【tỷ số europa league】Nhìn thẳng vào mảng tối “chứng trường“
Vàng thau lẫn lộn
Từ 2 doanh nghiệp niêm yết với vốn hóa 986 tỷ đồng năm 2000, tính đến cuối tháng 7/2018, trên cả 2 Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và TP.HCM (HOSE) đã có 740 doanh nghiệp niêm yết. Trên sàn đại chúng chưa niêm yết (UPCoM) số lượng doanh nghiệp đăng ký giao dịch cũng lên đến con số 761.
Số liệu từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho biết, dù giảm mạnh trong quý II/2018, vốn hóa thị trường cổ phiếu đến cuối tháng 6/2018 vẫn đạt 3.889 nghìn tỷ đồng, tương đương 77,7% GDP.
Những kết quả trên cho thấy, sự phát triển của TTCK suốt 18 năm qua, nhất là sau khi quy định doanh nghiệp đại chúng phải niêm yết/đăng ký giao dịch và việc cổ phần hóa gắn với lên sàn, bán vốn, thoái vốn nhà nước diễn ra sôi động trong những năm gần đây. Tuy vậy, việc ồ ạt lên sàn cùng những biến động của thị trường và nền kinh tế cũng tạo ra đủ loại cổ phiếu với chất lượng từ “thượng vàng” đến “hạ cám”.
Nếu như tính trên sàn niêm yết đến cuối tháng 7/2018, có 23 doanh nghiệp đạt quy mô vốn hóa trên 1 tỷ USD, đều là những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, có thương hiệu, thị phần dẫn đầu ngành như Vinamilk, Sabeco, Masan, Petrolimex…, chiếm 3,1% số cổ phiếu niêm yết, thì ngược lại, có tới 38% số doanh nghiệp đang giao dịch dưới mệnh giá, thậm chí 43 cổ phiếu có thị giá chưa tới 2.000 đồng/cổ phiếu.
Trên sàn UPCoM, theo công bố của HNX, đến ngày 18/7/2018, danh sách chứng khoán trong diện cảnh báo nhà đầu tư lên đến 97 mã, chiếm 12,7% tổng số cổ phiếu đăng ký.
Phần lớn trong số này đều kinh doanh kém hiệu quả, bị cảnh báo, kiểm soát, hạn chế giao dịch…, đối diện án hủy niêm yết, tính minh bạch bị đặt nhiều dấu hỏi.
Tại nhiều doanh nghiệp, tin tức duy nhất nhà đầu tư tiếp xúc được chỉ là những báo cáo định kỳ, mà không phải lúc nào cũng đủ nội dung, số liệu hoặc cung cấp được thông tin chất lượng.
Đến nay, câu chuyện MTM của CTCP Mỏ và xuất nhập khẩu khoáng sản Miền Trung làm giả chứng từ, lập khống hồ sơ để lên sàn năm 2017 vẫn là nỗi ám ảnh với không ít nhà đầu tư.
Dù hồ sơ đã được chuyển sang Viện Kiểm sát vào tháng 4/2018 sau gần 1 năm cơ quan điều tra vào cuộc, nhưng nhà đầu tư mắc kẹt với MTM chưa biết bao giờ mới có thể thu hồi phần tài sản bị mất hay biết khả năng thu hồi được bao nhiêu.
Cũng trong vụ án MTM, còn có 5 doanh nghiệp niêm yết gồm: CTCP Đầu tư khoáng sản Tây Bắc (KTB); CTCP Khoáng sản và luyện kim màu (KSK); CTCP Khoáng sản Hòa Bình (KHB); CTCP Luyện kim Phú Thịnh (PTK); CTCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (FID) liên quan đến việc mua bán hóa đơn tạo doanh thu, lợi nhuận ảo với MTM, khiến chất lượng số liệu tài chính bị đặt dấu hỏi lớn. Đến nay, một số doanh nghiệp kể trên đã hủy niêm yết, số khác kinh doanh yếu kém, thị giá còn chưa đầy 1.000 đồng/cổ phiếu.
MTM là ví dụ cho thấy, chỉ một chút sơ sẩy, cổ phiếu yếu kém sẽ trở thành “cái bẫy” với nhà đầu tư. Hiện nay, dù sự sàng lọc, rà soát diễn ra mạnh mẽ với 20 - 30 doanh nghiệp phải rời sàn mỗi năm (riêng trong 6 tháng đầu năm 2018 đã có 16 cổ phiếu bị hủy niêm yết mà phần lớn do vi phạm công bố thông tin, kinh doanh thua lỗ…). Vậy nhưng, số doanh nghiệp bị đặt dấu hỏi về chất lượng vẫn còn rất lớn.
