Sau các bước chuẩn bị về tài chính,ĐokinhXNotạochuyểnbiếnmạnhmẽvềnngnghiệnhận định metz máy xáng, khảo sát thực địa, năm 1901, Pháp tiến hành đào kinh (kênh) xáng Xà No.
Một góc kinh xáng Xà No ngày nay.
Đây là sáng kiến của hai điền chủ người Pháp có thế lực là Duval và Guery, trong khai thác cách đồng hoang vu rộng lớn giữa hai tỉnh Cần Thơ - Rạch Giá. Đâu chỉ có lợi ích về nông nghiệp, người Pháp còn nhìn xa hơn: Có con kinh này, một đường thủy chiến lược sẽ nối liền với sông Cái Lớn, ra Biển Tây; góp phần phá thế cô lập của vùng Rạch Giá với Nam Kỳ lục tỉnh.
Việc thực hiện đào kinh do công ty Pháp Montvenoux lãnh thầu, đem 4 chiếc máy xáng mang tên Loire, Nantes và Mỹ Tho 1, Mỹ Tho 2. Mỗi chiếc mạnh 350 mã lực, mỗi gàu lớn múc 375 lít, thổi bùn xa đến 60 thước.
Do việc đào kinh bằng cơ giới từ chiếc máy múc bùn đặt trên chiếc sà lan (người Việt đọc trại là xáng), nên kinh đào này gọi là kinh xáng. Về tên gọi Xà No, vì đây là địa điểm khởi đầu con kinh phía Cần Thơ. Máy đào cắt ngang rạch Xà No, nên dự án này cũng mang tên kinh Xà No, dù con kinh chạy dài xa tận Vị Thanh, Hỏa Lựu.
Tìm hiểu chi tiết cách đào kinh xáng Xà No, với các thông số kỹ thuật, mới thấy quy mô và công việc thực hiện khá đồ sộ; nhưng hết sức khó khăn của một công trình thủy nông vào bậc nhất của Nam Kỳ, sánh ngang với công trình đường xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho thời ấy.
Tuyến kinh có tổng chiều dài khoảng 45km, phía đất Cần Thơ 12km, phía đất Rạch Giá 33km theo một đường nước thẳng tắp, không có độ cong. Kinh được đào theo quy cách: Chiều sâu 2,5-9 thước, chiều rộng miệng trên 60 thước, dưới đáy 40 thước.
Chỉ trong 3 năm kinh xáng Xà No hoàn thành, phí tổn lên đến 3.680.000 quan Pháp. Lễ khánh thành diễn ra tại địa điểm Vàm Xáng đoạn kinh phía Cần Thơ, có viên quan toàn quyền Đông Dương và nhiều quan chức địa phương tới dự.
Đây là công trình chiến lược, nằm trong kế hoạch khai thác lớn của thực dân Pháp, trên phần đất rộng lớn giữa Cần Thơ - Rạch Giá. Vì vậy, nó tác động mạnh đến sự phát triển kinh tế, xã hội trên vùng đất lâu nay còn ngủ yên. Hay nói cách khác, do trước đây chỉ khai phá bằng thủ công, nên khó thể tiến nhanh được. Trải qua chặng đường dài, công cuộc khẩn hoang từ thời Gia Long, đến triều Tự Đức chưa mấy tiến triển, phải đợi đến khi khoa học kỹ thuật được ứng dụng, sức mạnh cơ giới được phát huy thì vùng đất này mới thật sự chuyển mình!
Phần kinh đào phía Cần Thơ có điểm đầu từ ngã ba Vàm Xáng rạch Cần Thơ; đoạn cuối kinh tại ranh làng Nhơn Nghĩa (vùng Bảy Ngàn ngày nay). Từ đây tiếp nối đào phần đất phía Rạch Giá đến địa điểm Vàm Xáng - Hỏa Lựu giáp rạch Cái Tư (một nhánh sông Cái Lớn).
Phần kinh phía Cần Thơ thi công dễ dàng hơn, vì gần nhiều nhánh rạch. Vả lại lúc này khu vực Phong Điền, Cái Răng đã sung túc, có điều kiện thuận lợi về hậu cần cho hoạt động đào kinh. Trong khi đó, phía Rạch Giá bốn bề rừng hoang, mùa mưa nước ngập úng, mùa nắng đồng khô cỏ cháy, lại còn nhiều thú dữ. Thời điểm đào kinh: từ vùng Một Ngàn đến Mười Bốn Ngàn hầu như chưa có dân cư, không thôn, ấp... Trên địa bàn này toàn đất rừng hoang thuộc phần đất cuối làng Nhơn Nghĩa (Cần Thơ) dài đến các làng Vị Thủy, Vị Thanh; kể cả đất làng Hỏa Lựu (Rạch Giá). Dân cư còn sống rải rác, theo bờ rạch tự nhiên thuộc các rạch Tràm Cửa, Cái Nhum, Cái Nhúc,…
Những năm đầu kinh đào xong, chưa khai phá được mấy thì gặp hai cơn bão lớn năm Thìn (1904) và lụt lội, nắng hạn (1905) nên tình hình không mấy khả quan. Sau đó, nhiều địa chủ người Pháp, người Việt có thế lực bắt đầu trưng khẩn, thâu tóm đất đai từ hướng Cần Thơ lấn dần xuống phía Rạch Giá.
