Công tác xã hội là nét đẹp ứng xử hiện nay ở các cơ sở y tế,ộiNtđẹpởcơsởytếxem lịch thi đấu bóng đá đã có không ít bệnh nhân được giúp đỡ từ hoạt động này, nhất là bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn... Trao cơm và đồ ăn thịt, cá cho bệnh nhân ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Nhiều việc làm ý nghĩa Mỗi ngày, chị Nguyễn Thị Thiên Kim, Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, đều đứng ở bàn hướng dẫn để trực tiếp hướng dẫn, giải thích, giúp đỡ cho người bệnh khi đến bệnh viện. Chị Thiên Kim chia sẻ: “Ai đến khám bệnh là mình hỏi cô, chú muốn khám bệnh gì, hướng dẫn bệnh nhân lấy số thứ tự khám bệnh rồi qua đo huyết áp, hướng dẫn nơi đăng ký khám bệnh và đường đi đến các buồng khám, các khoa,… Đồng thời, ở đây mình cũng giải thích các quy định bảo hiểm y tế cho bệnh nhân, nhất là những bệnh nhân đi không đúng tuyến và giải thích những thắc mắc khác của bệnh nhân,…”. Bàn hướng dẫn của Phòng Công tác xã hội đặc biệt giúp ích rất nhiều cho bệnh nhân, nhất là những bệnh nhân lần đầu mới đến đây khám bệnh. Người bệnh rõ quy trình khám bệnh, biết đường đi sẽ giảm được thời gian khám bệnh. Thấy được hiệu quả thiết thực, mới đây, phòng đã triển khai thêm một điểm hướng dẫn nữa gần thang máy bệnh viện để người bệnh dễ tiếp cận. Theo bà Nguyễn Thị Minh Duyên, Trưởng phòng Phòng Công tác xã hội: “Phòng hiện có 8 biên chế, dù nhân lực rất ít, nhưng luôn cố gắng giúp đỡ bệnh nhân. Chúng tôi đã triển khai được tủ quần áo ai thừa đến cho, ai thiếu đến nhận; khám, chữa bệnh miễn phí cho người dân ở một số địa phương; liên hệ địa phương tìm thân nhân cho bệnh nhân không có người thân. Đặc biệt là hoạt động hỗ trợ cho bệnh nhân nghèo, khó khăn, nếu có bệnh nhân nào điều kiện quá khó, hay neo đơn, chúng tôi sẽ trực tiếp xuống tìm hiểu hoàn cảnh và vận động giúp đỡ. Ngoài ra, cũng thăm hỏi, động viên tinh thần các bệnh nhân nội trú có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn tại bệnh viện. Định kỳ hàng tháng phối hợp với Đoàn cơ sở Công an thành phố Vị Thanh trao tặng bữa cơm nhân ái cho bệnh nhân nghèo ở bệnh viện với cơm và đồ ăn như cá, canh, thịt”. Gần đây nhất là trường hợp của bệnh nhân Thị Kiều Loan, ở tỉnh Kiên Giang, mắc bệnh viêm màng não điều trị tại bệnh viện. Hoàn cảnh gia đình của bệnh nhân rất khó khăn, Phòng Công tác xã hội đã vận động số tiền 6 triệu đồng để giúp đỡ cho gia đình,… Không ít bệnh nhân khó khăn, neo đơn khác được cho sữa, hỗ trợ chuyển viện,… khi điều trị bệnh ở đây. Có được sự chung tay của hoạt động công tác xã hội ở bệnh viện đã đỡ đần rất nhiều gánh nặng chi phí cho những bệnh nhân này,… Hầu hết các cơ sở khám, chữa bệnh có giường bệnh của tỉnh đều có triển khai hoạt động công tác xã hội. Trung tâm Y tế thành phố Vị Thanh có mô hình đưa bệnh nhân về nhà do CLB Thầy thuốc trẻ tình nguyện đảm nhiệm. Bà Trần Thị Hồng Tím, Phó Chủ nhiệm CLB, chia sẻ: “Hoạt động này triển khai có sự phối hợp của các khoa trong trung tâm, khi nào có bệnh nhân