Nếu "dễ dãi" thì sản phẩm OCOP không đạt hiệu quả xuất khẩu Kết nối cung cầu cho sản phẩm OCOP |
| Lễ ra mắt Câu lạc bộ và Hội quán OCOP huyện Hóc Môn |
Được triển khai từ năm 2018, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) hướng đến mục tiêu phát triển các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn. Đến nay, chương trình đã thu được nhiều kết quả khả quan với gần trên 12.700 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên và gần 7.000 chủ thể OCOP. Tuy nhiên, do đi lên từ các làng, xã, nên hầu hết chủ thể OCOP có quy mô nhỏ, sản xuất theo phương thức truyền thống cùng những hạn chế về vốn, nhân lực, công nghệ nên việc mở rộng tiêu thụ vẫn còn nhiều hạn chế. Từ thực tế này, tại nhiều địa phương đã có những cách làm chủ động, sáng tạo nhằm hỗ trợ các sản phẩm OCOP ngày càng phát triển, không chỉ tại thị trường nội địa mà còn vươn ra quốc tế. Nổi bật như Câu lạc bộ OCOP Hóc Môn và Hội quán OCOP Hóc Môn vừa được ra mắt vào ngày 28/9. Với 16 hội viên ban đầu, Câu lạc bộ và Hội quán OCOP huyện Hóc Môn hướng tới mục tiêu mở rộng hội với với các doanh nghiệp đang sản xuất các sản phẩm chế biến nông nghiệp trên địa bàn. Qua đó giúp các hội viên và mọi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có quan tâm đến nông sản, sản xuất sản phẩm nông sản có thêm nhiều cơ hội, điều kiện để tiếp cận và tìm hiểu sâu hơn về OCOP, từ đó dễ dàng trong việc xây dựng sản phẩm để xin chứng nhận OCOP cho các năm kế tiếp. | Khách tham quan tìm hiểu các sản phẩm OCOP của huyện Hóc Môn |
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó chủ tịch UBND huyện Hóc Môn kỳ vọng, Câu lạc bộ và Hội quán OCOP huyện Hóc Môn sẽ tạo ra sân chơi, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm cho các chủ thể có sản phẩm OCOP, đồng thời gắn kết chính quyền và các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn; động viên, chia sẻ, đồng hành với các chủ thể trong tham gia phát triển sản phẩm OCOP. Trong dịp ra mắt Câu lạc bộ và Hội quán OCOP Hóc Môn, huyện Hóc Môn cũng đón nhận thêm 7 sản phẩm của 4 chủ thể được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao. Như vậy, hiện tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Hóc Môn đều đã có sản phẩm OCOP được công nhận với tổng số lượng 40 sản phẩm của 20 chủ thể. Trong đó có 10 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao và 30 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao. Ông Nguyễn Ngọc Luận, Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp huyện Hóc Môn, Chủ nhiệm Câu lạc bộ OCOP huyện Hóc Môn cho biết, với sự ra đời của Câu lạc bộ và Hội quán OCOP Hóc Môn, các doanh nghiệp OCOP trên địa bàn sẽ có nơi để học hỏi kinh nghiệm về marketing, thị trường... để hoàn thiện sản phẩm, từ quy trình sản xuất đến nâng cao được chất lượng sản phẩm. Từ đó hướng đến xuất khẩu các sản phẩm của địa phương TPHCM nói chung và huyện Hóc Môn nói riêng. Theo ông Luận, Câu lạc bộ sẽ chủ động kết nối hội viên với các đơn vị tư vấn trong các lĩnh vực liên quan như đảm bảo quy trình sản xuất, nâng cao năng suất - chất lượng, xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường. Đặc biệt, Câu lạc bộ và Hội quán cam kết đẩy mạnh các hoạt động tập huấn về sản xuất xanh, tiết kiệm năng lượng và kinh tế tuần hoàn, đặc biệt trong lĩnh vực đảm bảo vệ sinh nguồn nước, nguồn thải sau sản xuất… Được biết, trong số các hội viên của Câu lạc bộ OCOP của Hóc Môn, nhiều đơn vị đã xây dựng được thương hiệu và xuất khẩu đi nhiều thị trường như thương hiệu cà phê Meet More, thực phẩm đóng gói Cà Mèn... Đây được kỳ vọng sẽ là những đơn vị mang lại nhiều kinh nghiệm hữu ích, giúp các hội viên khác trong câu lạc bộ có thêm kiến thức, kỹ năng cũng như kết nối được nhiều cơ hội hợp tác, phát triển kinh doanh trong thời gian tới. |