Ngành sản xuất,ôngnghiệpôtôxem ty so truc tuyen lắp ráp ô tô trong nước vẫn chưa đạt được tiêu chí của ngành sản xuất ô tô thực sự. Ảnh: ST. Một Tổ công tác, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đã "đi một vòng" các doanh nghiệp để thực tế và lắng nghe các ý kiến nhằm đưa giải pháp hỗ trợ sản xuất trong nước. Nhưng đã sắp hết nửa năm, giải pháp vẫn đang được kiến nghị và bàn thảo. Thị trường tiêu thụ ô tô NK Mặc dù đã có những kết quả nhất định, song theo Bộ Công Thương, ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước vẫn chưa đạt được tiêu chí của ngành sản xuất ô tô thực sự; chưa tạo được sự hợp tác - liên kết và chuyên môn hoá giữa các doanh nghiệp trong sản xuất - lắp ráp ô tô và sản xuất phụ tùng linh kiện, chưa hình thành được hệ thống các nhà cung cấp nguyên vật liệu và sản xuất linh kiện quy mô lớn; giá bán xe vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực. Trong khi ngành công nghiệp ô tô trong nước còn tồn tại nhiều hạn chế thì mốc thời gian 1/1/2018 (thời điểm Việt Nam sẽ cắt giảm thuế suất thuế nhập khẩu đối với xe nguyên chiếc về 0%) đã cận kề. Điều này được dự báo sẽ là thách thức không nhỏ đối với ngành công nghiệp ô tô Việt Nam trong bối cảnh hội nhập. Cụ thể, khi AFTA có hiệu lực hoàn toàn vào năm 2018, các sản phẩm ô tô nguyên chiếc (CBU) nhập khẩu từ ASEAN sẽ được nhập khẩu về Việt Nam với mức giá rất cạnh tranh. Đây là xu hướng không có lợi cho sự phát triển lâu dài của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam và Việt Nam sẽ trở thành thị trường để các quốc gia khác có nền công nghiệp ô tô phát triển như Thái Lan, Indonesia khai thác. Trước khi hiệp định AFTA có hiệu lực hoàn toàn, dung lượng thị trường trong nước bị đánh giá là quá nhỏ. Đến 2018, cơ hội cho các sản phẩm sản xuất và lắp ráp trong nước lại càng bị thu hẹp với sự chiếm lĩnh của các sản phẩm CBU từ ASEAN dẫn đến việc qui mô sản xuất bị thu hẹp, không đảm bảo tính kinh tế trong sản xuất. Các nhà sản xuất sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc đầu tư có chiều sâu vào mở rộng dây chuyền, công nghệ khi nhu cầu thị trường chưa đủ lớn. Mặt khác, công nghiệp hỗ trợ cho ngành ô tô trong nước vốn đã kém cạnh tranh sẽ càng gặp nhiều khó khăn hơn khi đầu ra bị thu hẹp. Các doanh nghiệp ngoài việc tăng cường nhập khẩu CBU sẽ kéo theo tăng cường nhập khẩu các linh, phụ kiện, phụ tùng phục vụ cho nhu cầu khách hàng với thuế suất 0%. Các nhà cung cấp linh kiện trong nước sẽ gặp rất nhiều khó khăn để cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài và tỷ lệ nội địa hóa 40% cũng khó đạt được. Đáng chú ý, với dự báo nhu cầu ô tô của nước ta năm 2025 theo phương án trung bình khoảng 800.000-900.000 xe và năm 2030 khoảng 1,5-1,8 triệu xe, nếu không phát triển ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước thì kim ngạch nhập khẩu năm 2025 dự kiến khoảng 12 tỷ USD và năm 2030 là 21 tỷ USD. “Như vậy, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng trong thời gian tới, nếu ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước không được phát triển thì Việt Nam sẽ trở thành thị trường tiêu thụ ô tô cho các hãng nước ngoài. Áp lực nhập siêu của nền kinh tế sẽ ngày càng gia tăng, gây mất cân đối cán cân thanh toán và bất ổn kinh tế vĩ mô”, Bộ Công Thương nhận định. Có giải pháp, liệu còn thời gian? Với những thách thức này, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, Bộ Công Thương đã thành lập Tổ công tác liên ngành triển khai thực hiện Chiến lược, Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Tổ công tác này đã có một số buổi làm việc với doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô nội