VHO - Trong những năm gần đây,ềmnăngvàtháchthứlich bong da hom nay ngay mai công nghiệp văn hóa tại Việt Nam đã đóng góp quan trọng vào việc bảo tồn giá trị truyền thống và quảng bá văn hóa quốc gia. TP.HCM, với vai trò là trung tâm kinh tế, giáo dục, văn hóa và khoa học - công nghệ, sở hữu tiềm năng lớn để phát triển công nghiệp văn hóa, đặc biệt trong lĩnh vực âm nhạc và điện ảnh.Để hiểu rõ hơn về tiềm năng, cơ hội và thách thức trong việc phát triển ngành công nghiệp văn hóa tại TP.HCM, đặc biệt là âm nhạc và điện ảnh, Văn Hóa đã có cuộc trò chuyện với NSND Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở VHTT TP.HCM. Cần có chính sách và định hướng phát triển đồng bộ, khai thác hiệu quả các nguồn lực sẵn có P.V: Thưa NSND Thanh Thúy, bà có thể chia sẻ về thực trạng phát triển công nghiệp văn hóa trong lĩnh vực âm nhạc và điện ảnh tại TP.HCM hiện nay? - NSND Nguyễn Thị Thanh Thúy: Ngành công nghiệp văn hóa tại TP.HCM đã hình thành từ những năm 2000, với các sự kiện âm nhạc quy mô lớn, không chỉ định hình xu hướng thưởng thức âm nhạc mà còn ảnh hưởng đến cách tổ chức các chương trình biểu diễn trên toàn quốc. Những liveshow đình đám như Làn sóng xanh, Giai điệu tình yêu và chương trình cá nhân của các ca sĩ, kết hợp với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ ghi âm và phát hành số, đã tạo ra các phong cách âm nhạc mới và thế hệ “thần tượng” âm nhạc Việt được đông đảo khán giả yêu mến. Sự phát triển của các xu hướng âm nhạc qua từng giai đoạn đã nâng cao thị hiếu và trình độ thưởng thức của công chúng, đồng thời đưa sản phẩm âm nhạc Việt Nam vươn ra thị trường quốc tế. Hiện nay, thông qua các sự kiện thường niên do Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM phối hợp tổ chức, như Lễ hội Âm nhạc quốc tế Hò dô và các live concert nổi bật như Anh trai say hi, Anh trai vượt ngàn chông gai, ngành công nghiệp âm nhạc TP.HCM đã khẳng định vị thế trên bản đồ âm nhạc quốc tế. Trong lĩnh vực điện ảnh, TP.HCM được xem là trung tâm “nghệ thuật thứ 7” của cả nước với hơn 100 cơ sở sản xuất và phát hành phim, trong đó có 30 cơ sở hoạt động thường xuyên. Thành phố sở hữu 38 cụm rạp với hơn 200 phòng chiếu, phục vụ hơn 4 triệu lượt khán giả mỗi năm. Nguồn phim nhập khẩu phong phú đã giúp khán giả TP.HCM tiếp cận nhiều tác phẩm nổi tiếng quốc tế, đồng thời phim Việt Nam duy trì vị trí và khẳng định thương hiệu qua các hoạt động phát hành. LHP quốc tế TP.HCM, lần đầu tổ chức vào năm 2024, đã thu hút các nhà làm phim quốc tế và hơn 400 tác phẩm đến từ nhiều quốc gia. Ngành điện ảnh TP.HCM phát triển mạnh mẽ nhờ vào nguồn lực xã hội hóa và sự ra đời của nhiều hãng phim tư nhân. Bên cạnh đó, TP.HCM còn dẫn đầu cả nước trong công nghiệp sáng tạo nội dung số với số lượng người dùng mạng xã hội đông đảo và sự phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp. Ngành quảng cáo cũng đã có những bước tiến vượt bậc, đóng góp lớn vào GRDP và trở thành ngành công nghiệp văn hóa tăng trưởng nhanh chóng trong những năm qua. Để công nghiệp văn hóa tiếp tục phát triển, cần có chính sách và định hướng phát triển đồng bộ, khai thác hiệu quả các nguồn lực sẵn có. Theo bà, thách thức và yêu cầu cần giải quyết để phát triển công nghiệp văn hóa nói chung và đối với công nghiệp âm nhạc - điện ảnh tại TP.HCM là gì? - Trong bối cảnh toàn cầu hóa, ngành công nghiệp văn hóa ngày càng trở thành tài sản chiến lược trong ngoại giao và hợp tác quốc tế, giúp củng cố bản sắc văn hóa quốc gia. Tuy nhiên, công nghiệp văn hóa TP.HCM, đặc biệt là âm nhạc và điện ảnh, vẫn đối mặt với không ít thách thức. Trước hết, lực lượng lao động trong ngành còn thiếu đồng bộ về kỹ năng quản lý và kinh doanh chuyên nghiệp, chưa được trang bị đầy đủ kiến thức để vận hành các mô hình tổ chức và kinh doanh mới. Thứ hai, công nghệ số hóa mặc dù rất quan trọng, nhưng chưa được ứng dụng rộng rãi trong âm nhạc và điện ảnh, khiến tiềm năng ngành chưa được khai thác tối đa. Ngoài ra, mặc dù có Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh theo Luật Điện ảnh, nhưng chính sách này chưa được hướng dẫn cụ thể, đặc biệt trong