Ý tưởng về việc các chính phủ cấp hộ chiếu trên đó ghi rõ người mang hộ chiếu đã tiêm vaccine Covid-19 hay chưa nhằm mục đích giúp các gia đình có thể sớm đoàn tụ, các nền kinh tế có thể mở cửa lại và hàng trăm triệu người đã tiêm chủng có thể quay trở lại cuộc sống bình thường mà không quá lo ngại về nguy cơ lây lan virus. Dù đây mới chỉ là ý tưởng ở hầu hết các quốc gia song Israel là nước đầu tiên trên thế giới đã thực thi việc sử dụng hộ chiếu vaccine bởi tỷ lệ hoàn thành tiêm chủng của nước này rất cao. Một số quốc gia châu Âu cũng đang cân nhắc kế hoạch này, trong khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đã yêu cầu các cơ quan liên bang xem xét khả năng triển khai. Nhiều hãng hàng không và ngành du lịch trên thực tế đều mong điều này sớm được áp dụng. Tuy nhiên, mâu thuẫn giữa những người đã tiêm vaccine và những người chưa được tiêm đang gây ra những vấn đề chính trị và đạo đức hết sức nan giải. Người dân ở những nước giàu rõ ràng được ưu tiên hơn trong việc tiêm vaccine. Chính vì vậy, việc trao đặc quyền cho những người đã tiêm vaccine và thắt chặt quản lý đối với những người chưa được tiêm chủng sẽ khiến nguy cơ lây nhiễm ở những nhóm cộng đồng vốn đã có nguy cơ cao thêm phần nguy hiểm. Áp dụng hộ chiếu vaccine cũng sẽ khiến chủ nghĩa dân tộc thời Covid-19 thêm nặng nề bởi các chính phủ sẽ đặt quyền lợi của công dân nước mình lên trên lợi ích chung của cộng đồng toàn cầu. Chuyên gia nghiên cứu đạo đức y tế cộng đồng của Mỹ Nicole Hassoun nhận định hộ chiếu miễn dịch hứa hẹn sẽ đưa thế giới trở lại cuộc sống bình thường hơn, song trong bối cảnh vaccine được phân phối không đồng đều tại các quốc gia, việc làm này có thể không đúng đắn về mặt đạo đức. Trên thực tế, một số nước từ lâu đã yêu cầu phải có giấy chứng nhận tiêm chủng một số bệnh khi nhập cảnh. Tuy nhiên, do chưa có một quy chế toàn cầu về vấn đề này, việc áp dụng chính sách hộ chiếu vaccine rất dễ làm nảy sinh những khúc mắc về đặc quyền đối với các nước có tỷ lệ tiêm chủng cao. Ở các nước phương Tây, đó thường là giới nhà giàu và da trắng. Điều này sẽ gây ra một viễn cảnh không dễ chịu khi tầng lớp da trắng được lui tới cửa hàng, sự kiện thể thao, nhà hàng còn giới lao động da màu sẽ bị hạn chế. Bà Halima Begum thuộc tổ chức Runnymede Trust của Anh cũng khẳng định nếu áp dụng hộ chiếu vaccine thì tình trạng phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử sẽ gia tăng. Điều này sẽ làm tăng nguy cơ mất lòng tin của công chúng vào thời điểm các chính phủ đang cần có ít nhất 3/4 dân số tự nguyện tiêm chủng. Hộ chiếu vaccine cũng sẽ gây ra bất bình đẳng trong việc di chuyển giữa các quốc gia. Các loại vaccine hiện được phân phối chủ yếu ở các nước giàu, còn các nước nghèo nhất thế giới có lẽ chưa thể tiếp cận vaccine trong 2-3 năm tới. Ngoài ra, hàng tỷ người khác sẽ gặp nhiều khó khăn vì có nhu cầu đi lại bằng đường hàng không nhưng lại chưa được tiêm vaccine. Tiến sĩ Errett cho rằng nếu thế giới chỉ mở cửa lại cho những người ở các nước có thu nhập cao thì đang có quá nhiều điều bất bình đẳng xảy ra. Chính phủ các nước muốn áp dụng hộ chiếu vaccine để có thể mở cửa lại nền kinh tế, người dân nhìn nhận việc có hộ chiếu vaccine sẽ giúp họ trở lại cuộc sống bình thường trong khi các chuyên gia y tế cộng đồng hy vọng hộ chiếu sẽ giúp giảm bớt tình trạng lây nhiễm. Tuy nhiên, hiện chưa có thỏa thuận nào nêu rõ đâu là mục đích chính của việc áp dụng hộ chiếu vaccine. |