Vi phạm về công bố thông tin gia tăng
Công bố thông tin (CBTT) là một trong những hoạt động quan trọng nhất mà doanh nghiệp và cổ đông nội bộ phải thực hiện để đảm bảo tính công bằng, minh bạch của TTCK, tạo niềm tin với nhà đầu tư. Vậy nhưng, dù thị trường đang tăng trưởng, các vi phạm liên quan đến CBTT vẫn không ngừng gia tăng.
Thống kê của UBCK cho biết, nếu như giai đoạn 2010 - 2016, cơ quan này đã ra hơn 1.000 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trên TTCK, thì trong năm 2017, con số này đã tăng mạnh với 214 quyết định xử phạt 80 cá nhân và 134 tổ chức. Riêng từ đầu năm đến hết ngày 16/7/2018, đã có 57 cá nhân và 64 tổ chức bị UBCK xử phạt. Trong đó, phần lớn lỗi vi phạm liên quan đến CBTT.
Với nhóm vi phạm cá nhân, phổ biến rơi vào các cổ đông nội bộ, cổ đông lớn và người có liên quan. Đây là những người có lợi thế hiểu rõ và có khả năng tiếp cận sớm các thông tin về doanh nghiệp, giúp họ có khả năng giao dịch trước thị trường để thu lợi ích, trong khi có thể gây thiệt hại cho những nhà đầu tư biết thông tin sau.
Để ngăn ngừa hành vi giao dịch nội gián, cơ quan quản lý đã luật hóa quy định bắt buộc cổ đông lớn, cổ đông nội bộ phải CBTT trước và sau giao dịch. Tuy vậy, vi phạm không CBTT, công bố chậm trễ hoặc không chính xác của nhóm này lại có xu hướng ngày càng tăng. Khi đi kèm với biến động bất thường của cổ phiếu trên thị trường, nhà đầu tư không khỏi đặt câu hỏi liệu có sự vô tình hay hữu ý tại những vi phạm này.
Mới nhất, ngày 11/7/2018, bà Phan Thị Thu Thảo - Thành viên HĐQT CTCP Đầu tư địa ốc Khang An (KAC) đã bị UBCK phạt 45 triệu đồng do đã bán 172.630 cổ phiếu KAC từ ngày 21/3/2017 đến ngày 28/3/2017 nhưng không thông báo trước giao dịch. Trong thời gian này, KAC đã có 5/6 phiên tăng kịch trần với tổng mức tăng 46,4%.
Với nhóm doanh nghiệp, phổ biến là lỗi chậm CBTT hoặc công bố không đúng thời hạn theo quy định. Thậm chí có trường hợp được xác định CBTT sai sự thật hoặc cố tình không CBTT dù nhiều lần bị nhắc nhở, dẫn đến hạn chế giao dịch, hủy niêm yết.
Chỉ mới đầu tháng 7/2018, cổ phiếu KSA của CTCP Công nghiệp khoáng sản Bình Thuận và CDO của CTCP Tư vấn thiết kế và phát triển đô thị đã bị HOSE cảnh báo nguy cơ hủy niêm yết do vi phạm về CBTT. Trước đó, cả hai đã bị tạm ngừng giao dịch cũng bởi không tuân thủ quy định CBTT.
Ngày 17/5/2018, HNX đã phải nhắc nhở toàn thị trường với 32 doanh nghiệp chậm công bố báo cáo tài chính kiểm toán 2017. Đến ngày 22/5/2018, 17 doanh nghiệp trên UPCoM đã phải ngừng giao dịch do chậm công báo cáo tài chính quá 45 ngày so với quy định.
Một trường hợp phổ biến khác là công bố báo cáo tài chính có những sai lệch giữa trước và sau kiểm toán, có khi sai lệch lên đến hàng chục, hàng trăm tỷ đồng, lãi thành lỗ…gây thiệt hại không nhỏ cho nhà đầu tư giao dịch theo thông tin sai lệch, nhưng phần lớn đến nay chưa có chế tài xử phạt.
Đội lái và đặc sản tin đồn
Là một trong những nhóm vi phạm nghiêm trọng, có thể gây thiệt hại lớn và luôn được cơ quan quản lý giám sát, tìm cách phát hiện, ngăn chặn trên TTCK với khung hình phạt thuộc nhóm nặng nhất từ xử lý hành chính đến xử lý hình sự, tuy nhiên, tình trạng thao túng, làm giá chứng khoán có xu hướng gia tăng cùng với diễn biến sôi động của thị trường.
