Hội đồng Thẩm phán giữ nguyên án Tử hình đối với Hồ Duy Hải | |
VKSND Tối cao đề nghị thực nghiệm lại hiện trường vụ án Hồ Duy Hải | |
Quốc hội thông qua Nghị quyết về công tác tư pháp |
Những phát biểu của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng một lần nữa làm dậy sóng phiên thảo luận của Quốc hội. |
Không nên phủi sạch trơn nền tư pháp
Đăng ký phát biểu từ khá sớm, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) đề cập thẳng tới vấn đề cải cách tư pháp.
Ông cho biết: “Bản thân là một trong những người làm công tác pháp luật mấy chục năm nay, từng tham mưu cho công tác cải cách tư pháp. Những ngày qua tôi nhận được nhiều tin nhắn của cử tri, trong đó có nhiều cán bộ cấp cao đã nghỉ hưu nói rằng chưa từng bao giờ thấy niềm tin vào nền tư pháp Việt Nam thấp như lúc này".
Dẫn chứng từ vụ việc xét xử Hồ Duy Hải, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho hay đã thức cả đêm để xem từng bản ảnh của vụ án và phát hiện rất nhiều vấn đề sai sót về tố tụng và thấy cần lên tiếng.
Ông khuyến cáo "đừng đổ lỗi cho các đại biểu Quốc hội đi làm rối vấn đề, sự việc và cần có sự giám sát chặt chẽ hơn nữa với công tác tư pháp" đồng thời đề nghị có chuyên đề riêng về giải quyết các vụ án nghiêm trọng trong tư pháp.
Tranh luận với đại biểu Nhưỡng, đại biểu Nguyễn Văn Quyền (Cần Thơ) cũng chính là Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam cho rằng không nên đánh giá hoạt động của cơ quan tư pháp thời gian gần đây là "tệ hại".
"Hoạt động tư pháp thời gian qua tuy có cái sai, có việc làm chưa tốt nhưng trong mấy chục năm thực hiện cải cách tư pháp đến bây giờ tôi khẳng định có thành tựu góp phần ổn định trật tự xã hội. Nếu chỉ có một vài vụ việc để đánh giá cơ quan tư pháp với thái độ như thế thì không nên" – ông Quyền nói.
Cũng theo vị này, vấn đề quan trọng nhất bây giờ là làm sao để các cơ quan tư pháp cùng nhau sửa sai, tồn tại, khuyết điểm để hoạt động tư pháp tốt hơn, tránh oan sai cho người dân.
Cùng giơ biển tranh luận với ý kiến của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) nói: Nhận định chưa bao giờ niềm tin vào tư pháp thấp đến thế là nhận định phủ định sạch trơn nền tư pháp, nhất là những phản ánh mà đại biểu Nhưỡng nhận được lại tiếp nhận qua điện thoại, có được coi là thông tin cơ sở hay không?
Cá nhân đại biểu Cương chia sẻ: “Tôi cũng nhận được ý kiến của một số phóng viên hỏi tôi ý kiến về vụ án này, vụ án khác mà tôi nói xin lỗi vì không được nghiên cứu hồ sơ, theo dõi vụ việc đến đầu đến cuối và cũng không được cung cấp tài liệu chính thống của ngành nên tôi không thể phát biểu được”. Từ đó, ông Cương cho rằng, cần phải có cơ chế thông tin đến các đại biểu Quốc hội một cách chính thống để khi thảo luận đưa ra nhận định chính xác.
Phản hồi lại ngay sau đó, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đồng tình với ý kiến cần có cơ chế cung cấp thông tin cho đại biểu Quốc hội bởi “tôi biết còn nhiều việc chặn thông tin đến đại biểu, trong đó có cá nhân tôi" - ông Nhưỡng nói.
Tuy nhiên, thông tin này ngay sau đó đã được Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phủ định. Ông cho rằng không có chủ trương nào "chặn thông tin đến đại biểu Quốc hội cả và nếu có đại biểu cung cấp cho Đoàn Chủ tịch biết".
Nhiều bằng chứng chứng minh Hồ Duy Hải có tội
Để làm rõ thêm, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình đã đăng đàn giải trình về một số vụ việc đại biểu đang băn khoăn, tranh luận, đặc biệt là vụ xét xử Hồ Duy Hải.
Trước hết, vụ án buôn lậu gỗ tại Quảng Trị có nhiều dấu hiệu oan sai, Chánh án khẳng định, đã chuyển hồ sơ vụ án đến Ủy ban Tư pháp của Quốc hội. Tòa tối cao đang chờ quyết định, nếu Quốc hội quyết định giám sát thì Ngành sẽ nghiêm túc phục vụ việc giám sát, nếu không thì chuyển sang giai đoạn thi hành án.
Vụ án Hồ Duy Hải mà dư luận đang hết sức quan tâm, Chánh án Nguyễn Hòa Bình khẳng định có nhiều bằng chứng chứng minh Hải phạm tội. Ông liệt kê: Bị cáo mô tả chính xác về các đồ vật tại hiện trường tại thời điểm xảy ra vụ án, cũng mô tả chính xác địa điểm phạm tội; chiếc thớt tìm thấy ở hiện trường phù hợp với lời khai và vết thương trên đầu nạn nhân; số tài sản Hải khai trùng khớp với điều tra thông tin từ gia đình nạn nhân; Hải cũng khai chính xác địa chỉ tiêu thụ tang vật.
Chỉ riêng con dao Hải dùng để sát hại 2 nạn nhân được bị cáo khai nhận là dắt vào cạnh tường và một tấm bảng. Theo ông Bình, cũng chỉ có Hải biết vị trí đó. Thực tế, có 3 người dân phòng đã vào thu dọn hiện trường, phun nước rửa, dỡ tấm bảng đó thì có một con dao rơi xuống nhưng không biết nên những người này đã hủy bỏ con dao.
“Không phải cơ quan chức năng mua dao ở chợ về, đưa vào hồ sơ vụ án làm hung khí mà là mua một loạt dao về thì Hải nhận diện đúng con dao sử dụng hôm làm hung khí. Dù lời khai có lúc khác nhau về độ dài ngắn, chi tiết cán dao… nhưng nhận diện của Hải về con dao là đúng” – Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quả quyết.
Ngoài ra, theo ông Bình, Hải có 25 lời khai nhận tội, lời khai nhận đầu tiên do chính Hải viết ra chứ không phải bản hỏi cung.
Trong quá trình giải quyết vụ án, vào những thời điểm quan trọng của vụ án, Hải đều nhận tội như khi nhận kết luận điều tra, nhận cáo trạng. Nhận bản án phúc thẩm, Hải cũng không kêu oan, chỉ xin giảm tội, xin được ân xá. Người kêu oan nhiều nhất là mẹ của Hải.
Lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao khẳng định, có nhiều chứng cứ khác không trình bày hết được trong thời gian giới hạn. Tòa tối cao sẵn sàng cung cấp đầy đủ thông tin, hồ sơ với bất cứ đại biểu nào quan tâm, có yêu cầu.