cần đưa về thì liên hệ với CLB. Bệnh nhân được đưa về bằng xe Honda, không phải tốn chi phí đi xe ôm về nhà”. Những bệnh nhân được đưa về nhà cũng cảm thấy vui vẻ. Ông Huỳnh Văn Sáu, ở phường III, thành phố Vị Thanh, là một trong những bệnh nhân được các thành viên CLB đưa về tận nhà sau khi nằm viện điều trị bệnh ở Trung tâm Y tế thành phố, nói: “Hai vợ chồng không có xe, nhờ bệnh viện đưa về, không thì phải đi xe ôm. Không chỉ mình đỡ lo tiền bạc mà còn ấm lòng với tình cảm của y, bác sĩ”. Các thành viên trong CLB dù không biết nhà bệnh nhân ở đâu, nhưng theo lời chỉ đường của người bệnh không ngại mưa nắng đưa về tận nhà, đây là hoạt động có ý nghĩa giúp ích rất nhiều cho bệnh nhân. Muốn phát triển hơn nhưng khó Kinh phí là rào cản lớn nhất để có thể phát triển mạnh hơn nữa hoạt động công tác xã hội ở các bệnh viện, trung tâm y tế. Nhiều mô hình mới đã được triển khai nhưng chỉ dừng lại ở chừng mực nhất định. Bà Nguyễn Thị Minh Duyên, Trưởng phòng Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho biết thêm: “Phòng có xây dựng quỹ hỗ trợ bệnh nhân nhằm giúp đỡ kịp thời hơn, nhưng số tiền còn rất hạn chế. Một mô hình mới là nhắn tin, thăm hỏi sức khỏe và nhắc nhở tái khám cho bệnh nhân sau khi ra viện đang được thực hiện, nhưng do còn thiếu về kinh phí nên chỉ giới hạn ở một số khoa, như: Khoa Nội 1, Ngoại tổng hợp, Ngoại chấn thương và Khoa bệnh nhiệt đới. Nguồn tài trợ còn chưa ổn định. Một vấn đề nữa là nguồn nhân lực đa số không chuyên môn về công tác xã hội nên còn chưa thể thực hiện tốt hơn”. Chưa có nguồn quỹ để giúp đỡ bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn là thực trạng ở Bệnh viện Chuyên khoa Tâm thần và Da liễu tỉnh. Bà Nguyễn Kim The, Tổ trưởng Tổ chăm sóc khách hàng, kiêm phụ trách công tác xã hội, cho biết: “Hoạt động công tác xã hội chỉ dừng lại ở việc hướng dẫn người bệnh, chứ chưa vận động được nguồn tài trợ để giúp cho những bệnh nhân gặp khó khăn. Trong khi, thực tế bệnh nhân đến đây đa số là hoàn cảnh khó khăn cần được giúp đỡ”. Cùng chung trăn trở này, ông Nguyễn Út Em, Trưởng phòng Phòng Quản lý chất lượng và Công tác xã hội, Trung tâm Y tế thị xã Ngã Bảy, chia sẻ: “Chúng tôi cũng mong muốn có một nguồn quỹ hoạt động để có thể kịp thời hỗ trợ cho bệnh nhân khi cần, nhưng vận động rất khó khăn”. Dù hoạt động đưa bệnh nhân về nhà ở Trung tâm Y tế thành phố Vị Thanh rất được đồng tình, nhưng số lượng thời gian gần đây cũng hạn chế. Theo bà Trần Thị Hồng Tím, Phó Chủ nhiệm CLB Thầy thuốc trẻ tình nguyện, Trung tâm Y tế thành phố Vị Thanh: “Do chi phối bởi nhiệm vụ chuyên môn nên đôi khi hoạt động bị gián đoạn. Tuy nhiên, CLB sẽ cố gắng sắp xếp để duy trì mô hình này vì nó có ý nghĩa thiết thực giúp đỡ bệnh nhân nghèo”. Hoạt động công tác xã hội đang phát triển là một phần không thể thiếu ở các bệnh viện, trung tâm y tế, không chỉ kịp thời giúp đỡ cho bệnh nhân mà còn là hành động đẹp góp phần làm tăng sự hài lòng của người bệnh đối với các cơ sở y tế. Bài, ảnh: HỒNG DIỄM |