PV: Ảnh hưởng của dịch Covid-19 lần 1 chưa qua thì dịch lại bùng phát trở lại đã làm cho tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước chậm lại. Tại Sơn La, dịch bệnh đã tác động như thế nào đến tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh, thưa ông?
Ông Đặng Ngọc Hậu: Trong 6 tháng đầu năm 2020, kinh tế của tỉnh tăng trưởng dương (0,03%). Tuy không đạt mục tiêu đề ra, song các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo; sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, đảm bảo an ninh lương thực và thúc đẩy xuất khẩu nông sản; sản xuất công nghiệp và các ngành dịch vụ dần phục hồi và bắt đầu tăng mạnh từ tháng 5 và tháng 6 sau giãn cách xã hội. Các lĩnh vực an sinh xã hội được quan tâm, đời sống nhân dân cơ bản ổn định.
Tuy nhiên, từ cuối tháng 7/2020, dịch bệnh bùng phát lần 2 đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến các lĩnh vực như du lịch, vận tải của tỉnh. Các nhóm ngành sản xuất và đầu tư cũng chịu tác động gián tiếp. Bên cạnh đó, Sơn La cũng bị ảnh hưởng bởi thiên tai (hạn hán, mưa đá, động đất), theo đó, GRDP của tỉnh cũng bị ảnh hưởng không nhỏ.
PV: Hiện trên địa bàn tỉnh có bao nhiêu doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng từ dịch bệnh, thưa ông?
Ông Đặng Ngọc Hậu: Trên địa bàn tỉnh Sơn La hiện có 2.716 DN. Năm 2020, diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 đã tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội nói chung và đến hoạt động sản xuất của kinh doanh các doanh nghiệp nói riêng.
Phần lớn các DN trên địa bàn tỉnh Sơn La đều chịu tác động tiêu cực của dịch bệnh, đặc biệt là các DN hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ, vui chơi, giải trí, ăn uống, kinh doanh vận tải, giáo dục… (khoảng trên 1000 doanh nghiệp). Các DN phải thay đổi hoạt động kinh doanh ứng phó với bối cảnh đại dịch Covid-19, một số DN phải thu hẹp sản xuất hoặc tạm ngừng hoạt động, thậm chí phải giải thể. Trong 8 tháng qua đã có 61 DN, đơn vị trực thuộc đăng ký tạm ngừng hoạt động, 48 DN đăng ký giải thể.
PV: Việc tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể của các DN đã ảnh hưởng không nhỏ đến tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh. Xin ông cho biết, Sơn La đã đưa ra giải pháp cụ thể gì để giúp các DN này vượt qua khó khăn và đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế?
Tỉnh Sơn La đã tập trung triển khai các giải pháp hỗ trợ DN chuyển đổi sản xuất kinh doanh đáp ứng với diễn biến tình hình thị trường và diễn biến mới của dịch Covid-19 Ông Đặng Ngọc Hậu |
Ông Đặng Ngọc Hậu: Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, để hỗ trợ các DN vượt qua khó khăn trong sản xuất kinh doanh, tỉnh Sơn La đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó, tập trung vào việc miễn, giảm, gia hạn, hỗ trợ về thuế cho các DN bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 theo Nghị định số 41/2020/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ bảo đảm công khai minh bạch đúng đối tượng.
Bên cạnh đó, tỉnh Sơn La đã tập trung triển khai các giải pháp hỗ trợ các DN chuyển đổi sản xuất kinh doanh đáp ứng với diễn biến tình hình thị trường, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nhằm bảo đảm nguồn cung cho thị trường tiêu thụ trong tình hình mới của dịch bệnh Covid-19.
Đồng thời, tỉnh đã triển khai thực hiện các chính sách, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho DN và người dân. Tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách tiền tệ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của Chính phủ, trong đó tập trung tạo điều kiện thuận lợi để DN và người dân tiếp cận vốn vay ngân hàng với lãi suất hợp lý, bảo đảm khôi phục sản xuất, việc làm cho người lao động.
Đặc biệt, tỉnh đã đẩy nhanh tiến độ xây dựng các nhà máy chế biến để sớm đi vào hoạt động trong thời gian tới. Tập trung huy động các cơ sở sơ chế, chế biến nhỏ trên địa bàn tỉnh thu mua và chế biến các loại quả tươi thành sản phẩm quả sấy khô, sấy dẻo, các loại mứt, rượu, sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm)…Đẩy mạnh các hoạt động ứng dụng công nghệ trong thương mại nhất là thương mại điện tử, tăng cường bán hàng trực tuyến, đẩy mạnh các giao dịch ký kết hợp đồng điện tử, dịch vụ giao vận chuyển phát và thanh toán điện tử trên môi trường số. Đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến tiêu thụ, xuất khẩu nông sản. Duy trì hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch; đổi mới công tác quảng bá tuyên truyền sản phẩm du lịch đáp ứng công nghệ 4.0.
PV: Xin cảm ơn ông!
Thu ngân sách trên địa bàn tỉnh Sơn La 8 tháng qua đạt 1.956 tỷ đồng, bằng 81,76% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, thu thuế và phí đạt 1.664 tỷ đồng, bằng 76,13% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ lưu trú ăn uống đạt 1.240 tỷ đồng, bằng 88,67% so với cùng kỳ năm 2019; doanh thu vận tải hành khách đạt 234,378 tỷ đồng, bằng 95,84% so với cùng kỳ. Tổng dư nợ tín dụng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là 3.797 tỷ đồng, chiếm 9,83% tổng dư nợ cho vay. |
Vân Hà (thực hiện)