【giai vo dich phap】“Bứt phá” là từ khóa của năm 2019
Đây là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, trong cuộc trao đổi với phóng viên TBTCVN trước thềm năm mới về chủ đề triển vọng và những nhiệm vụ, giải pháp cho năm 2019.
* PV: Thưa Bộ trưởng, năm 2018 là năm chúng ta có những kết quả ấn tượng về các chỉ tiêu kinh tế - xã hội. Ông đánh giá thế nào về điều này?
- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng:Trước hết, có thể thấy “bức tranh” kinh tế 2018 rất tích cực, đặc biệt là mức tăng trưởng 7,08% là cao nhất 11 năm qua. Đến nay, dù chưa có số chính thức nhưng theo các dự báo của Ngân hàng Thế giới mà chúng tôi nắm được thì Việt Nam đang ở top dẫn đầu về tăng trưởng trên thế giới. Đây cũng là lần đầu tiên ta vượt Trung Quốc về mức tăng trưởng, khi nền kinh tế nước này đang trong chu kỳ điều chỉnh.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng |
Cùng với đó, năm nay nền kinh tế của chúng ta có hai điểm nổi bật là sức chống chịu và tính tự chủ tăng lên đáng kể. Hiện nay độ mở của nền kinh tế rất lớn, lên tới gần 200%, mức độ phụ thuộc bên ngoài cao... Tuy nhiên dù bên ngoài có nhiều biến động bất thường, chúng ta cũng không bị tác động lớn, vẫn đạt được mức tăng trưởng cao. Tính tự chủ của nền kinh tế cũng vẫn được đảm bảo, xuất khẩu của nền kinh tế hai năm liên tiếp đều tăng mạnh, cao hơn nhiều chỉ tiêu đề ra.
Tất nhiên, chúng ta không vì thế mà chủ quan. Thời gian tới, chúng ta vẫn phải tập trung củng cố, tạo nền tảng, nâng cao tiềm lực, quy mô và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
* PV: Bên cạnh những kết quả ấn tượng, theo ông đâu là những khó khăn của nền kinh tế trong năm vừa qua?
- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng:Đúng là bên cạnh những kết quả đã đạt được, chúng ta cũng vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Từ bên ngoài, kinh tế thế giới có nhiều biến động. Dự báo năm tới, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại. Nhu cầu hàng hoá thương mại cũng giảm và nhất là ảnh hưởng từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung sẽ tác động lớn tới chúng ta.
Ở trong nước, những vấn đề lâu nay của nền kinh tế, dù đã được cải thiện nhiều nhưng vẫn tồn tại như: quy mô nhỏ bé, năng lực, năng suất còn thấp, cải cách, đổi mới cơ cấu lại nền kinh tế mới ở giai đoạn đầu. Ngoài ra là tình trạng biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh,… tác động không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội. Trong khi đó, nguồn lực của Nhà nước còn rất hạn chế; tư nhân chưa có bước phát triển mạnh, chưa đáp ứng được yêu cầu huy động nguồn lực từ xã hội cho đầu tư phát triển.
* PV: Năm 2019, chúng ta đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế là 6,8%. Theo Bộ trưởng, đâu là những động lực giải pháp để chúng ta đạt mục tiêu này?
- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng:Như chúng ta đã biết, phương châm chỉ đạo của Chính phủ năm 2019 là “kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”. Trong đó, “bứt phá” là từ khoá của năm 2019 khi chúng ta đã đi gần hết giai đoạn 5 năm, chuẩn bị đánh giá, xây dựng kế hoạch 5 năm, 10 năm tới. Đây là thời điểm mà ta phải tăng tốc để về đích, hoàn thành cho được mục tiêu nhiệm vụ của kế hoạch 5 năm, từ đó xây dựng nền tảng cho 5 năm tới. Do đó, tinh thần chỉ đạo của Chính phủ là bứt phá và tăng tốc trong năm 2019. Đây cũng là tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước là năm 2019 phải hơn năm 2018. Với tinh thần đó, Chính phủ đã nêu rõ các nhóm nhiệm vụ giải pháp tại Nghị quyết 01 năm 2019.
