Các diễn giả trình bày tại hội thảo. Ảnh: H.Y Sáng 25/5,Gánhkèo+nhà+cái+5 Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), thuộc Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, dưới sự hỗ trợ của Tổ chức Oxfam, đã công bố Báo cáo Công bằng thuế Việt Nam 2017.
Hiện đại hoá nhanh hệ thống thuế, hải quan
Báo cáo dựa trên cơ sở áp dụng khung nghiên cứu và bộ công cụ Giám sát Công bằng thuế (Fair Tax Monitor Index - FTM) do Oxfam toàn cầu xây dựng và chuẩn hoá. Công bằng trong huy động và sử dụng nguồn lực từ thuế là một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu ở tất cả các quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, đánh giá tính công bằng của thuế luôn là công việc khó khăn và không phải lúc nào cũng có sự đồng thuận. Báo cáo được kỳ vọng sẽ đóng góp tích cực cho hoạt động tham vấn và vận động chính sách về công bằng thuế tại Việt Nam.
Trình bày báo cáo, PGS.TS Vũ Sỹ Cường cho biết, nhìn tổng quan, hệ thống thuế hiện tại ở Việt Nam là tương đồng với các quốc gia có nền kinh tế thị trường lâu đời trên thế giới. Theo Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2015, các nguồn thu ngân sách của Việt Nam đều tuân thủ các quy định chung của cấp trung ương. Các địa phương không được tự ý đề xuất các khoản thuế, phí và lệ phí. Các nguồn thu, nhất là thuế, phí và lệ phí đều có văn bản luật quy định và hướng dẫn thực thi thống nhất trên toàn quốc. Quy mô tương đối của NSNN so với GDP có xu hướng giảm: tổng thu NSNN chiếm khoảng 24%GDP (năm 2016) thấp hơn mức 30% GDP (năm 2006). Tương tự, số thu thuế giảm từ mức 24% GDP (2006 - 2008) xuống mức 18% GDP (2014 - 2016).
Theo bộ câu hỏi FTM, Việt Nam được đánh giá khá cao về tính đầy đủ của nguồn thu ngân sách. Tuy nhiên, báo cáo vẫn thấy có nhiều điểm đáng lưu tâm về vấn đề này. Các khoản thu về phí và lệ phí (trừ phí trước bạ) chiếm gần 10% tổng thu ngân sách (năm 2016). Khoản thu về đất ngoài thuế tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong tổng thu ngân sách (cao nhất lên tới 11% tổng thu ngân sách). Trong nguồn thu này, thu về tiền sử dụng đất chiếm khoảng 80%.
Bên cạnh đó, vấn đề trốn tránh thuế và quản lý thuế của Việt Nam cũng được xem xét trong báo cáo. Trong một thập kỷ qua, Việt Nam giành rất nhiều nguồn lực cho ngành Thuế, đặc biệt là đầu tư về hệ thống thông tin. Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan đã có hệ thống thông tin rất hiện đại và vượt xa so với các cơ quan khác và cung cấp các phần mềm để khai thuế, hoàn thuế và đóng thuế qua Internet. Ngành Thuế đang trong lộ trình giảm bớt số nhân viên và sáp nhập các chi cục thuế nhỏ ở địa phương với nhau.
Theo báo cáo, chính sách thuế tốt khi được thiết kế và áp dụng với ít ngoại lệ nhất. Song nghiên cứu của Oxfam (2016) cho thấy miễn giảm thuế của Việt Nam vẫn rất nhiều, nhất là đối với thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN). Nhiều tập đoàn đa quốc gia khi đầu tư vào Việt Nam có thể hưởng mức thuế suất là 10%, thấp bằng một nửa so với mức thuế suất phổ thông là 20%. Việc tránh thuế của các tập đoàn đa quốc gia cũng diễn ra khá nhiều và mới được điều tra xử lý từ năm 2010. Khoản ngân sách bị thất thu do ưu đãi thuế cũng chưa được thống kê và báo cáo.
Chi cho y tế, giáo dục tăng nhanh
Về tính công bằng trong chi tiêu công, chi ngân sách ở Việt Nam cho những dịch vụ công cơ bản như giáo dục và y tế ở Việt Nam cũng được đánh giá khá tốt. Chi cho giáo dục đang tăng nhanh về số chi và ổn định về tỷ trọng. Từ năm 2014 - 2016, chi cho giáo dục chiếm khoảng 25% tổng thu thuế, khoảng 22% chi thường xuyên, khoảng 20% tổng thu NSNN và khoảng 4% GDP. Việt Nam có nhiều chính sách chi tiêu để nhóm người yếu thế tiếp cận với giáo dục như miễn giảm học phí, hỗ trợ lương thực. Khi phân bổ ngân sách cho giáo dục, định mức dành cho các tỉnh miền núi, miền cao và hải đảo có hệ số cao hơn các tỉnh vùng đồng bằng. Học phí cho tất cả học sinh tiểu học trên cả nước được miễn.
Về y tế, chi cho y tế đang tăng về số chi và tỷ trọng nhất là sau năm 2015. Năm 2016, chi cho y tế chiếm hơn 9% tổng thu thuế, hơn 8% chi thường xuyên của NSNN, gần 7% tổng thu NSNN và 1,7% GDP. Việt Nam có nhiều chính sách hỗ trợ việc tiếp cận y tế (mua thẻ bảo hiểm y tế) cho nhóm người yếu thế. Khi phân bổ NSNN, định mức chi cho y tế trên một đầu dân của miền núi và hải đảo cao hơn 1,3 đến 1,9 lần so với vùng khác. Y tế Việt Nam được đánh giá khá tốt trong khu vực ASEAN.
Sớm tách chính sách xã hội ra khỏi chính sách thuế
Góp ý kiến cho báo cáo, ông Vũ Danh Hiệp, Vụ Tài chính ngân sách, Văn phòng Quốc hội cho rằng, cần có đánh giá lại về việc lồng ghép nhiều chính sách xã hội vào chính sách thuế, dẫn đến số người nộp thuế không lớn trong tổng số hơn 90 triệu người dân. Hệ thống thuế của Việt Nam đang gánh nhiều nhiệm vụ, mục tiêu, từ thu hút đầu tư đến an sinh xã hội, mà đến nay cần phải đánh giá lại để làm rõ những chính sách ưu đãi giai đoạn trước hiệu quả ra sao.
Đồng tình với ý kiến này, chuyên gia Nguyễn Văn Phụng cho biết hệ thống thuế Việt Nam hiện đang gánh nhiều hệ luỵ từ các chính sách ưu đãi cả từ giai đoạn trước, như chính sách trải thảm đỏ thu hút đầu tư. Trước đây, có thời kỳ các giấy phép đầu tư ghi rõ cả mức thuế suất ưu đãi cho nhà đầu tư chỉ 19 - 20% trong khi doanh nghiệp (DN) trong nước đang chịu mức 32%, có dự án ưu đãi đến hết đời.
Tại báo cáo, các chuyên gia cũng có khuyến nghị rà soát lại chính sách miễn giảm thuế với các DN, nhất là DN FDI và công bố công khai để tính toán được phần thuế bị mất đi do miễn giảm thuế. Đồng thời, giữ vững hướng cải cách tách các chính sách xã hội ra khỏi chính sách thuế./. Hoàng Yến |