Sầu riêng tiếp tục là nhóm hàng xuất khẩu mang về kim ngạch lớn nhất của nhóm hàng rau quả. Ảnh minh |
Nông sản tiếp tục là điểm sáng xuất khẩu
Theo cáo cáo của Tổng cục Thống kê, trong tháng 11, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 66,4 tỷ USD, giảm 4,1% so với tháng trước và tăng 9,0% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 715,55 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 14,4%; nhập khẩu tăng 16,4%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 24,31 tỷ USD.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sơ bộ sau 11 tháng đạt 369,93 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 103,88 tỷ USD, tăng 20%, chiếm 28,1% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 266,05 tỷ USD, tăng 12,4%, chiếm 71,9%.
Kết quả này là sự đóng góp của thành tích xuất khẩu nhiều mặt hàng. Đơn cử, theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 11, xuất khẩu rau quả thu về 222,63 triệu USD. Tính chung từ đầu năm đến 15/11, tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này đạt 6,38 tỷ USD, tăng 27,46% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, sầu riêng tiếp tục là nhóm hàng xuất khẩu mang về kim ngạch lớn nhất của nhóm hàng rau quả. Cập nhật hết tháng 10/2024, xuất khẩu quả sầu riêng (mã HS 0810.60.00) đạt 2,85 tỷ USD, tăng tới 46%, tương ứng tăng 900 triệu USD so với cùng kỳ năm trước và chiếm tỷ trọng 46% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả của cả nước trong cùng thời điểm.
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, với kết quả xuất khẩu hiện nay, ngành rau quả Việt Nam sẽ lập mốc kỷ lục 7 tỷ USD, thậm chí có thể vượt mọi dự báo với con số 7,2 tỷ USD trong năm 2024.
Xuất khẩu sẽ duy trì đà tăng trưởng trong nửa đầu năm 2025
Mới đây, báo cáo của Ngân hàng UOB Việt Nam (ngân hàng thứ 5 của Tập đoàn UOB tại châu Á) dự báo xuất khẩu của Việt Nam năm nay sẽ tăng 18%, cao nhất kể từ năm 2021.
Tương tự, báo cáo của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cũng chỉ ra, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam trong năm 2023 đạt 354 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 1,5% toàn cầu, Việt Nam nằm trong Top 30 nền kinh tế xuất khẩu lớn nhất thế giới. Ở chiều nhập khẩu, trong 30 nền kinh tế nhập khẩu lớn nhất thế giới, Việt Nam đứng thứ 22 với 326 tỷ USD, chiếm 1,3% tỷ trọng nhập khẩu toàn cầu.
Trong 11 tháng qua, có 36 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 94,1% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 66,5%). Một số nhóm hàng đóng góp nổi bật như: máy vi tính, điện tử và linh kiện tăng 12,79 tỷ USD (26,1%); máy móc, thiết bị và phụ tùng tăng 8,08 tỷ USD (21,7%). Cùng với đó, dệt may, gỗ và sản phẩm gỗ cũng tăng trưởng hai con số.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 11/2024 sơ bộ đạt 32,67 tỷ USD, giảm 2,8% so với tháng trước. Tuy nhiên, tính chung 11 tháng năm 2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa sơ bộ vẫn đạt 345,62 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước.
Đối với mặt hàng dệt may, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho rằng, năm 2024, ngành dệt may Việt Nam có nhiều lợi thế, khi 17/19 Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đã có hiệu lực. Kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2024 ước đạt 44 tỷ USD, bằng mức dự kiến, tăng 11,26% so với năm 2023.
Về triển vọng xuất nhập khẩu năm 2025, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhìn nhận: thị trường thế giới có dấu hiệu ổn định, lạm phát giảm tại các thị trường lớn, nhu cầu và sức mua phục hồi; tình hình sản xuất trong nước ổn định, nguồn hàng dồi dào, phong phú; thu hút FDI đạt kết quả tốt. Các hiệp định thương mại tự do phát huy tác dụng, giúp gia tăng kim ngạch ở các thị trường có FTA, các FTA mới đi vào thực hiện... Do đó, dự báo xuất nhập khẩu sẽ duy trì đà tăng trưởng tốt từ nay tới quý I/2025, tăng trưởng đều ở các nhóm hàng và thị trường.
Bộ Công Thương sẽ tập trung vào công tác phát triển thị trường, cung cấp thông tin thị trường cho doanh nghiệp. Trong đó, Bộ đã chỉ đạo mạng lưới thương vụ Việt Nam tại nước ngoài để hỗ trợ, quảng bá nỗ lực của doanh nghiệp Việt trong việc đáp ứng được các tiêu chuẩn xanh của các nước. Các nội dung hướng dẫn, thông tin liên quan đến quy định của nước ngoài, các sổ tay cũng sẽ được triển khai thực hiện để đưa đến cho hiệp hội, doanh nghiệp kịp thời, nhanh nhất để doanh nghiệp có thể chủ động kế hoạch sản xuất kinh doanh, đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Việt Nam xuất siêu 24,31 tỷ USD trong 11 tháng năm 2024 | |
Triển vọng khai thác tài chính xanh và phát triển bền vững |