là nhân tố độc lập với HTCT. Trước đó, vấn đề này từng được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập nhiều lần trong các bài viết, bài phát biểu chỉ đạo công tác chuẩn bị tiến hành Đại hội XIII của Đảng. Việc Ban Chấp hành (BCH) Trung ương Đảng khóa XIII và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xác định, đặt nhiệm vụ xây dựng HTCT vào đúng vị trí, ngang bằng với với nhiệm vụ xây dựng Đảng, cho thấy tầm quan trọng, tính cấp thiết và quyết tâm chính trị rất cao của Đảng ta. Tất nhiên, trong suốt tiến trình cách mạng, nhiệm vụ này luôn được quan tâm, chăm lo, nhưng trước tình hình cách mạng mới phải đặt nó đúng vị trí để thống nhất nhận thức trong toàn Đảng và toàn xã hội; tập trung sức lãnh đạo, chỉ đạo, tạo những bước chuyển về chất, góp phần nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành, vận hành sự nghiệp cách mạng. Nói cách khác, sở dĩ những năm qua Đảng ta nhấn mạnh hơn đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng là vì muốn củng cố, gia tăng thêm sức mạnh cho Đảng; từ đó tiến đến xây dựng cả HTCT. Đây là những bước đi thận trọng, chắc chắn, có lộ trình rõ ràng trong từng giai đoạn cụ thể. Thời gian qua, khi công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng ở nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng được gia tăng đáng kể nên Đảng ta đã gắn công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng với xây dựng HTCT. Đánh giá về vấn đề này, Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25-10-2021 của BCH Trung ương Đảng khẳng định việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã “có nhiều bước đột phá quan trọng, tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ". Trên cơ sở đó, Trung ương khẳng định: Mở rộng phạm vi không chỉ xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà còn bao gồm cả xây dựng HTCT... Quan điểm này, một lần nữa khẳng định quyết tâm chính trị rất cao của Đảng trong lãnh đạo xây dựng HTCT. 2. Khái niệm “HTCT” bắt đầu được sử dụng từ Hội nghị Trung ương 6, khóa VI (tháng 3-1989), để thay cho khái niệm “Hệ thống chuyên chính vô sản”. HTCT ở nước ta hiện nay là một chỉnh thể thống nhất, gắn bó hữu cơ, bao gồm: Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam để thực hiện đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân và xây dựng đất nước Việt Nam XHCN. Nhất quán những vấn đề lý luận cơ bản ấy, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu lên các luận điểm, khẳng định mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và các tổ chức thành viên; thống nhất vận hành theo cơ chế: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Trong đó, Đảng là chủ thể lãnh đạo cả HTCT và toàn xã hội. Không những vậy, Tổng Bí thư còn chỉ rõ mối quan hệ giữa nhiệm vụ xây dựng Đảng với nhiệm vụ xây dựng HTCT; tầm quan trọng trong việc xây dựng Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận... đối với xây dựng HTCT và những yêu cầu, giải pháp nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp trong xây dựng Đảng và xây dựng HTCT. Quan điểm của Tổng Bí thư là phải tiếp tục đẩy mạnh công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn chặt với xây dựng HTCT trong sạch, vững mạnh. HTCT là thống nhất trong một chỉnh thể vì mục tiêu chung với vai trò Đảng Cộng sản là hạt nhân quan trọng, vừa là thành viên, vừa là chủ thể lãnh đạo HTCT và toàn xã hội. Muốn tăng cường sức mạnh của HTCT cần phải đổi mới đồng bộ, trước hết phải đổi mới công tác xây dựng Đảng. Đảng phải thực thi vai trò lãnh đạo toàn diện, cả về mặt thể chế, tổ chức, phương thức hoạt động và kiểm soát quyền lực của HTCT. Mối quan hệ giữa xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải gắn liền với xây dựng HTCT trong sạch, vững mạnh còn thể hiện ở chỗ Nhà nước trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực hiệu quả vì dân; MTTQ Việt Nam và các tổ chức, đoàn thể chính trị-xã hội phát huy mạnh mẽ vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình trong việc giám sát và thực thi đường lối, chủ trương của Đảng trong cuộc sống. Các thành viên thực hiện tốt điều đó sẽ phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả HTCT, góp phần vào việc vận hành tốt cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”. Bàn sâu về vấn đề này, cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có nhiều bài viết đề cập đến nhiều nội dung, giải pháp thiết thực trong xây dựng HTCT và các tổ chức thành viên, với những định hướng vừa mang tầm vĩ mô, chiến lược, vừa thiết thực, cụ thể, sát thực tế. 3. Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, đồng chí Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo định hướng hoạt động của Quốc hội trong nhiệm kỳ mới: “Cần tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò, vị trí của mình trong việc tạo lập khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động của đất nước, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại”; “Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát, nhất là giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn, phát huy dân chủ, tăng tính tranh luận, phân tích sâu, làm rõ những thành tích, ưu điểm, cũng như những tồn tại, khuyết điểm, tìm ra nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp xác đáng, khả thi”; “Nâng cao chất lượng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước theo hướng ngày càng chính xác, thực chất hơn”... Đối với hoạt động của Chính phủ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 “tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tổ chức và phương thức hoạt động” nâng cao chất lượng hoạt động, xứng đáng với vị trí, vai trò là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; là cơ quan trực tiếp tổ chức, quản lý, triển khai thực hiện hiệu quả mọi chủ trương, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam, biến đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước thành hiện thực sinh động, mang lại ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân, làm vẻ vang cho dân tộc, cho giống nòi”. Chỉ rõ mối quan hệ giữa Đảng và Nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, Đảng thực hiện được vai trò hạt nhân lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của mình thông qua Nhà nước là trung tâm của HTCT, do vậy xây dựng Nhà nước vững mạnh, liêm chính, hiệu lực, hiệu quả có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Nhà nước chính là nơi thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, tổ chức thực hiện các quyết sách lãnh đạo của Đảng thành chính sách, pháp luật, chương trình, kế hoạch cụ thể, phù hợp với thực tiễn phát triển đất nước. Cũng như vậy, Đảng và Nhà nước chỉ vững mạnh, hoàn thành được nhiệm vụ của mình khi và chỉ khi có MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội phát huy hết vai trò, trách nhiệm, thực hiện giám sát thực thi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tổ chức vận động, giáo dục đoàn viên, hội viên chấp hành luật pháp, chính sách; đồng thời chăm lo, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên; giúp đoàn viên, hội viên nâng cao trình độ về mọi mặt và xây dựng cuộc sống mới; tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội. Xây dựng HTCT trong sạch, vững mạnh còn là tiền đề quan trọng giúp Đảng tăng cường mối quan hệ mật thiết với nhân dân, khơi dậy phát huy tiềm năng sáng tạo, khuyến khích, động viên nhân dân tích cực tham gia xây dựng Đảng, HCCT và sự nghiệp cách mạng. Cũng qua đó phát huy cao độ quyền làm chủ và vai trò giám sát, đánh giá hiệu quả của các tổ chức thành viên trong HTCT; đánh giá phẩm chất năng lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tinh thần đó được Tổng Bí thư khái quát rõ trong bài phát biểu tại Hội nghị của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng (ngày 16-8-2021). Theo Tổng Bí thư, MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên cần “năng động, sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ hơn nữa; thiết thực, hiệu quả cao hơn nữa, góp phần tập hợp ngày càng đông đảo các tầng lớp nhân dân trong khối đại đoàn kết dân tộc; tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa nhân dân với Đảng và chính quyền, tạo thành sức mạnh to lớn, vô địch để xây dựng Tổ quốc ta ngày càng cường thịnh, nhân dân ta ngày càng hạnh phúc; đất nước ta ngày càng phát triển, phồn vinh”. 4. Phân tích sâu vai trò, nhiệm vụ, yêu cầu xây dựng HTCT và từng tổ chức thành viên, các bài viết trong cuốn sách Tổng Bí thư toát rõ quan điểm, rằng sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, sự vào cuộc của cả HTCT, sự đoàn kết nhất trí, quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân có ý nghĩa rất quan trọng nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Các tổ chức thành viên phải “rõ vai, thuộc bài”, phối hợp nhịp nhàng, đúng chức năng, nhiệm vụ, chính là giải pháp đầu tiên trong xây dựng HTCT. Để quan điểm này sớm đi vào cuộc sống, chính Tổng Bí thư đã “khởi xướng” bằng việc sáng tạo cách làm mới trong tổ chức triển khai, thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Theo đó, lần đầu tiên các hội nghị quán triệt (quy mô toàn quốc) được tổ chức theo ngành, lĩnh vực (cơ quan nội chính, ngành văn hóa, ngoại giao...). Tại các hội nghị này, các tổ chức có chức năng, nhiệm vụ tương đồng, cùng phát huy trách nhiệm, trí tuệ xây dựng chương trình hành động chung và báo cáo chương trình riêng để phối hợp triển khai thực hiện một cách nhẹ nhàng, bảo đảm thực chất, tránh chồng chéo. Đây được xem là tín hiệu mới, bảo đảm cho việc phát huy sức mạnh của các tổ chức thành viên trong HTCT, góp phần đổi mới, xây dựng HTCT ngang tầm yêu cầu, nhiệm vụ mới. Trên cơ sở đánh giá một cách toàn diện, khách quan cả về thành tựu và những hạn chế, yếu kém, đồng thời phân tích cụ thể nguyên nhân của công tác xây dựng Đảng và HTCT, Tổng Bí thư đã định hướng các giải pháp cụ thể cần tập trung thực hiện. Do vậy, mỗi bài viết, bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trước khi được tổng hợp vào cuốn sách “Một số vấn đề lý luận về CNXH và con đường đi lên CNXH” đã được toàn Đảng, toàn dân, đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đón nhận, hưởng ứng, cụ thể hóa thành chương trình hành động và quyết tâm thực hiện nhằm tạo bước chuyển biến mới, mạnh mẽ và đạt hiệu quả cao hơn. Đây chính là cơ sở khẳng định giá trị, ý nghĩa của cuốn sách, cùng những quan điểm, tư duy chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được lan tỏa sâu rộng và sớm đi vào thực tiễn cuộc sống./. |