Là một trong những thị trấn có “tuổi đời” trẻ nhất ở Cà Mau (thành lập năm 2009), thị trấn Rạch Gốc (huyện Ngọc Hiển) chỉ mới vừa được phê duyệt đề án quy hoạch trong năm 2014. Vị trí cửa biển “đắc địa”, cư dân nhiều thế hệ đã gắn bó với nghề biển truyền thống, cơ sở hạ tầng đang dần được đầu tư, định hướng phát triển đúng đắn của cấp uỷ và chính quyền địa phương đang tạo diện mạo mới hết sức năng động cho Rạch Gốc.
Là một trong những thị trấn có “tuổi đời” trẻ nhất ở Cà Mau (thành lập năm 2009), thị trấn Rạch Gốc (huyện Ngọc Hiển) chỉ mới vừa được phê duyệt đề án quy hoạch trong năm 2014. Vị trí cửa biển “đắc địa”, cư dân nhiều thế hệ đã gắn bó với nghề biển truyền thống, cơ sở hạ tầng đang dần được đầu tư, định hướng phát triển đúng đắn của cấp uỷ và chính quyền địa phương đang tạo diện mạo mới hết sức năng động cho Rạch Gốc.
Chủ tịch UBND thị trấn Rạch Gốc Lưu Văn Thọ khẳng định: “Thị trấn đã xây dựng nghị quyết chuyên đề, phấn đấu đạt chuẩn văn minh đô thị trong giai đoạn 2015-2020”.
Những bước phát triển
Xác định: ngư - lâm nghiệp, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và các dịch vụ nghề cá là 3 mũi nhọn cần tập trung phát triển, ông Lưu Văn Thọ cho biết: “Nghề biển phải gắn với việc vươn khơi, đánh bắt hiệu quả nhưng đồng thời phải bền vững. Chúng tôi đã chuyển đổi trên 20 phương tiện nhỏ sang đánh bắt xa bờ. Thí điểm một số phương tiện chuyển sang nghề lưới mới. Bà con ngư dân cũng hết sức hy vọng được tiếp cận nguồn vốn từ Nghị định 67 của Chính phủ”.
Cửa biển Rạch Gốc, nơi giao thương kinh tế biển tiềm năng của huyện Ngọc Hiển. Ảnh: KHÁNH PHƯƠNG |
Việc đẩy mạnh lao động sản xuất, chuyển đổi, mở rộng các ngành nghề đã nhanh chóng thu lại hiệu quả. Tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thuỷ hải sản trong 6 tháng đầu năm 2015 đạt 5.500 tấn (đạt 60% chỉ tiêu đề ra). Các cơ sở sản xuất tôm giống đạt hiệu suất ổn định khi cung ứng ra thị trường 450 triệu post, đạt 75% chỉ tiêu.
Nuôi tôm ứng dụng khoa học - công nghệ mới dần khẳng định trên diện tích đất mặn của địa phương, trong đó tôm công nghiệp cũng phát triển trên 100 ha. Diện tích đa cây, đa con không ngừng tăng lên, đây cũng là điểm nhấn để đời sống kinh tế hộ thay đổi tích cực. Gắn với đó là công tác nâng cấp, cải thiện hạ tầng của thị trấn. Dù trong năm 2015, vốn phân bổ của thị trấn chỉ khoảng 1 tỷ đồng, song lộ bê-tông ở các tuyến bức xúc đều được chỉnh trang, sửa chữa.
Là cửa biển có lưu lượng tàu và người tương đối lớn, việc gìn giữ an ninh trật tự xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của Rạch Gốc được tập trung chú trọng. Ông Lưu Văn Thọ chia sẻ: “Phát triển phải ổn định và ổn định để phát triển. Từng cán bộ, người dân Rạch Gốc đều ý thức phấn đấu để xây dựng quê hương”. Rạch Gốc cũng đã tiên phong thành lập lực lượng gìn giữ bình yên cho thị trấn. Lực lượng này được bà con hết sức ủng hộ cả tinh thần, vật chất để hoạt động. Năm 2014, Rạch Gốc đã triệt phá một số án ma tuý, mại dâm, tạo được niềm tin tưởng vững chắc trong Nhân dân.
Nâng tầm thị trấn Rạch Gốc
Với Rạch Gốc, việc phát huy nội lực, gắn định hướng phát triển với lợi ích của Nhân dân, bám sát thực tiễn và có tính toán lâu dài là những vấn đề đang được cấp uỷ, chính quyền thị trấn đặc biệt quan tâm thực hiện. Bí thư Ðảng uỷ thị trấn Rạch Gốc Ngô Tấn Tài thông tin: “Dù còn khó khăn, song Rạch Gốc đã từng bước ổn định, phát triển trên tất cả các lĩnh vực”.
Xây dựng đạt chuẩn đô thị loại 5 là mục tiêu mà Ðảng bộ, Nhân dân thị trấn Rạch Gốc nỗ lực phấn đấu. Ðến nay, hầu hết các tuyến huyết mạch nối trung tâm thị trấn đã hình thành tuyến đường bộ, đây là điều mà trước đây, người dân Rạch Gốc “chẳng dám mơ” đến. Ông Lưu Văn Thọ bộc bạch: “Sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp lãnh đạo đã tạo ra chuyển biến mạnh về hạ tầng cơ sở của thị trấn. Thời gian tới, Rạch Gốc rất cần “cú hích” về vốn đầu tư để bứt tốc phát triển, có như vậy mới bắt kịp với tình hình thực tiễn”.
Rạch Gốc cũng là địa bàn mà tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua, ông Thọ đề xuất: “Toàn thị trấn có 7 điểm đấu nối vào tuyến đường huyết mạch này. Nội lực của địa phương thì rất khó để làm, hy vọng Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh, UBND tỉnh có cách làm linh động để Rạch Gốc đồng thời phát triển thêm hạ tầng đường bộ, vừa phát huy giá trị của tuyến đường lịch sử”.
Theo quy hoạch mới, thị trấn Rạch Gốc từ quy mô hơn 42 ha mở rộng lên trên 500 ha và kết nối với khu trung tâm hành chính của huyện. Ông Lưu Văn Thọ khẳng định: “Nghề cá phát triển, cảng biển sầm uất, mua bán tấp nập, người dân ai cũng cải thiện đời sống. Rồi Rạch Gốc sẽ rộng hơn về quy mô, khang trang hơn về diện mạo, nối thành mạng lưới với các đô thị khác tạo thành dấu ấn ở vùng đất địa đầu cực Nam Tổ quốc, đó là khát khao bao đời của người dân nơi đây. Chúng tôi biết chặng đường ấy còn lắm gian nan nhưng nhất định Ðảng bộ, Nhân dân Rạch Gốc sẽ thực hiện thành công mục tiêu này”./.
Phạm Nguyên