địa để nhìn rõ hơn bức tranh ngành ô tô và lắng nghe đề xuất giải pháp hỗ trợ sản xuất trong nước. Theo ý kiến của một số doanh nghiệp, các chính sách về thuế suất thuế nhập khẩu đối với linh kiện, phụ tùng ô tô hiện hành chưa phù hợp với các xu thế trong thời gian tới của các cam kết về thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc. Bên cạnh đó, các quy trình, thủ tục liên quan đến đăng kiểm, kiểm tra an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với kiểm tra chất lượng linh kiện, phụ tùng và xe đưa vào lưu thông ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước hiện nay chưa tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp. Để sản xuất lắp ráp ra một kiểu loại xe doanh nghiệp phải thực hiện nhiều thủ tục như: Thử nghiệm động cơ, thử nghiệm các linh kiện bao gồm gương, kính, đèn, lốp, bình khí, bình nhiên liệu…, đánh giá điều kiện đảm bảo chất lượng tại cơ sở sản xuất (đánh giá COP) đối với linh kiện… tốn nhiều thời gian, tốn kinh phí, giảm khả năng cạnh tranh so với các đơn vị nhập khẩu xe nguyên chiếc. Do đó, Bộ Công Thương đã đề xuất 3 nhóm giải pháp để phát triển ngành công nghiệp ô tô. Tuy nhiên, muốn thực hiện 3 giải pháp đó, Bộ Công Thương đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính rà soát, điều chỉnh thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi MFN đối với linh kiện, phụ tùng ô tô phù hợp với định hướng của Chính phủ về khuyến khích phát triển sản xuất các linh kiện, phụ tùng ô tô quan trọng mà trong nước có thể sản xuất được, cũng như có tính đến mối tương quan phát triển sản xuất, lắp ráp trong nước với việc cam kết sản lượng và hàm lượng giá trị gia tăng tạo ra trong nước của doanh nghiệp. Bộ Tài chính rà soát và đề xuất điều chỉnh các chính sách về thuế Tiêu thụ đặc biệt qui định tại Luật số 106/2016/QH13, cụ thể: Điều chỉnh tăng mức thuế đối với xe có dung tích xi lanh trên 2500 cm3; bổ sung các chính sách về thuế đối với các loại xe có kích thước lớn chưa phù hợp với điều kiện hạ tầng giao thông, cũng như đối với các chủng loại xe chở người đến 9 chỗ ngồi có giá trị tuyệt đối lớn; gia hạn thời gian có hiệu lực đối với mức thuế áp cho xe có dung tích xi lanh dưới 1500 cm3 đến ngày 31/12/2022; thay đổi giá tính thuế đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước áp dụng đến 31/12/2022 theo hướng không tính thuế Tiêu thụ đặc biệt đối với phần giá trị gia tăng tạo ra trong nước (linh kiện, phụ tùng) nhằm tăng năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm sản xuất lắp ráp trong nước, khuyến khích các hãng xe nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng được sản xuất trong nước... Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, sửa đổi thay thế Thông tư số 30/2011/TT-BGTVT và Thông tư số 54/2014/TT-BGTVT về việc quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trong sản xuất, lắp ráp xe cơ giới nhằm đơn giản hoá các thủ tục đăng kiểm kiểu loại xe ô tô sản xuất lắp ráp trong nước tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp đưa xe ô tô vào lưu thông, đồng thời bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng. Tuy nhiên đó mới chỉ là đề xuất, trong khi thời gian đến 2018 chỉ còn tính bằng vài tháng. Một câu hỏi được đặt ra là khi giải pháp được đưa ra liệu còn thời gian để thực hiện? Tính đến hết năm 2016, trong nước có khoảng 173 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, trong đó có 56 doanh nghiệp sản xuất xe từ linh kiện rời, 117 doanh nghiệp sản xuất từ xe cơ sở, với tổng công suất lắp ráp thiết kế khoảng 500.000 xe/năm, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 47%, doanh nghiệp trong nước khoảng 53%. |
|