THÊM THU NHẬP THỜI VỤ
Bình Phước hiện có hơn 13.000 ha tiêu,a tisố liệu thống kê về tottenham gặp brentford trong đó khoảng 10.000 ha đang trong thời kỳ cho thu hoạch. Mùa tiêu chín rộ chỉ trong vòng 2 tháng, trong khi việc thu hoạch hoàn toàn thủ công nên thuê nhân công hái tiêu sau dịp tết là vấn đề khá nan giải. Hái tiêu đòi hỏi những người có sức khỏe, không sợ độ cao, không mắc các bệnh về tim mạch. Anh Trần Quang Trung, thôn 5, xã Đa Kia (Bù Gia Mập), cho biết: “Nếu gia đình nào trồng bằng nọc lục (lõi cứng của một số loại gỗ), trụ bê tông, gạch xây thì mỗi trụ tiêu cao từ 3-3,5m. Hiện người dân trên địa bàn tỉnh chủ yếu trồng bằng nọc sống (cây lồng mức, cây anh đào) nên chi phí ban đầu thấp, tuổi thọ cao hơn, dây tiêu bám nọc chắc và phát triển tốt trong mùa khô. Với trụ sống, cây tiêu thường leo quá cỡ nên việc thu hoạch khá nguy hiểm, đặc biệt là những trụ cao trên 5m”.
Công việc hái tiêu tưởng nhẹ nhàng nhưng không đơn giản
Anh Trung có 2 ha tiêu đang cho thu hoạch, trong khi gia đình chỉ có 3 lao động chính. Mặt khác, do trồng tiêu bằng trụ sống nên khi thu hoạch anh phải thuê khoảng 15 lao động mỗi ngày. Mặc dù thiếu lao động nhưng để đảm bảo an toàn, anh chỉ chọn những người có kinh nghiệm, sức khỏe và nhanh nhẹn. Anh Trung cho biết: “Có người đến tìm việc nhưng không đủ sức khỏe nên gia đình tôi không nhận dù đang cần lao động. Nếu nhận họ thì sợ không đảm bảo an toàn khi hái tiêu trên cao”.
Những ngày này, từ sáng sớm tại thôn 5, xã Đa Kia từng tốp khoảng 5-7 người rủ nhau đi hái tiêu thuê. Theo vợ chồng anh Lê Đình Thủy, chị Đới Thị Bình ở thôn 5, xã Đa Kia, chúng tôi vào vườn của anh Trung để cùng thu hoạch tiêu. Tại đây, chủ vườn đã chuẩn bị sẵn các thang sắt có bốn chân để hái tiêu. Mỗi gốc tiêu dựng 2 chiếc thang với 4 người hái, dưới gốc trải bạt để hứng hạt tiêu rơi xuống. Chị Bình nói: “Trong vườn tiêu có cây trái chín trước, cây chín sau, vì vậy chủ nhà phải chỉ cho chúng tôi biết cây nào hái trước, cây nào hái sau. Tính đầu vụ đến nay vợ chồng tôi đã có hơn 20 ngày công thu hoạch tiêu, mỗi công lao động 160 ngàn đồng”.
Cũng mưu sinh bằng nghề lao động thời vụ nên cứ đến mùa tiêu bà Đặng Thị Huệ (52 tuổi), thôn 6, xã Đa Kia dậy từ rất sớm chuẩn bị cơm nước để đi hái tiêu thuê. Gia đình bà Huệ rất khó khăn, chồng bà bị bệnh teo phổi đã 25 năm nay không làm được việc nặng. Để có tiền thuốc men cho chồng và nuôi con, năm nào bà Huệ cũng đi hái tiêu thuê. Các năm trước giá tiêu cao, có thời điểm lên đến 200 ngàn đồng/kg tiêu khô, chủ vườn trả công cho người hái từ 180-200 ngàn đồng/ngày. Nhưng năm nay giá tiêu chỉ từ 120-130 ngàn đồng/kg nên tiền công chỉ 160 ngàn đồng/ngày.
RỦI RO KHÓ LƯỜNG
Hái tiêu tiềm ẩn nguy cơ tai nạn do phải trèo cao. Do vậy, đòi hỏi người hái tiêu phải có sức khỏe khi lao động trên cao. Nhiều vườn tiêu gần các hồ đập, đất dốc nên người hái tiêu phải rất cẩn thận khi chọn vị trí đặt thang, giữ vững độ cân bằng để khi leo lên thang không bị nghiêng.
Hiện nay, đa số hộ trồng tiêu bằng nọc sống nên chiều cao của trụ tiêu có thể lên đến 5m. Trong khi những chiếc thang sắt chỉ cao 3,5m. Vì vậy, người hái tiêu phải gia cố thêm thang tre để vươn tới hái phần tiêu ở ngọn nên rất nguy hiểm. Bà Huệ cho biết: “Tôi tuổi đã cao, mỗi lần hái tiêu do leo trèo nhiều nên rất đau hai đầu gối. Nhiều hôm trời nắng quá, tôi đứng mấy tiếng đồng hồ trên thang nên hoa mắt chóng mặt. Những lúc như vậy, tôi phải xuống hái dưới gốc để đảm bảo an toàn. Bà Trần Thị Tri ở thôn 6, cùng xã cũng đi hái tiêu thuê như chúng tôi. Hôm đó, chúng tôi hái tiêu cho một chủ vườn ở gần đập Bình Hà, xã Đa Kia do vườn dốc, đất mềm nên thang đổ và bà Tri bị gãy tay. Chúng tôi phải đưa bà đi bó bột, mấy tháng tay mới lành. Giờ bà Tri sợ chẳng dám đi hái tiêu thuê nữa”.
Công việc hái tiêu có phần nguy hiểm, nhưng chỉ cần cẩn thận thì những rủi ro đó có thể phòng tránh được. Chính vì vậy, nhiều người vẫn “biết ơn” cây tiêu, bởi công việc này đã giúp nhiều người có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống.
T.Hương