việc phân cấp cho các địa phương và chưa chú trọng đúng mức đến đối tượng thụ hưởng. Sự hợp tác giữa cơ quan và doanh nghiệp trong lĩnh vực văn hóa cần được thúc đẩy để xây dựng chuỗi sản xuất văn hóa đồng bộ và chuyên nghiệp. Tuy nhiên, cơ chế chính sách và ưu đãi thuế hiện tại chưa đủ mạnh để thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, mặc dù có những tiến bộ, vấn đề bản quyền vẫn là thách thức lớn khi vi phạm sở hữu trí tuệ vẫn xảy ra, đòi hỏi phải có các biện pháp quản lý và bảo vệ bản quyền chặt chẽ hơn. Mặc dù có nhiều bứt phá, nhưng âm nhạc và điện ảnh TP.HCM vẫn chưa thể coi là những ngành công nghiệp thực sự phát triển. Cần nhìn nhận âm nhạc và điện ảnh như những sản phẩm được đầu tư, vận hành chuyên nghiệp và quảng bá rộng rãi, từ đó xây dựng nền công nghiệp văn hóa thực thụ. Phát triển nguồn nhân lực thông qua chiến lược đào tạo, thu hút nhân tài và tạo môi trường sáng tạo thuận lợi Xin bà cho biết mục tiêu phát triển ngành công nghiệp âm nhạc và điện ảnh TP.HCM đến năm 2030? - Mục tiêu phát triển ngành công nghiệp âm nhạc và điện ảnh TP.HCM đến năm 2030 chính là trở thành một phần quan trọng của nền kinh tế sáng tạo, không chỉ trong sản xuất và dịch vụ mà còn là động lực phát triển kinh tế - xã hội. Một trong những mục tiêu lớn là gia nhập mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực điện ảnh, từ đó hình thành không gian văn hóa sáng tạo, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, hội nhập quốc tế mạnh mẽ, đồng thời quảng bá hình ảnh TP.HCM ra khu vực và thế giới. Chúng tôi sẽ phát triển 8 ngành văn hóa trọng điểm tại TP.HCM, trong đó âm nhạc và điện ảnh là hai ngành quan trọng. Mục tiêu là biến TP.HCM thành trung tâm công nghiệp văn hóa của cả nước và khu vực Đông Nam Á, với tốc độ tăng trưởng bình quân 14% mỗi năm và đóng góp 7% GRDP vào năm 2030. Ngoài ra, chúng tôi sẽ tập trung vào phát triển đa dạng các sản phẩm văn hóa, ứng dụng công nghệ tiên tiến, xây dựng thương hiệu uy tín cho các dịch vụ văn hóa của TP.HCM và tham gia sâu rộng vào mạng lưới sáng tạo toàn cầu. Những nhiệm vụ và giải pháp mà TP.HCM ưu tiên triển khai để phát triển công nghiệp âm nhạc và điện ảnh đến 2030 là gì, thưa bà? - Để phát triển công nghiệp âm nhạc và điện ảnh thành động lực kinh tế - xã hội của TP.HCM trong giai đoạn 2021-2030, thành phố sẽ triển khai các giải pháp cụ thể. Trước hết, TP.HCM sẽ bổ sung vào quy hoạch phát triển các khu công nghiệp văn hóa, phim trường, trung tâm biểu diễn và triển lãm, đồng thời củng cố các cơ sở đào tạo chuyên ngành. Thành phố cũng sẽ đẩy mạnh liên kết quốc tế, tổ chức các sự kiện văn hóa lớn như lễ hội âm nhạc quốc tế và liên hoan phim để kết nối mạnh mẽ với các khu vực khác. Về cơ chế, TP.HCM sẽ hoàn thiện chính sách về hạ tầng công nghệ hiện đại, thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, đồng thời nâng cao quản lý sở hữu trí tuệ và quyền tác giả. Các chính sách ưu đãi về vốn, thuế và đất đai sẽ được cụ thể hóa để thu hút doanh nghiệp và phát triển mạng lưới doanh nghiệp văn hóa mạnh mẽ. TP.HCM cũng sẽ phát triển nguồn nhân lực thông qua chiến lược đào tạo, thu hút nhân tài và tạo môi trường sáng tạo thuận lợi. Đồng thời, thành phố sẽ đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại và hợp tác văn hóa quốc tế, nghiên cứu thành lập Trung tâm phát triển công nghiệp văn hóa để kết nối các dự án và nguồn lực, đưa ngành công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế quan trọng. Bên cạnh sự phát triển của các không gian sáng tạo mới, TP.HCM cũng sở hữu nhiều không gian văn hóa phong phú trong lòng đô thị, là nguồn tài nguyên quý giá cho các ngành công nghiệp văn hóa. Sự đóng góp của cộng đồng với ý thức và trách nhiệm đối với văn hóa là yếu tố then chốt để xây dựng thành phố sáng tạo. Việc trở thành thành viên của Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO sẽ tạo điều kiện thuận lợi để phát huy không gian văn hóa của thành phố, hoàn thiện các thiết chế văn hóa, giúp người dân tự hào về bản sắc văn hóa và tham gia vào các diễn đàn văn hóa đa dạng và đa chiều. Trân trọng cảm ơn bà! |