Trong 6 tháng đầu năm 2018, UBCK đã ban hành 2 quyết định xử phạt về hành vi thao túng giá. Đầu tiên là ngày 15/4/2018, ông Đức Minh Đạo (Hà Nội) đã bị phạt 550 triệu đồng do thao túng cổ phiếu của CTCP Dầu thực vật Sài Gòn (SGO) trong thời gian từ ngày 16/12/2015 đến 15/7/2016 thông qua 15 tài khoản khác nhau tại 3 công ty chứng khoán. Trong giai đoạn này, SGO đã giảm một mạch từ 14.000 đồng/cổ phiếu khi niêm yết về chưa đầy 2.000 đồng/cổ phiếu.
Trước đó, ngày 26/1/2018, UBCK ban hành Quyết định xử phạt với bà Lương Thị Thu (Hà Nội) 550 triệu đồng do đã sử dụng 29 tài khoản để liên tục mua, bán, thao túng cổ phiếu của CTCP Tài nguyên (TNT) từ ngày 23/12/2015 đến 10/10/2016. Trong giai đoạn này, giá TNT đã tăng từ 15.900 đồng/cổ phiếu lên trên 30.000 đồng/cổ phiếu, sau đó giảm về chưa đầy 2.000 đồng/cổ phiếu.
Đi kèm với đội lái là những tin đồn đã trở thành một “đặc sản” của TTCK Việt Nam. Tin đồn có thể giúp thị giá cổ phiếu tăng hàng chục, hàng trăm phần trăm trong thời gian ngắn dù doanh nghiệp làm ăn ngày càng thua lỗ, án hủy niêm yết đã cận kề. Ngược lại, cũng có thể khiến cổ phiếu của doanh nghiệp đang làm ăn bình thường lao vào chuỗi giảm sàn ồ ạt.
Những cơn sóng bạo phát, bạo tàn từ tin đồn khiến nhà đầu tư thua lỗ nặng khi mua phải cổ phiếu yếu kém với “giá trên trời” chỉ vì nghe theo viễn cảnh mà đội lái đã tung ra, gây ra các biến động bất thường, bất ổn cho thị trường, làm giảm lòng tin với doanh nghiệp và thị trường.
Những năm qua, không ít trường hợp đã bị UBCK ra quyết định xử phạt với mức phạt lên đến hàng trăm triệu đồng, thậm chí khởi tố hình sự như trường hợp thao túng giá của nguyên Giám đốc Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đông Á Chi nhánh Hà Nội tại CDO (khởi tố tháng 12/2017), nhưng dường như các “tay to” vẫn chưa biết sợ trước những món lợi quá lớn mà hành vi này có thể mang lại.
Hướng đến tương lai
Sau 18 năm kể từ phiên giao dịch đầu tiên, TTCK Việt Nam đã đạt được những bước tiến về mọi mặt, từ số lượng doanh nghiệp niêm yết, số lượng nhà đầu tư đến những cơ chế giao dịch, sản phẩm dịch vụ. Nhưng ngược lại, không thể phủ nhận, TTCK vẫn còn khoảng cách với những thị trường phát triển với quy định, chế tài còn nhiều điểm cần hoàn thiện.
Chẳng hạn, bên cạnh tình trạng vàng thau lẫn lộn, vi phạm pháp luật về chứng khoán, đến nay, TTCK Việt Nam vẫn chưa cho phép giao dịch cổ phiếu trong ngày, chưa có phương tiện cho vay chứng khoán… Sự thiếu hụt công cụ quản lý rủi ro trạng thái khiến các thành viên, nhà tạo lập thị trường và các nhà đầu gần như chịu trận trong giai đoạn giảm điểm.
Ngay chiến dịch thực hiện mục tiêu nâng hạng TTCK từ cận biên lên mới nổi nhằm thu hút nguồn vốn ngoại và tăng hình ảnh thị trường tài chính quốc gia, mặc dù được khởi động từ năm 2014, nhưng hiện vẫn còn nhiều vướng mắc, từ chính sách mở giới hạn sở hữu khối ngoại, CBTT, cho tới bình đằng giữa những nhà đầu tư trong và ngoài nước…
Bước qua tuổi 18, ghi nhận nỗ lực và những kết quả đã đạt được, nhìn nhận và khắc phục điểm yếu, từng bước hoàn thiện các cơ chế giao dịch, quản lý, giám sát cũng như sản phẩm sẽ là cách duy nhất để đưa TTCK ngày càng phát triển vững mạnh, trở thành một kênh dẫn vốn trung - dài hạn cho doanh nghiệp, một kênh đầu tư hiệu quả cho dòng tiền của các tổ chức, cá nhân trong nền kinh tế.