3,5 tỷ USD ở phía trước
Cục Quản lý Khí quyển và Đại dương Hoa Kỳ vừa công bố Chương trình giám sát thủy sản nhập khẩu (SIMP) hay còn gọi là Chương trình truy xuất nguồn gốc sẽ được áp dụng đối với Tôm và Bào ngư (bao gồm cả Tôm nuôi) và có hiệu lực thi hành từ ngày 31/12/2018. Theo quy định này, các nhà XK Tôm và Bào ngư vào thị trường Hoa Kỳ sẽ phải tuân thủ việc khai báo trước thời hạn 31/12/2018 nếu không hoạt động XK sẽ bị gián đoạn (Các lô hàng thủy sản dự kiến XK vào Hoa Kỳ trong khoảng thời gian từ 31/10/2018 sẽ phải thực hiện khai báo theo quy định SIMP của Hoa Kỳ). |
Hai sản phẩm thủy sản xuất khẩu chính của Việt Nam là tôm và cá tra đang có đà tăng trưởng khá tốt, được đánh giá sẽ tạo đà cho thủy sản Việt Nam XK trong năm nay. Theo VASEP, dù liên tục gặp nhiều khó khăn, song các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn coi EU là thị trường quan trọng, nỗ lực để nâng cao chất lượng, tăng thị phần tại khu vực này. Đối với cá tra, Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu bằng cách phát triển các sản phẩm mới, tăng sản phẩm cao cấp, giá trị gia tăng, giảm tỷ lệ mạ băng, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Nhận định về thị trường này, Tổng Thư ký VASEP Trương Đình Hòe cho rằng, bên cạnh việc giá bán sản phẩm cá tra tăng lên đáng kể trong thời gian gần đây thì ở thị trường EU, một số loài cá thịt trắng khác bị mất mùa nên cá tra được lựa chọn là sản phẩm thay thế. Điều này đã góp phần tạo khuynh hướng hồi phục kinh doanh, thương mại cá tra ở thị trường này và giúp kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt sang EU có dấu hiệu phục hồi trong vài tháng gần đây. Theo số liệu công bố từ Tổng cục Hải quan, trong 7 tháng năm 2018, kim ngạch xuất khẩu cá tra sang thị trường EU đạt trên 139 triệu USD, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm 2017. EU đang là thị trường NK cá tra lớn thứ ba của Việt Nam chiếm 11,6% thị phần XK, sau Trung Quốc và Mỹ.
Dù xuất khẩu cá tra sang EU đang có dấu hiệu phục hồi, tuy nhiên các chuyên gia khuyến nghị vấn đề truyền thông bôi nhọ vẫn là một trong những thách thức lớn nhất của ngành cá tra ở thị trường này trong thời gian tới. Do vậy, ngành cá tra cần tập trung công tác xây dựng thương hiệu cá tra Việt Nam cũng quảng bá hình ảnh cá tra trên thị trường; đồng thời, định vị chiến lược xuất khẩu theo phân khúc sản phẩm cao cấp, sản phẩm giá trị gia tăng với giá cao và chất lượng tốt. Có như vậy, xuất khẩu cá tra mới thực sự bền vững không chỉ riêng thị trường EU mà còn ở những thị trường xuất khẩu khác.
Rào cản từ mặt hàng chủ lực
Tôm là mặt XK chủ lực của các DN Việt Nam đang có nhiều lợi thế. Ông Lê Văn Quang , Chủ tịch HĐQT Công ty Thủy sản Minh Phú cho biết, hiện DN này đang có khoảng 7.000 sản phẩm tôm chế biến, trong đó chủ yếu dành cho XK. Theo ông Quang, sản phẩm tôm hấp chín của Công ty Thủy sản Minh Phú xuất khẩu rất tốt, mỗi ngày sản xuất, xuất khẩu khoảng 7 container, DN sản xuất không đáp ứng kịp các đơn hàng.
TS.Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty FIMEX Việt Nam cho biết, hiện Việt Nam có gần 100 nhà máy chế biến tôm với công suất trung bình khoảng 500.000 – 700.000 tấn/năm, có thể mở rộng quy mô gấp đôi trong thời gian ngắn. Việt Nam cũng có nhiều nhà máy chế biến quy mô lớn đáp ứng nhu cầu các hệ thống phân phối lớn như Minh Phú, Vĩnh Hoàn, Hùng Vương… với trình độ chế biến hàng tinh chế thuộc ngưỡng cao trên thế giới.
Tuy đánh giá triển vọng xuất khẩu của ngành nuôi tôm Việt Nam trong thời gian tới khá tươi sáng, TS.Hồ Quốc Lực cho rằng, vẫn còn những khó khăn, thách thức cần khắc phục. Đó là tình trạng nuôi tôm nhỏ lẻ với quy mô manh mún do phân tán đất sản xuất. Hiện có quá nhiều cơ sở sản xuất tôm giống (khoảng 1.700 cơ sở) nên việc kiểm soát chất lượng con tôm giống và tôm bố mẹ chưa được chặt chẽ. Bên cạnh đó, ngành nuôi tôm Việt Nam tập trung chủ yếu ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nhưng khu vực này còn nhiều hạn chế về hạ tầng giao thông khiến quá trình vận chuyển sản phẩm kéo dài làm giảm chất lượng thủy sản và tăng chi phí phát sinh. Một vấn đề khác là chi phí nuôi tôm ở Việt Nam đang cao hơn nhiều nước trong khu vực do giá con giống, thức ăn đều cao, chi phí chế biến và tiêu thụ sản phẩm cũng ở mức cao.
Để nâng khả năng cạnh tranh của con tôm Việt Nam trên thị trường thế giới, TS. Hồ Quốc Lực đề xuất các giải pháp như quy hoạch vùng nuôi chi tiết hơn, có đầu tư thỏa đáng, đồng bộ về cơ sở hạ tầng, thực hiện các vùng nuôi lớn, quy mô trang trại theo chuẩn quốc tế trên cơ sở thành lập hợp tác xã nuôi hoặc tích tụ ruộng đất. Bên cạnh đó, cũng cần phải có chương trình gia hóa tôm bố mẹ cấp quốc gia và kiểm soát hệ thống cung ứng tôm giống chặt chẽ hơn.