Những thập niên đầu thế kỷ XX, tiềm năng phát triển nông nghiệp vùng Vị Thanh, Vị Thủy, Hỏa Lựu mới được khơi dậy, cho thấy hiệu quả rõ nét của việc đào kinh xáng Xà No. Cụ thể nhiều điền Tây, điền Việt hình thành theo kiểu điền “Tây Be”, tức chủ điền Pháp tên Alber Gressier (còn gọi là điền Tây Be, điền Ông Kho) ở Bảy Ngàn. Người chủ điền này khai thác đất đai bằng cách: Cứ 1.000 thước đào một kinh ngang lớn, cách 500 thước thì đào kinh nhỏ nhằm tiêu úng, xổ phèn cho vạt đất hai bên bờ kinh xáng Xà No. Do vậy mới có những tên kinh bằng chữ số: Một Ngàn, Ba Ngàn, Bốn Ngàn Rưỡi, Bảy Ngàn, Mười Bốn Ngàn... Vì sao đến kinh Mười Bốn Ngàn họ không đào tiếp những kinh ngang về hướng Vị Thanh? Bởi lẽ địa bàn này không thuộc điền Tây Be, lại nhiều sông rạch tự nhiên sẵn có như: Nàng Chăng, Tràm Cửa, Ba Doi, Cái Nhum,... Đồng thời nhờ nước ngọt kinh Xà No dẫn tới, nên nhiều cánh rừng tràm ở Hỏa Lựu, Vị Thanh được khai phá dần để làm ruộng, làm rẫy.
Để khuyến khích, chính quyền Pháp cũng đã ban hành nhiều chính sách khẩn hoang, quản lý đất đai như: Ai khẩn đất trên 10 mẫu, được miễn thuế 5 năm liền; trong điền do 1 người Pháp làm chủ khai thác từ 400 mẫu trở lên, được phép sử dụng 80 tá điền, có thể xin lập một làng mới. Tuy nhiên, chính quyền Pháp cũng quy định: Đất trưng khẩn không được ăn theo mé kinh, rạch quá 1/4 chu vi số đất. Diện tích trưng khẩn trên 1.000 mẫu do toàn quyền Đông Dương quyết định.
Thành quả đáng kể của việc đào kinh là: lần đầu tiên ứng dụng mô hình tập trung hóa sản xuất nông nghiệp theo hình thức sở điền, từ vài chục, vài trăm đến vài chục ngàn mẫu (như điền Ông Kho - Bảy Ngàn). Theo đó, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật như: Khép kín tưới tiêu, qua việc xây cống, đập bằng đá (nay còn chứng tích). Về sức kéo, thì tìm mua về nhiều trâu vừa để cày; vừa kéo xe khi thu hoạch. Một vài tư liệu nói tại điền Bảy Ngàn từng thí nghiệm máy cày, kể cả máy bừa, máy gieo mạ,... Nhưng kết quả không khả quan lắm.
Với những nỗ lực phát huy tác dụng từ đào kinh xáng Xà No, số điền chủ và người giàu có trong vùng Vị Thanh, Vị Thủy, Hỏa Lựu tăng nhanh, nổi lên với những nhân vật có tiếng sở hữu nhiều đất đai. Năm 1912, theo thống kê tỉnh Rạch Giá, người Pháp sở hữu nhiều ruộng đất nhất với 26.121 mẫu của 23 điền chủ. Đến những năm 30-40 thế kỷ trước, riêng tại làng Hỏa Lựu số lượng điền chủ người Việt tăng nhanh là: Trần Kim Yến (Sáu Yến): Có đất từ ngã ba Di Hạn đến Kinh Năm chạy dài 5km dọc theo sông Nước Đục, với 5 lỗ rừng tràm rộng hàng trăm mẫu.
Ngoài ra, còn nhiều điền chủ khác ở Hỏa Lựu không nắm rõ số đất như: Hội đồng Hổ, Trần Phú Quới, Nguyễn Viết Liên, Trần Giác, Lý Tấn Lợi (Cả Lợi), Bồi Bàng,... và hàng chục điền mạnh (phú nông) khác.
Đất đai mở rộng, nước ngọt tràn qua, phương pháp canh tác cũng dần biến đổi, kỹ thuật làm ruộng chủ yếu vẫn là phát cỏ, cấy lúa, gặt đập, giê sạch. Bình quân năng suất lúc đó từ 10-12 giạ/công. Cá biệt có nhà canh tác 3 công đất đạt gần 50 giạ lúa. Từ năm 1910, thương lái, hàng sáo mua lúa từ vùng Rạch Giá (Gò Quao, Long Mỹ, Vị Thanh, Vị Thủy, Hỏa Lựu) theo kinh Xà No, chở về chợ Cái Răng đưa vô các nhà máy xay, rồi chuyển lên Chợ Lớn xuất khẩu.
Công cuộc khẩn hoang nhanh chóng mang lại kết quả, góp phần cho tỉnh Rạch Giá vươn lên đứng nhứt Nam kỳ về sản xuất lúa, với diện tích 319.960 mẫu, sản lượng 394.900 tấn, vào năm 1930.
VỊ THANH