Công chức Hải quan quản lý hàng tư- Cục Hải quan TP.HCM hướng dẫn DN. Ảnh: Thu Hòa Bà Phan Thị Thắng, Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM cho biết, năm 2017, TP.HCM được phân bổ thu ngân sách nhà nước 347.882 tỉ đồng, tăng 15,79% so với dự toán năm 2016. Trong đó, các khoản thu nội địa là 226.482 tỉ đồng, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu là 109.000 tỉ đồng và thu từ dầu thô là 12.400 tỉ đồng.
Tổng chi ngân sách thành phố năm 2017 là 70.646 tỉ đồng, với một số khoản chi chủ yếu: chi cho đầu tư phát triển 25.164 tỉ đồng, chi thường xuyên 34.200 tỉ đồng, chi trả lãi vay 1.511 tỉ đồng, chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính 11,4 tỉ đồng, chi dự phòng ngân sách 2.400 tỉ đồng, chi từ nguồn bổ sung theo mục tiêu của ngân sách trung ương 7.377 tỉ đồng.
Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM Nguyễn Hữu Nghiệp cho biết, có nhiều giải pháp để hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách, tuy nhiên giải pháp căn cơ, lâu dài nhất vẫn là nuôi dưỡng nguồn thu. Hiện nay, tại cảng Cát Lái TP.HCM có lưu lượng hàng hóa XNK chiếm 80% khối lượng của TP.HCM và 60% khối lượng của cả nước. Chính vì thế, cần có những giải pháp hỗ trợ phát triển hoạt động XNK tại cảng như phân luồng, tuyến; giải quyết nạn kẹt xe vào cảng…
Theo ông Nguyễn Hữu Nghiệp, trong năm 2017, Cục Hải quan TP.HCM đẩy mạnh hai giải pháp, gồm: tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp qua hải quan; đẩy mạnh chống buôn lậu và gian lận thương mại. Trong đó sẽ cùng doanh nghiệp thiết lập cơ chế trao đổi, cung cấp thông tin về hành vi gian lận thương mại, đồng thời tạo điều kiện thông thoáng tốt nhất cho doanh nghiệp.
Liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp, lãnh đạo Cục Thuế TP.HCM cho biết, đơn vị đang tập trung các giải pháp hỗ trợ hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành doanh nghiệp; xây dựng Trung tâm hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Bên cạnh đó, Cục Hải quan và Cục Thuế TP.HCM triển khai nhiều giải pháp chống thất thu ngân sách nhà nước. Trong đó, tập trung công tác phát hiện, thu thuế đối với việc chuyển nhượng các dự án, thương hiệu, vốn của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; quyết liệt thu hồi nợ thuế…
Theo đại diện Cục Thuế TP.HCM, hiện số nợ thuế tại Cục Thuế TP.HCM khoảng 9.000 tỷ đồng, năm 2017, Cục Thuế TP.HCM sẽ phấn đấu thu hồi trên 50% số nợ thuế.
Hiện nay, số nợ thuế tại Cục Hải quan TP.HCM là trên 2.200 tỷ đồng, trong đó nợ không có khả năng thu trên 1.300 tỷ đồng. Lãnh đạo Cục Hải quan TP.HCM giao thủ trưởng từng chi cục có phát sinh nợ thuế có trách nhiệm rà soát và xem xét các khoản nợ thuế tại đơn vị mình; đặt mục tiêu và chỉ tiêu cụ thể để xử lý trong năm 2017.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến đề nghị Sở Tài chính TP.HCM quản lý hiệu quả nguồn chi ngân sách, tài sản công… Trong đó, hạn chế mua, tăng thuê tài sản phục vụ công việc. “Những trang thiết bị nào, nhất là trang thết bị về công nghệ thông tin có thể thuê để phục vụ công việc được thì nên thuê, bởi vì vừa thuận lợi, vừa tiết kiệm cho ngân sách. Đối với xe công, chỉ thực hiện việc mua xe chuyên dùng, không mua xe mới phục vụ cho nhu cầu đi lại. Đơn vị nào thiếu thì điều chuyển từ đơn vị khác sang, hoặc xem xét thực hiện khoán”- ông Trần Vĩnh Tuyến nhấn mạnh.
Sở Tài chính thống kê toàn bộ các cơ sở nhà, đất thuộc TP.HCM quản lý, đang cho các doanh nghiệp thuê hoặc tổ chức kinh doanh sai phép, trái phép để thu hồi tạo nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông TP.HCM.
Ngoài ra, UBND TP.HCM cũng giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương TP.HCM, UBND các quận, huyện và các sở ngành liên quan tiếp tục kiểm tra, rà soát các mặt bằng nhà đất dôi dư do các đơn vị bỏ trống, sử dụng không đúng mục đích và không hiệu quả để bố trí cho các đơn vị tham gia Chương trình bình ổn thị trường đầu tư xây dựng làm cửa hàng, siêu thị, phát triển mạng lưới thương mại trên địa bàn TP.HCM. |