Ngày 15/3: Cà phê tiếp tục giảm 600 đồng/kg, giá tiêu trầm lắng |
Giá cà phê tiếp tục giảm
Tại thị trường trong nước, khảo sát vào lúc 7h40 trên trang giacaphe.com ghi nhận mức giảm 600 đồng/kg. Hiện các địa phương tiếp tục thu mua cà phê với giá trong khoảng 46.500 - 46.900 đồng/kg.
Cụ thể, tỉnh Lâm Đồng có mức giá thấp nhất là 46.500 đồng/kg. Kế đến là Gia Lai và Đắk Nông với cùng mức 46.800 đồng/kg; tại tỉnh Đắk Lắk duy trì ở mức 46.900 đồng/kg. Đây là mức cao nhất trong các địa phương được khảo sát.
Trên thị trường thế giới, khảo sát vào lúc 6h25 (giờ Việt Nam), giá cà phê trực tuyến robusta tại London giao tháng 5/2023 được ghi nhận mức 2.080 USD/tấn sau khi giảm 1,56% (tương đương 33 USD); cà phê arabica giao tháng 5/2023 tại New York đạt mức 175,45 US cent/pound sau khi giảm 2,09% (tương đương 3,75 US cent).
Giá tiêu xuất khẩu có xu hướng tăng
Sau hơn 1 tuần đi ngang, giá tiêu tại một số địa phương đang rục rịch bước vào đợt tăng mới. Thông tin khảo sát được cho thấy, trong ngày 14/3 giá tiêu tại Đắk Lăk, Đắk Nông và Gia Lai đã tăng thêm 500 đồng/kg so với ngày trước đó.
Hai tỉnh Gia Lai và Đồng Nai đang ghi nhận mức giá lần lượt là 63.500 đồng/kg và 64.000 đồng/kg; Đắk Lắk và Đắk Nông cũng duy trì thu mua ở mức giá 64.500 đồng/kg. Tương tự, tại Bình Phước và Bà Rịa - Vũng Tàu cũng được thu mua với giá 65.500 đồng/kg và 66.000 đồng/kg.
Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, giá tiêu tại các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam Bộ đã tăng hơn 10% (6.000 - 6.500 đồng/kg), lên mức 64.000 - 66.000 đồng/kg.
Theo các chuyên gia trong ngành tiêu, nhu cầu tăng cao từ thị trường Trung Quốc là yếu tố chính thúc đẩy giá tiêu đi lên trong thời gian qua, ngay cả trong thời điểm chính vụ thu hoạch, nguồn cung dồi dào.
Theo thống kê bộ sơ bộ của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), Việt Nam đã xuất khẩu 40.814 tấn hồ tiêu trong 2 tháng đầu năm với kim ngạch 128,6 triệu USD, tăng 33% (10.138 tấn) về lượng nhưng giảm 9% tương đương 12,7 triệu USD về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái.
Trung Quốc đã vượt qua Mỹ để trở thành thị trường xuất khẩu tiêu lớn nhất của Việt Nam với 10.209 tấn, tăng 8,6 lần so với cùng kỳ năm ngoái và bằng một nửa lượng tiêu mà Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này trong cả năm ngoái.
Thị phần của Trung Quốc trong tổng xuất khẩu tiêu của Việt Nam theo đó đã tăng lên mức 25% so với khoảng 4% của cùng kỳ năm 2022.
Tính riêng trong tháng 2, khối lượng xuất khẩu sang Trung Quốc ghi nhận mức cao nhất kể từ tháng 6/2020 với 8.485 tấn, tăng 392,2% so với tháng 1 và chiếm 30,1% thị phần xuất khẩu.
Trên thị trường thế giới, cập nhật từ Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC) ngày 14/3 (theo giờ địa phương) cho thấy, giá tiêu thế giới so với ngày 13/3 như sau: Tiêu đen Lampung (Indonesia): ở mức 3.493 USD/tấn, giảm 0,06%; tiêu đen Brazil ASTA 570: ở mức 3.000 USD/tấn, không đổi; tiêu đen Kuching (Malaysia) ASTA: ở mức 4.900 USD/tấn, không đổi; tiêu trắng Muntok: ở mức 6.014 USD/tấn, giảm 0,05%; tiêu trắng Malaysia ASTA: ở mức 7.300 USD/tấn, không đổi.
Theo quan sát, giá tiêu thị trường thế giới có xu hướng tích cực trong tháng đầu tiên của năm 2023 và 15 ngày đầu tháng 2.
Đối với thị trường Brazil, giá tiêu đen ASTA 570 tăng mạnh 12% trong tháng 1 và tăng thêm 5,4% trong nửa đầu tháng 2, lên mức 2.950 USD/tấn.
Giá cao su biến động trái chiều
Tại thời điểm khảo sát vào lúc 6h15 ngày 15/3 (giờ Việt Nam), giá cao su kỳ hạn giao tháng 3/2023 trên Sở giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM) đạt mức 199,8 yen/kg, tăng 1,42% (tương đương 2,8 yen/kg) tại thời điểm khảo sát vào lúc
Trên Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE), giá cao su RSS3 giao kỳ hạn tháng 3/2023 được điều chỉnh xuống mức 11.825 Nhân dân tệ/tấn, giảm 0,04% (tương đương 5 Nhân dân tệ) so với giao dịch trước đó.
Theo European Rubber Journal, các giao dịch mang tính đầu cơ và thanh lý dài hạn đã đẩy giá cao su xuống dốc trong bối cảnh các hoạt động mua bán diễn ra sôi nổi.
Cụ thể, trụ sở tại Tokyo của Công ty Japan Exchange Group (JPX) cho biết, giá cao su kỳ hạn của Tokyo đã giảm mạnh tại tất cả các sàn giao dịch cao su chính trong tuần giao dịch kết thúc vào ngày 10/3.
Có thể thấy, áp lực bán đã thể hiện rõ ràng tại thị trường Nhật Bản, nơi giá cao su kỳ hạn giảm đến 4,6% ở Sở giao dịch hàng hóa Osaka Exchange (OSE), theo báo cáo giao dịch vào ngày 13/3.
Tương tự, xu hướng giảm cũng được ghi nhận trên các Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE) và Sàn giao dịch năng lượng quốc tế Thượng Hải (INE) của Trung Quốc.
Theo đó, giá cao su kỳ hạn tại sàn SHFE và sàn INE đã giảm lần lượt 4% và 4,5% trong tình hình giao dịch mua bán diễn ra với cường độ cao.
Trong khi đó, tại Singapore, các nhà phân tích cho rằng, tình hình “thanh lý dài hạn và bán cắt lỗ trong bối cảnh khối lượng giao dịch sôi động” có ảnh hưởng đến mức giảm 5,9% của hợp đồng cao su kỳ hạn tại Sàn giao dịch Singapore (SICOM)./.