Theo Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, kết quả phục hồi kinh tế - xã hội khá nhanh, toàn diện trong 6 tháng đầu năm là sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, của việc HĐND TPHCM kịp thời ban hành các chính sách. Tuy nhiên, theo ông Mãi, TPHCM còn tồn tại 3 vấn đề đó là, lĩnh vực xây dựng, bất động sản, công nghiệp điện, điện tử phục hồi còn chậm. Việc cải cách thủ tục hành chính, giải quyết khó khăn vướng mắc tồn đọng của người dân, doanh nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu, cản trở rất nhiều công cuộc phục hồi kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó là tình hình khan hiếm nguyên vật liệu, lạm phát, tăng giá ảnh hưởng đời sống người dân Theo đó, trong 6 tháng cuối năm, TPHCM sẽ tập trung đến cải cách thủ tục hành chính. Cụ thể, trong tháng 7/2022, UBND TPHCM sẽ ban hành quy chế phối hợp trong giải quyết thủ tục hành chính, quy định trách nhiệm, thời gian, các vấn đề liên quan làm cơ sở kiểm tra, giám sát, tăng cường trách nhiệm công vụ từng cơ quan, cán bộ được giao giải quyết thủ tục; tăng cường thanh tra kiểm tra công vụ và xử lý vi phạm. Để giải quyết các vướng mắc khó khăn với người dân, doanh nghiệp, UBND TPHCM tiếp tục phát huy các tổ công tác, phân nhóm và giải quyết các vấn đề. Vừa qua UBND TPHCM đã cho ý kiến về gỡ vướng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở các dự án 20% nhà ở xã hội. Tới đây, hàng ngàn, chục ngàn hộ dân sẽ được cấp giấy chứng nhận. TPHCM cũng đang tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu chung, liên thông dữ liệu, nhất là các lĩnh vực nhiều hồ sơ như quy hoạch, tài nguyên và môi trường, xây dựng, kế hoạch, thuế. Nếu như đến năm 2025 hoàn thiện được cơ sở dữ liệu chung sẽ có thể điều hành trên nền tảng số, sẽ rất thuận lợi, nâng được năng suất hiệu quả. Ngoài ra, theo ông Phan Văn Mãi sau khi tổng kết Nghị quyết 54 cho thấy, việc triển khai cơ chế đặc thù chưa đạt kết quả cao, một số nội dung không được thực hiện quyết liệt. Khi Quốc hội ban hành dựa trên đề xuất của TPHCM, trao một số quyền cho thành phố với 18 nội dung thuộc 5 lĩnh vực quản lý gồm: đất đai; đầu tư; tài chính - ngân sách nhà nước; cơ chế uỷ quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, có hiệu lực từ 1/2018 đến hết 2022. Sau 4 năm, hầu hết chính sách đặc thù về quản lý tài chính nhằm tăng nguồn thu như cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, nguồn thu từ đấu giá tài sản công chưa được thành phố tận dụng. Theo ông Phan Văn Mãi, một trong những nguyên nhân khiến kết quả thực hiện cơ chế đặc thù không như mong đợi do nhiều vấn đề thành phố vẫn phải hỏi ý kiến bộ ngành và thời gian chờ rất lâu. Trong khi đó, bộ ngành lại yêu cầu thành phố xem xét theo quy định pháp luật chung mà không áp dụng cơ chế đặc thù như Nghị quyết. Hiện TPHCM đã có dự thảo mới thay thế Nghị quyết 54 và sẽ lấy ý kiến đại biểu Quốc hội, HĐND, chuyên gia, bộ ngành ở nửa đầu tháng 7. Trong tháng 8, thành phố sẽ báo cáo Bộ Chính trị để kịp thông qua ở kỳ họp Quốc hội cuối năm. Nếu làm được như kế hoạch, cơ chế đặc thù cho thành phố được thực hiện liên tục mà không bị gián đoạn, ông Phan Văn Mãi cho biết thêm. |