Đến hẹn lại lên,đồnghnhtạonnchấtđờbxh thuy si các nghệ nhân tài tử lại được có cơ hội gặp gỡ, trau dồi khả năng đờn ca, được giao lưu và cùng nhau xây dựng một chương trình đờn, ca tài tử với thời lượng hơn 60 phút, như làm quà cho chính mình qua những ngày học tập...
Đờn ca tài tử Hậu Giang có thế hệ kế thừa rất trẻ như Thanh Tứ, Hồng Phúc (từ trái qua).
Giữ gìn - phát huy
Hoạt động được nói trên là lớp tập huấn Nâng cao chất lượng nghệ thuật đờn ca tài tử do Trường Nghiệp vụ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, nằm trong Đề án Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, giai đoạn 2015-2020. Mỗi năm, sẽ có ít nhất 1 lớp, với thời lượng trên 10 ngày, do các giảng viên là những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực đờn, ca tài tử giảng dạy nhiều năm ở các trường nghệ thuật trong cả nước. Ông Nguyễn Thanh Triều, Hiệu trưởng Trường Nghiệp vụ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chia sẻ: “Tôi rất tâm huyết với đờn ca tài tử, nên khi được giao nhiệm vụ mở lớp, tôi sẵn lòng. Dù kinh phí dành cho lớp rất ít, lại phải chọn những giảng viên có kinh nghiệm thỉnh giảng, nên tôi phải tận dụng, tính toán để có thể đảm bảo thời gian và chất lượng lớp học”.
Cùng với việc tổ chức tập huấn, truyền nghề, trong những năm qua, Hậu Giang rất quan tâm chăm bồi cho lực lượng đờn ca tài tử ở địa phương. Trung tâm Văn hóa tỉnh còn xây dựng câu lạc bộ đờn ca tài tử làm nòng cốt, đồng thời chỉ đạo trong hệ thống trung tâm cấp huyện xây dựng một câu lạc bộ đờn ca tài tử đúng chuẩn, tổ chức giao lưu để học hỏi kinh nghiệm đồng thời hướng dẫn cho các câu lạc bộ ở cơ sở để sinh hoạt tài tử ngày càng có chất lượng.
Ngành văn hóa còn tổ chức hội thi đờn ca tài tử từ cơ sở đến cấp tỉnh, tổ chức tập huấn chuyên môn nghiệp vụ từ cơ bản đến nâng cao để tạo nền kiến thức về tài tử thật vững cho những người tham gia. Ông Dương Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ tiếp tục phát huy những việc đã làm để giữ gìn và tạo mọi điều kiện để đờn ca tài tử phát triển; chăm bồi những hạt nhân trẻ để loại hình này được kế thừa… Từ đó, góp phần cho loại hình này được gìn giữ, phát huy ngày càng đi vào chiều sâu, đúng với mục đích bảo tồn và phát huy loại hình văn hóa đặc sắc này”.
Tâm huyết ở lực lượng kế thừa
Lần tập huấn này không chỉ có sự tham gia những nghệ nhân lớn tuổi, mà còn có đông đảo lực lượng trẻ, đầy nhiệt huyết. Họ đến lớp với tâm thế háo hức vì được tiếp thu những kiến thức mới, có hệ thống để bổ trợ cho việc đờn, ca tài tử của mình. Có nghệ nhân ở cách xa nơi dạy đến vài chục cây số, nhưng vẫn đều đặn ngày hai buổi đèo nhau đến lớp đúng giờ, tiếp thu nghiêm túc. Chị Trần Thị Út Hà, ở ấp 3, xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ, chia sẻ: “Lần này, cả chồng và con gái 11 tuổi cũng tham gia lớp này. Nhà khá xa, nên chúng tôi tranh thủ đi sớm để không trễ giờ. Làm gì có dịp gặp những giảng viên kinh nghiệm để mình học nên tôi sắp xếp thời gian để có thể học và tiếp thu một cách tốt nhất”. Cô con gái Hồng Phúc tiếp lời mẹ: “Vui lắm cô, con được học cách giữ và điều chỉnh làn hơi sao cho dài, cho ngọt, thể hiện được chất tài tử. Con cố gắng về tập để hát hay hơn”…
NSƯT Phan Nhứt Dũng, giảng viên Trường Đại học Sân khấu điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ: “Tôi đã gắn bó 5 lớp về nghệ thuật đờn ở đây và mỗi lần trở lại đây là một cảm xúc mới. Các nghệ nhân đờn tuy trình độ không đồng đều nên chúng tôi phải chọn cách truyền nghề riêng, phù hợp với mọi người. Cái thuận lợi của tôi là theo lớp trong một thời gian dài, nên hệ thống được cho các nghệ nhân kiến thức đủ để họ có thể làm nòng cốt cho phong trào ở địa phương, đặc biệt là việc truyền nghề. Niềm vui của tôi còn là thấy được đam mê đờn tài tử không chỉ ở những người lớn tuổi, mà lực lượng trẻ cũng khá đông”.
Đồng hành cùng lớp truyền nghề ca, NSƯT Thanh Loan, nguyên giảng viên Trường Đại học Sân khấu điện ảnh, hồ hởi: “Lực lượng ca ở đây đông và hát rất tốt. Họ rất chịu học hỏi và tiến bộ lên từng ngày. Tôi thích nhất là các em nhỏ, chỉ độ 10 tuổi nhưng hát rất ngọt, tiếp thu nhanh và dạn dĩ trên sân khấu. Lớp trẻ trước nay có Kim Khéo, Hồng Nhãn, Hồng Trúc, đã từng chinh chiến ở các cuộc thi cấp khu vực, thì hôm nay, lại nổi lên một thế hệ mới hơn 10 tuổi: Như Ý, Thanh Tứ, Hồng Phúc. Vừa hát hay, vừa xinh lại có phong cách biểu diễn tốt, họ sẽ là lớp kế thừa hoàn toàn xứng đáng để các nghệ nhân truyền nghề”.
Có được sự quan tâm, đồng hành của ngành văn hóa cùng với lực lượng kế thừa tâm huyết, đờn ca tài tử Hậu Giang được kỳ vọng sẽ luôn được giữ lửa, ngày càng lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng…
Bài, ảnh: VĨNH TRÀ