Nhiều người trầm cảm vì chăm sóc bệnh nhân ung thư: 3 dấu hiệu cảnh báo
(Dân trí) - Một nghiên cứu tại TPHCM cho thấy, có hơn 56% người chăm sóc bệnh nhân ung thư được khảo sát có tình trạng trầm cảm.
Tại hội nghị khoa học năm 2022 của Bệnh viện TP Thủ Đức, diễn ra ngày 24/11, nhóm báo cáo viên gồm các thạc sỹ Nguyễn Thị Hiền, Nguyễn Thị Ngọc Phương và Đỗ Thị Minh Phượng đã trình bày nghiên cứu về các yếu tố tiên đoán tình trạng trầm cảm của người chăm sóc bệnh nhân ung thư.
Theo nhóm nghiên cứu, số lượng người bệnh ung thưngày càng gia tăng trên toàn cầu và Việt Nam. Hiện nay, xu hướng chăm sóc bệnh nhân ung thư là giảm dần thời gian nằm viện, chuyển sang chăm sóc tại nhà.
Các thành viên trong gia đình trở thành những người chăm sóc chính. Họ phải quản lý bệnh cùng các triệu chứng biến chứng của người bệnh, cho người bệnh dùng thuốc, hỗ trợ tâm lý và chăm sóc thể chất.
Việc chịu nhiều trách nhiệm tại cùng một thời điểm, dẫn đến nguy cơ người chăm sóc bị mất cân bằng trong đời sống cá nhân. Tình trạng căng thẳng, mệt mỏi khi nuôi bệnh ung thư, dẫn đến thể chất, tình cảm, tài chính và cuộc sống hàng ngày của người chăm sóc bị ảnh hưởng, khiến họ suy giảm sức khỏethể chất và tinh thần.
Nhóm báo cáo đã lựa chọn thu thập số liệu về người chăm sóc bệnh nhân ung thư trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 4/2022 tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM. Tiêu chí lựa chọn nghiên cứu là đối tượng từ 18 tuổi trở lên, chăm sóc chính cho bệnh nhân ung thư (gan, dạ dày, đại tràng, vú, phổi) ít nhất 1 tháng, không nhận chi phí chăm sóc và không có vấn đề sức khỏe tâm thần.
Từ tiêu chí trên, nhóm nghiên cứu đã tìm được 122 trường hợp. Kết quả từ việc thu thập số liệu thống kê cho thấy, có hơn 56% người chăm sóc trong nghiên cứu có tình trạng trầm cảm.
Sự mệt mỏi, căng thẳng, lo âu của người chăm sóc ít được quan tâm và có mối liên hệ chặt chẽ với trầm cảm. Ngoài ra, các dịch vụ hỗ trợ và chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người chăm sóc tại Việt Nam chưa được phổ biến.
Có 3 yếu tố then chốt để tiên đoán trầm cảm ở người chăm sóc bệnh nhân ung thư, đó là mức độ gánh nặng, thời gian chăm sóc và tuổi của người chăm sóc.
Cụ thể, việc không có sự chuẩn bị hay được huấn luyện trước đó là gánh nặng của người chăm sóc. Cảm nhận về gánh nặng này gây ảnh hưởng xấu đến tình trạng tâm lý và dẫn tới trầm cảm.
Kế đến, thời gian chăm sóc cho người bệnh quá nhiều, khiến người chăm sóc không còn thời gian riêng cho bản thân, bao gồm các hoạt động giao tiếp xã hội. Ngoài ra, hơn nửa người chăm sóc trong nghiên cứu này dưới 40 tuổi, bị căng thẳng và mất ngủ.
Từ thực trạng trên, các báo cáo viên kiến nghị, cần có nghiên cứu với cỡ mẫu lớn hơn về vấn đề trầm cảm của người chăm sóc bệnh nhân ung thư, cũng như phải phát triển các hoạt động can thiệp hỗ trợ chăm sóc, để giảm gánh nặng và thời gian chăm sóc cho họ.
Ngoài việc điều trị cho bệnh nhân ung thư, nhân viên y tế cũng cần quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn đến sức khỏe tâm thần của người chăm sóc, đặc biệt là đối tượng trẻ tuổi.
TS.BS Vũ Trí Thanh, Phó Giám Đốc điều hành Bệnh Viện TP Thủ Đức cho biết, công tác nghiên cứu khoa học và ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động khám, chữa bệnh có ý nghĩa quyết định, là xu thế tất yếu trong việc nâng cao chất lượng phục vụ chăm sóc sức khỏe của người dân.
Trong những năm qua, Bệnh viện TP Thủ Đức đã có nhiều tiến bộ trong nghiên cứu khoa học, ứng dụng khoa học công nghệ, với sự phát triển nhiều kỹ thuật mới, hiện đại như: Phẫu thuật tim hở; Can thiệp mạch vành, đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn; Phẫu thuật các bệnh lý chấn thương sọ não; Ghép hạch bạch huyết, tái tạo vú bằng vi phẫu… giúp cứu sống được nhiều bệnh nhân, hạn chế tình trạng chuyển tuyến, giảm tải hiệu quả cho các bệnh viện tuyến trên.