Thủy sản nhiều lợi thế Theo thông tin được ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) chia sẻ tại buổi sinh hoạt chuyên đề “Hiệp định RCEP: Cơ hội và thách thức” sáng nay 19/11, tại Hà Nội, Hiệp định RCEP sẽ mở thêm cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia vào các chuỗi giá trị mới trong khu vực và tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài. Việc cắt giảm thuế nhập khẩu sẽ mở ra cơ hội mới cho các sản phẩm từ các lĩnh vực nổi bật như viễn thông, công nghệ thông tin, dệt may, giày dép và nông nghiệp. Nhờ vào việc hài hòa quy tắc xuất xứ trong Hiệp định RCEP, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng khả năng đáp ứng điều kiện để hưởng ưu đãi thuế quan do nguồn cung nguyên liệu đầu vào chủ yếu đều nằm trong RCEP nhằm gia tăng khả năng xuất khẩu trong khu vực này, đặc biệt ở các thị trường lớn như Nhật Bản, Australia, New Zealand và Hàn Quốc. Phân tích sâu hơn trường hợp của thủy sản, lãnh đạo Vụ Chính sách thương mại đa biên cho biết, trong thời gian gần đây, đa số các nước trong khối RCEP đều được đánh giá là có nhu cầu nhập khẩu sản phẩm thủy sản tương đối cao. Trong khi đó, Việt Nam là quốc gia có lợi thế về xuất khẩu thủy sản và trong vòng 10 năm gần đây, ngành thủy sản Việt Nam liên tục duy trì được tốc độ tăng trưởng rất tích cực, đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu, đã xuất khẩu đến hơn 185 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. “Tại khu vực RCEP, phần lớn các quốc gia có đặc điểm người tiêu dùng không quá khó tính, ngoại trừ 3 nước Nhật, Australia và New Zealand. Đối với các ngành thế mạnh của Việt Nam tại Hiệp định RCEP này, thủy sản sẽ là một trong những ngành có đủ sức cạnh tranh và có thể xâm nhập mạnh vào các thị trường của các đối tác RCEP”, ông Thái nói. Ngoài ra, việc cam kết cắt giảm thuế quan của Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand, Australia và các nước ASEAN về 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực và của Hàn Quốc sau lộ trình cam kết 10-15 năm đối với phần lớn mặt hàng thủy sản của Việt Nam sẽ mở ra cơ hội mới cho Việt Nam xuất khẩu mặt hàng có thể mạnh này vào thị trường các nước RCEP này một cách nhanh chóng hơn và thuận lợi hơn. Không tạo ra “cú sốc” thuế quan Hiệp định RCEP tạo cơ hội để Việt Nam thiết lập thị trường xuất khẩu ổn định, lâu dài trong một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới với khoảng 2,2 tỷ dân nhưng cũng đặt ra những thách thức khi tạo thuận lợi hơn cho hàng hóa nhập khẩu từ các nước ASEAN và các đối tác khác trong RCEP. Với vấn đề này, ngay từ giai đoạn đàm phán Hiệp định, Bộ Công Thương đã đưa ra nhiều giải pháp xử lý như ưu tiên các cam kết cắt giảm thuế quan đối với các mặt hàng là nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất.
Theo thống kê, hàng năm Việt Nam đang nhập khẩu khoảng 30 tỷ USD nguyên liệu, thiết bị sản xuất từ các nước ASEAN. Việt Nam cũng đang nhập siêu từ các thị trường lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, đối với nguyên liệu đầu vào của các ngành công nghiệp xuất khẩu quan trọng như điện tử, máy tính, dệt may, giày dép, ô tô… Việc ưu tiên cắt giảm thuế quan đối với nhóm các mặt hàng này sẽ giúp giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp sản xuất trong nước, qua đó tăng sức cạnh tranh cho các hàng hóa sản xuất trong nước liên quan. Trong thực tế, Việt Nam đã tham gia với các nước ASEAN và 5 nước đối tác trong RCEP theo các hiệp định FTA giữa nội khối ASEAN, cụ thể là hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), và các FTA giữa ASEAN với từng đối tác trong số 5 đối tác trên (gọi là các hiệp định FTA ASEAN+1). “Quá trình tự do hoá thuế quan với các nước ASEAN đã được thực hiện trong suốt hơn 20 năm qua và với 5 nước đối tác trên là trong vòng khoảng 15 năm qua. Vì vậy, việc thực hiện hiệp định RCEP sau khi được thông qua sẽ không tạo ra cú sốc về giảm thuế quan đối với Việt Nam”, lãnh đạo Vụ Chính sách thương mại đa biên nhấn mạnh. Ông Lương Hoàng Thái cũng nhấn mạnh thêm, từ góc độ các doanh nghiệp, tham gia vào bất kỳ FTA nào với những thành viên có trình độ kỹ thuật cao hơn sẽ là thách thức lớn nhất với các sản phẩm hàng hoá, đòi hỏi các doanh nghiệp phải thay đổi mình, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm.
|