Tại nghị quyết, có rất nhiều nhiệm vụ, giải pháp được nêu ra, nhưng tôi muốn nhấn mạnh một số giải pháp không chỉ cho năm 2019 mà cho cả giai đoạn sắp tới. Đó là tiếp tục cải cách thủ tục hành chính (TTHC), cải thiện môi trường kinh doanh thực chất hơn, hiệu quả hơn, tạo thuận lợi và giảm chi phí cho doanh nghiệp (DN); tập trung phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Những năm qua, kinh tế tư nhân đã có bước phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, không thể phủ nhận vẫn còn nhiều khó khăn, rào cản với khu vực tư nhân cần phải được tháo gỡ, tạo sân chơi bình đẳng cho các DN trong tiếp cận nguồn lực, để có cuộc chơi công bằng, minh bạch theo cơ chế thị trường; để khu vực tư nhân thực sự trở thành động lực của nền kinh tế.
Đồng thời, tập trung đổi mới về khoa học công nghệ. Chúng ta đã xác định đây là nhu cầu cấp thiết của nền kinh tế, nhưng cần có quyết sách, hành động mạnh mẽ, nhanh chóng và cụ thể hơn để ứng dụng vào phát triển kinh tế.
Một nhiệm vụ nữa cần chú trọng là chuẩn bị tốt cho hội nhập. Sau khi chúng ta phê chuẩn CPTPP, phải chuẩn bị tốt năng lực của nền kinh tế, của DN để tận dụng các cơ hội, nếu không sẽ thua thiệt ngay trong quá trình này.
* PV: Năm vừa qua chúng ta cũng đã tổng kết 30 năm thu hút FDI. Trong giai đoạn tới, chính sách thu hút FDI của chúng ta sẽ có những thay đổi gì, thưa ông?
- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng:Sau 30 năm, khu vực FDI đã trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế, khi họ đóng góp 25% GDP, khoảng 70 – 71% giá trị xuất khẩu, 17% thu ngân sách, giải quyết công ăn việc làm cho 8 – 9 triệu lao động, thúc đẩy quá trình cải cách... Tuy nhiên, khu vực FDI cũng có những mặt trái như: công nghệ cao còn ít, chuyển giao công nghệ hạn chế, thâm dụng nhiều lao động, tài nguyên, giá trị gia tăng thấp. Sự liên kết, lan tỏa với DN trong nước còn yếu. Ngoài ra, cũng còn những vấn đề về vi phạm môi trường, chuyển giá, trốn thuế, đầu tư chui…
Sau 30 năm, đây đã là thời điểm tốt để chúng ta điều chỉnh chiến lược trong thu hút đầu tư. Chúng ta đang trở thành điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư, sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn đang tạo ra làn sóng chuyển dịch đầu tư mới, trong đó có điểm đến là Việt Nam. Trước đây, khi thu hút đầu tư còn khó khăn thì chúng ta phải tranh thủ. Tuy nhiên đến nay, chúng ta có quyền lựa chọn, sàng lọc theo quan điểm của mình. Chúng ta cũng có thể đưa ra các rào cản kỹ thuật hợp lý, phù hợp với các cam kết quốc tế mà chúng ta tham gia để chọn lọc nhà đầu tư tốt, dự án tốt, thật sự có chất lượng, hiệu quả.
Về đối tác, chúng ta nên tập trung vào những nước có trình độ phát triển cao hơn, đặc biệt là những đối tác chiến lược. Chúng ta đã có hơn 10 đối tác chiến lược nên cần tập trung thu hút đầu tư, nhất là những nước có trình độ công nghệ cao, công nghệ nguồn.
Với DN trong nước, hơn ai hết, chúng ta cũng phải có những chính sách phù hợp, đối xử bình đẳng, minh bạch, đặc biệt là với những tập đoàn lớn có đóng góp cho nền kinh tế. Tôi cho rằng, họ như “con ong chúa” mà chúng ta phải chăm sóc đặc biệt, để động viên, tạo thuận lợi cho họ, để họ có thêm dự án mới, đóng góp và lan tỏa nhiều hơn cho các ngành, địa phương, vùng miền.
* PV: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Hoàng Yến (thực hiện)